Những đột phá và 'chất xúc tác' trong dự thảo Nghị quyết về kinh tế tư nhân
Kinh tế tư nhân được kỳ vọng sẽ 'cất cánh' nhờ những cơ chế, chính sách đột phá và toàn diện, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng chia sẻ tại tổ nội dung Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, ngày 15/5. (Ảnh: Vietnam+)
Trong phiên thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân diễn ra ngày 15/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã chia sẻ về những hành động và giải pháp cụ thể, mang tính đột phá với mục tiêu tạo ra "chất xúc tác" để khu vực kinh tế tư nhân phát huy tối đa tiềm năng, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Ba nhóm vấn đề trọng tâm
Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, coi đây là động lực then chốt cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, các cơ chế, chính sách cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để khu vực này phát triển, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ đã chủ động xây dựng Nghị quyết tập trung vào các vấn đề thuộc thẩm quyền, nhằm triển khai Nghị quyết 68. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng trình Quốc hội để ban hành Nghị quyết của Quốc hội nhằm triển khai các nội dung thuộc thẩm quyền của cơ quan lập pháp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, cả Chính phủ và Quốc hội đều tập trung vào ba nhóm vấn đề trọng tâm để triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 68.
Thứ nhất là tháo gỡ ngay các điểm nghẽn. Tư lệnh ngành Tài chính cho biết đối với các nhiệm vụ, giải pháp đã rõ về nội hàm và có tính cấp bách, cần tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, tạo niềm tin và động lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân. Do đó, nếu các vấn đề này chưa được thể chế hóa hoặc cần sửa đổi, bổ sung, nhưng thuộc thẩm quyền của Quốc hội và không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật trong chương trình xây dựng pháp luật kỳ này, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết.
Thứ hai, các nhiệm vụ, giải pháp cần thể chế hóa, sửa đổi, bổ sung ngay và thuộc phạm vi điều chỉnh của một số luật trong chương trình xây dựng pháp luật, Chính phủ giao cho các cơ quan chủ trì soạn thảo các luật để khẩn trương rà soát, nghiên cứu, thể chế hóa ngay trong quá trình soạn thảo luật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Thứ ba là nghiên cứu, xây dựng chính sách. Đối với một số nhiệm vụ, giải pháp mang tính định hướng và chưa cấp bách, cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, Chính phủ giao cho các cơ quan nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật hoặc trình Quốc hội ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể.

Dự thảo nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, Nhà nước và người dân, giữa các đối tượng chịu ảnh hưởng. (Ảnh: Vietnam+)
Một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm là tính bao quát và đối tượng áp dụng của dự thảo Nghị quyết, bao gồm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, Nhà nước và người dân, giữa các đối tượng chịu ảnh hưởng.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết Chính phủ đã nghiên cứu và tính toán rất kỹ vấn đề này nhằm đảm bảo rằng mọi đối tượng đều có chương trình và chính sách hỗ trợ phù hợp. Mục tiêu là tạo điều kiện để các hộ kinh doanh có thể lớn mạnh, chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp; các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội phát triển thành doanh nghiệp lớn hơn.
"Chúng tôi rất lo nếu mình ưu ái quá đối với hộ kinh doanh thì họ sẽ không muốn lớn lên nữa. Nếu ưu ái doanh nghiệp vừa và nhỏ quá thì họ cũng không muốn lớn nữa để thành doanh nghiệp vừa và lớn," Bộ trưởng chia sẻ.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đang cố gắng kéo các chính sách ưu tiên giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp vừa và nhỏ lại gần nhau hơn. Theo đó, các ưu đãi đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ lớn hơn đồng thời có những quy định rõ ràng hơn đối với hộ kinh doanh, tránh tình trạng lợi dụng chính sách.
Bỏ thuế khoán tiến tới minh bạch
“Minh bạch hóa” được xem là yếu tố then chốt để phát triển bền vững khu vực kinh tế tư nhân. Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh việc chuyển đổi từ hình thức thuế khoán sang hình thức thuế tự khai sẽ không tạo thêm gánh nặng cho các hộ kinh doanh, mà ngược lại sẽ giúp họ tuân thủ pháp luật và hoạt động hiệu quả hơn.
Để hỗ trợ quá trình này, Bộ Tài chính đã chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, khuyến khích các hộ kinh doanh sử dụng máy tính tiền và hóa đơn điện tử. Theo Bộ trưởng, việc triển khai thí điểm các giải pháp này đã mang lại kết quả tích cực, thể hiện qua sự gia tăng đáng kể trong số thu thuế. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, bao gồm hỗ trợ kinh phí xây dựng, thuê mua các nền tảng số, phần mềm, đào tạo và đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hạch toán kế toán.
Theo ông Thắng, những nỗ lực này nhằm mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ kinh doanh chuyển đổi và phát triển đồng thời minh bạch hóa hoạt động kinh tế, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, khuyến khích các hộ kinh doanh sử dụng máy tính tiền và hóa đơn điện tử. (Ảnh: Vietnam+)
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng bày tỏ kỳ vọng các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo nghị quyết, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn, từ đó tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ và bền vững. Bộ trưởng Thắng cũng khẳng định Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn.
"Chúng tôi mong muốn hoàn thiện được một dự thảo có chất lượng tốt nhất, có tính thực tiễn nhất và tính hành động nhất, khi đưa ra là phải triển khai được, từ đó có những tác động nhanh và sâu sắc nhất đối với các đối tượng là người thụ hưởng," ông Thắng nhấn mạnh./.