Những giống lúa cho năng suất vượt trội trong vụ xuân tại Hà Tĩnh

Vụ xuân năm 2025, sản xuất lúa ở Hà Tĩnh tiếp tục khẳng định hiệu quả từ bộ giống chủ lực. Bên cạnh đó, nhiều giống khảo nghiệm cũng cho năng suất, chất lượng cao.

Nhiều giống đại trà giữ "top" đầu về năng suất

Trong nhóm giống đại trà, những cái tên quen thuộc như Khang Dân 18, Nếp 98, Xuân Mai… tiếp tục được nông dân tin tưởng lựa chọn. Những dòng này khẳng định được vị thế nhờ sự ổn định về sản lượng, phẩm chất gạo đáp ứng tốt yêu cầu thị trường.

Vụ xuân 2025, xã Kim Song Trường (huyện Can Lộc) gieo cấy khoảng 300 ha giống Nếp 98 (gần 1/3 diện tích lúa toàn xã), năng suất ước đạt 3,3 tạ/sào. Người dân càng thêm phấn khởi khi giá lúa đạt cao, dao động từ 5.700 - 5.900 đồng/kg.

 Nhiều loại giống chủ lực như Khang Dân 18, Nếp 98, Xuân Mai... tiếp tục được nông dân Hà Tĩnh tin tưởng lựa chọn.

Nhiều loại giống chủ lực như Khang Dân 18, Nếp 98, Xuân Mai... tiếp tục được nông dân Hà Tĩnh tin tưởng lựa chọn.

Ông Nguyễn Văn Thanh (thôn Phúc Yên, Kim Song Trường, Can Lộc) cho biết: “Năm nay, gia đình tôi sản xuất 1,5 mẫu ruộng, phần lớn là Nếp 98. Loại này giữ vị trí dẫn đầu về năng suất tại xã, cao hơn các giống khác từ 0,2 - 0,3 tạ/sào. Tôi thu hoạch đến đâu, thương lái mua đến đó”.

Theo đánh giá của Phòng NN&MT huyện Can Lộc, là vùng trọng điểm về sản xuất lúa, vụ xuân 2025, huyện chủ yếu cơ cấu các giống chủ lực theo định hướng của tỉnh như Nếp 98, VNR20, Bắc Thịnh, Hà Phát 3… Với sự hỗ trợ kỹ thuật đồng bộ và điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, năng suất bình quân của toàn huyện đạt trên 3,2 tạ/sào, cao nhất từ trước đến nay.

 Niềm vui được mùa tại thôn Nam Yên, xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên).

Niềm vui được mùa tại thôn Nam Yên, xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên).

Còn tại các địa phương như huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, những giống lúa như Khang Dân 18, Xuân Mai... chiếm ưu thế về diện tích và hiệu quả sản xuất. Trên cánh đồng hơn 30 ha tại thôn Nam Yên (xã Nam Phúc Thăng, Cẩm Xuyên), bà con bước vào mùa gặt với khí thế phấn khởi. Ông Trần Văn Hinh (thôn Nam Yên) chia sẻ: “Sau chuyển đổi ruộng đất, chúng tôi chủ yếu gieo cấy giống Khang Dân 18. Đây là loại lúa cho năng suất cao, được thị trường ưa chuộng nên thương lái thu mua ngay tại chân ruộng”.

Theo ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, thời gian qua, địa phương đã đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Huyện ưu tiên sử dụng một số dòng lúa chất lượng cao như Xuân Mai, Khang Dân 18, TH3-3, Bắc Thịnh, VNR20… trên các cánh đồng lớn sau quá trình chuyển đổi, tích tụ ruộng đất. Nhờ lựa chọn giống hợp lý kết hợp trình độ thâm canh cao, vụ xuân năm nay Cẩm Xuyên tiếp tục đạt thắng lợi toàn diện, năng suất và chất lượng đều vượt mục tiêu đề ra.

 Thương lái tập trung thu mua mua giống lúa Khang Dân 18 tại huyện Cẩm Xuyên.

Thương lái tập trung thu mua mua giống lúa Khang Dân 18 tại huyện Cẩm Xuyên.

