Những đôi tay mềm trên gấm hoa thổ cẩm
Sản phẩm zèng được dệt nên bằng bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người phụ nữ Tà Ôi. Họ đã thổi hồn vào những nét hoa văn tinh tế trên tấm zèng bằng những hình ảnh cuộc sống đời thường. Ở đó, nghệ nhân Mai Thị Hợp đã góp phần đưa zèng từ thổ cẩm địa phương nâng lên tầm Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Zèng dệt tình yêu
Hình ảnh nghệ nhân Mai Thị Hợp hàng ngày cặm cụi cúi bên khung dệt, đôi bàn tay thoăn thoắt lướt nhanh chiếc thoi đã óng lên màu thời gian đã trở lên quen thuộc với người dân Lâm Đớt. Vốn là người trầm tính, ít nói, nhưng khi được hỏi về dệt thổ cẩm, đôi mắt của nghệ nhân Mai Thị Hợp (65 tuổi, xã vùng sâu đặc biệt khó khăn Lâm Ðớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) vui hẳn lên. Nói về dệt zèng, bà có thể ngồi hàng giờ để kể về niềm đam mê của mình. Năm lên 10 tuổi, bà đã bị cuốn hút bởi những sợi chỉ giăng ngang dọc, tiếng lách cách của khung cửi mỗi khi mẹ dệt vải. Nhìn mãi thành quen, dần dần, bà biết cách xếp khung cửi, bày chỉ, rồi học dệt các sản phẩm đơn giản.
Sau mấy năm mày mò luyện tập, đến năm 15 tuổi, lần đầu bà đã tự dệt được một tấm zèng hoàn chỉnh. Khi sản phẩm đầu tay của mình là một tấm thổ cẩm ra đời, nhìn thấy nụ cười, ánh mắt đầy tự hào của mẹ, của bà ngoại, nghệ nhân Mai Thị Hợp tự nhủ phải tiếp tục học dệt để nghề truyền thống không bị mai một, thất truyền. Chