Hiện thực hóa các chính sách về nhà giáo
Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị (Kết luận 91) và Luật Nhà giáo sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để các chính sách
Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị (Kết luận 91) và Luật Nhà giáo sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để các chính sách về phát triển đội ngũ, chế độ tiền lương, phụ cấp và ưu đãi khác của nhà giáo có thể thành hiện thực.
Tập trung xây dựng đội ngũ
Khẳng định tầm quan trọng của Kết luận 91 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (Nghị quyết 29) trong phát triển giáo dục ở giai đoạn mới, ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Huế cho biết, Kết luận số 91 ban hành đúng vào thời điểm giáo dục phổ thông kết thúc chu kỳ 1 của quá trình đổi mới.
Do đó, đủ điều kiện để nhìn nhận ưu điểm, cũng như khó khăn, hạn chế, tồn tại và giải pháp khắc phục nhằm hoàn thành mục tiêu đổi mới một cách chất lượng, ổn định và đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Càng có ý nghĩa hơn khi đất nước đứng trước vận hội cả dân tộc bước sang thời kỳ phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển của dân tộc.
Theo ông Nguyễn Tân, nhiệm vụ của ngành Giáo dục phải phát huy vai trò của cộng đồng nghề nghiệp; từ đó huy động đội ngũ giáo viên toàn hệ thống tham gia vào hoạt động của các cơ sở giáo dục và hỗ trợ các nhiệm vụ về xây dựng, phát triển thành phố di sản.
Trong nhiều nội dung, quan điểm, chủ trương được đề cập, liên quan đến giáo dục phổ thông, nổi lên là về đội ngũ nhà giáo, chính sách, vai trò và trách nhiệm đối với đội ngũ này.
Đó là vấn đề giải quyết tốt mối quan hệ giữa thừa thiếu cục bộ, số lượng và chất lượng, phân cấp và trách nhiệm ngành…; đặc biệt là hướng đến ban hành chính sách giải quyết các nút thắt, điểm nghẽn, căn cốt là Luật Nhà giáo.
Nhận diện rõ thuận lợi và khó khăn, thách thức, thực hiện Kết luận 91, TP Huế ưu tiên 5 nhiệm vụ chính. Trong đó, trước hết, TP Huế sẽ tập trung rà soát hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp từ phổ thông đến giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; theo hướng xây dựng Huế là thành phố giáo dục như Đề án quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tập trung xây dựng TP Huế là trung tâm giáo dục, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao của cả nước, đủ điều kiện hội nhập với giáo dục khu vực và quốc tế.
Cùng đó, tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo đảm bảo về chất lượng và số lượng đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong bối cảnh đổi mới, hội nhập của đất nước trong thời đại công nghệ số. Có chính sách ưu tiên đủ mạnh để thu hút sinh viên giỏi vào ngành Sư phạm và cơ chế tốt thu hút, tạo động lực giúp đội ngũ nhà giáo toàn tâm, toàn ý với sự nghiệp giáo dục.
Xây dựng cộng đồng nghề nghiệp từ giáo dục mầm non, đến phổ thông, nghề nghiệp và đại học trong mối quan hệ kết nối và sử dụng nguồn lực con người hiệu quả. Chú trọng vai trò ý thức tự bồi dưỡng, cập nhật, phát triển nghề nghiệp của người thầy.
TP Huế cũng đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, đảm bảo 100% trường học đạt chuẩn quốc gia, đủ điều kiện để thực hiện mục tiêu Chương trình GDPT mới. Đảm bảo đủ điều kiện thực hành cho học sinh, học viên.
Mở rộng loại hình trường chuyên biệt và bán chuyên biệt đáp ứng nhu cầu học tập cho mọi đối tượng và tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục của nhân dân. Phát huy thành quả chuyển đổi số vào đổi mới quản trị trường học. Phát triển dạy và học ngoại ngữ dưới nhiều hình thức theo hướng là ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.
TP Huế đồng thời chú trọng giáo dục hình thành công dân của thành phố di sản, thành phố du lịch, thành phố giáo dục; khai thác và phát huy giáo dục văn hóa Huế vào phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh, xây dựng xã hội học tập. Mỗi học sinh và người dân thành phố Huế là những công dân sẵn sàng học tập kiến thức, kỹ năng mới để bảo tồn, xây dựng, quảng bá thành phố di sản.
Điều tiết giáo viên giữa các cơ sở giáo dục
Tại Vĩnh Long, ông Trịnh Văn Ngoãn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận 91 tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Kế hoạch đưa ra các mục tiêu đến năm 2030 và 2035, cùng đó là 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Một trong những giải pháp quan trọng được đặt ra là phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định; nghiên cứu cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên giữa các địa phương để giải quyết căn bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và nâng cao chất lượng giáo dục cho vùng khó khăn.
Với nhiệm vụ, giải pháp này, địa phương sẽ tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo. Tăng cường thanh tra, kiểm tra nền nếp, kỷ cương trường học; xử lý nghiêm các giáo viên, nhân viên, người lao động có hành vi vi phạm đạo đức, hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh và người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra các vụ việc vi phạm.
Tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao. Sắp xếp, điều tiết giáo viên giữa các cơ sở giáo dục tại tỉnh bảo đảm hợp lý, khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ; bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và Tin học đối với cấp tiểu học để triển khai chương trình giáo dục phổ thông; thực hiện hợp đồng, thỉnh giảng giáo viên theo quy định trong trường hợp chưa tuyển đủ giáo viên.
Vĩnh Long sẽ tiếp tục kế hoạch nâng trình độ chuẩn đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đã được phê duyệt; tập trung thực hiện công tác bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông.
Chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông. Phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo, chuyên môn học thuật, đề cao đạo đức, trách nhiệm của nhà giáo.
Nâng cao đời sống
Hiện, Bộ GD&ĐT nỗ lực lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo để được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ghi nhận và đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Nhà giáo, ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định sự cần thiết của dự án Luật này.
Luật được ban hành sẽ khắc phục bất cập trong quản lý Nhà nước về nhà giáo hiện nay, đồng thời kiến tạo các chính sách đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo. Trên hết là tôn vinh, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề.
Đặc biệt quan tâm và ủng hộ các chính sách được đưa ra trong dự thảo Luật, ông Phạm Văn Hòa nhận định, nếu các chính sách này được Quốc hội thông qua sẽ góp phần động viên và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhà giáo; trong đó có các chính sách đối với nhà giáo công tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Cùng đó là các chính sách liên quan đến nhà ở công vụ, nâng bậc lương cho giáo viên mới ra trường, chế độ nghỉ hưu sớm cho giáo viên mầm non, kéo dài tuổi nghỉ hưu cho nhà giáo có trình độ, phẩm chất cao...
Liên quan đến chính sách tiền lương và các chế độ phụ cấp, ưu đãi, ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa nhận thấy, hiện mức lương, mức phụ cấp ưu đãi của nhà giáo, đặc biệt giáo viên mầm non, phổ thông thấp hơn so với mức lương của cán bộ, công chức các ngành khác, nhất là khối đoàn thể trên cùng địa bàn.
Thực tế cho thấy, lương và phụ cấp ưu đãi nghề của nhà giáo chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp, chưa đủ đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội và chưa đủ để đảm bảo mức sống, nhất là những giáo viên trẻ mới vào nghề.
“Áp lực về thu nhập là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành Sư phạm. Thực trạng này khiến địa phương thiếu nguồn tuyển dụng để bổ sung số còn thiếu và chuẩn bị đội ngũ triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới”, ông Trần Văn Thức trăn trở.
Cải thiện chất và lượng bằng cơ chế, chính sách
Nghị quyết 29 có nêu, tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, vấn đề này vẫn dừng lại ở tuyên ngôn, chưa đi vào thực tế cuộc sống.
Tại Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và dự thảo Luật Nhà giáo khẳng định, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, vùng.
“Nếu Luật Nhà giáo được Quốc hội thông qua, chủ trương trên sẽ trở thành hiện thực. Khi đó, nhà giáo sống được bằng lương”, ông Trần Văn Thức bày tỏ.
Phát triển, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là yêu cầu tất yếu cho sự nghiệp phát triển giáo dục. Ông Dương Văn Phước - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, từ trước đến nay, công tác giáo dục và đào tạo luôn được coi trọng; trong đó đội ngũ nhà giáo là lực lượng nòng cốt. Do vậy, xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo trong bối cảnh hiện nay cần thiết.
“Ở chừng mực nào đó, có thể nói chậm so với yêu cầu thực tiễn”, ông Dương Văn Phước nêu ý kiến.
Đề cập đến chế độ ưu đãi, tiền lương và phụ cấp cho nhà giáo, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam ủng hộ các chính sách mà dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất. Tuy nhiên, nếu xét riêng từng vùng miền, giáo viên ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn cực khổ. Các thầy, cô giáo hy sinh nhiều cho sự nghiệp “trồng người”.
Tình yêu nghề, yêu trò không cho phép họ bỏ trường, lớp dù họ có thể về vùng có điều kiện thuận lợi. Do vậy, ông Dương Văn Phước cho rằng, dự thảo Luật Nhà giáo cần có những chính sách đột phá, ưu tiên hơn nữa đối với giáo viên ở khu vực này.
Khoản 3, Điều 23 dự thảo Luật Nhà giáo có nêu, giáo viên công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 3 năm trở lên được cơ sở giáo dục nơi nhà giáo công tác và cơ quan quản lý giáo dục giải quyết cho thuyên chuyển, khi nơi đến đồng ý tiếp nhận.
Theo ông Tô Văn Tám - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, về lý thuyết, quy định như vậy ổn và đầy đủ. Tuy nhiên, với điều kiện “nơi đến đồng ý tiếp nhận” sẽ có tình trạng giáo viên muốn thuyên chuyển thì cơ sở giáo dục không cho đi vì thiếu nhân lực, nơi tiếp nhận thì không “mở cửa” vì đủ người đứng lớp. Từ đó, nhà giáo phải “xin” với rất nhiều khó khăn và hệ lụy.
Để khoản 3, Điều 23 dự thảo luật có tính khả thi cao, ông Tô Văn Tám cho rằng, nên quy định theo hướng: Đây là quyền của nhà giáo. Theo khoa học pháp lý, quyền của chủ thể này được đảm bảo thực hiện bằng nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ thể khác. Như vậy, cần quy định nơi đến phải có trách nhiệm tiếp nhận khi nhà giáo thuyên chuyển đến. Cơ quan quản lý giáo dục có trách nhiệm điều phối trong quá trình thực hiện quyền thuyên chuyển của nhà giáo.
Ngành Giáo dục Vĩnh Long sẽ quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và chủ trương tại Kết luận số 09-KL ngày 24/11/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. - Ông Trịnh Văn Ngoãn.