Tiếp tục khảo nghiệm các giống tiềm năng

Ngoài các loại giống đại trà đã đưa vào cơ cấu, Hà Tĩnh tiếp tục khảo nghiệm một số giống mới có triển vọng đưa vào cơ cấu chủ lực thời gian tới. Trong đó, các loại giống TBR97, Hương Bình, VNR10,… nhận được nhiều sự quan tâm nhờ hiệu quả vượt trội trong vụ xuân này.

Tại xã Tùng Lộc (huyện Can Lộc), giống TBR97 qua khảo nghiệm được đánh giá cao cả về sinh trưởng lẫn năng suất. Ông Nguyễn Văn Phước (thôn Tây Hương, xã Tùng Lộc, Can Lộc) cho biết: “Qua 2 vụ, tôi nhận thấy cây phát triển khỏe, ít sâu bệnh. Gia đình thu được 3,2 tạ/sào, cao hơn một số giống khác tại địa phương”.

Theo ông Trần Văn Hạnh - cán bộ phụ trách Công ty CP Tập đoàn Thai Binh Seed tại Hà Tĩnh, ở các vùng thử nghiệm, giống lúa TBR97 dễ canh tác, đẻ nhánh khỏe, chu kỳ sinh trưởng ngắn. Cây có độ cao trung bình, ít đổ ngã, chống chịu sâu bệnh tốt. Ngoài ra, tỷ lệ xay xát cao, cơm mềm dẻo và thơm nhẹ.

 Giống lúa TBR97 khẳng định năng suất trên đồng ruộng huyện Can Lộc.

Giống lúa TBR97 khẳng định năng suất trên đồng ruộng huyện Can Lộc.

Tại huyện Nghi Xuân, địa phương tiếp tục mở rộng diện tích một số dòng triển vọng như QP-5, VNR10,… Ông Nguyễn Trọng Thắng - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Sơn (xã Xuân Hồng, Nghi Xuân) cho biết: “Đây là vụ thứ 5 chúng tôi đưa giống QP-5 vào sản xuất trên diện tích gần 20 ha. Loại này ít sâu bệnh, đạt năng suất hơn 3 tạ/sào, phù hợp với điều kiện đất đai”.

Theo ông Lê Anh Đức - Phó Trưởng phòng NN&MT huyện Nghi Xuân, toàn huyện gieo cấy 3.295 ha lúa trong vụ xuân 2025 với năng suất trung bình dự kiến đạt 56 tạ/ha. Các giống lúa mới được đánh giá tương đối phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, điều kiện canh tác, chống chịu tốt sâu bệnh. Đây là cơ sở để lựa chọn vào cơ cấu sản xuất của huyện, thay thế các giống lúa thuần năng suất thấp hiện nay, giúp nâng cao hiệu quả và thu nhập cho nông dân.

 Xã Xuân Lĩnh (Nghi Xuân) đưa một số giống mới vào sản xuất trên cánh đồng lớn sau chuyển đổi, tập trung ruộng đất.

Xã Xuân Lĩnh (Nghi Xuân) đưa một số giống mới vào sản xuất trên cánh đồng lớn sau chuyển đổi, tập trung ruộng đất.

Từ thực tiễn vụ xuân năm nay, có thể thấy Hà Tĩnh đang từng bước chủ động xây dựng cơ cấu sản xuất phù hợp từng vùng sinh thái. Nhờ đó, các giống chủ lực như Nếp 98, Khang Dân 18, Xuân Mai, Nhị Ưu 838, TH3-5, Thái Xuyên 111,… tiếp tục phát huy hiệu quả ổn định. Đồng thời, nhiều dòng mới như TBR97, VNR10, QP-5, Hương Bình,… bước đầu khẳng định được ưu thế về sản lượng, chất lượng và có khả năng mở rộng diện tích trong các vụ tiếp theo.

Thời gian tới, Sở NN&MT sẽ tiếp tục đánh giá, lựa chọn, bổ sung một số giống mới vào bộ giống chủ lực cho tỉnh. Tuy nhiên, việc lựa chọn cũng cần được thực hiện hết sức cẩn trọng, bài bản, nhất là trong điều kiện diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp.

Song Oanh

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nhung-giong-lua-cho-nang-suat-vuot-troi-trong-vu-xuan-tai-ha-tinh-post288376.html
Zalo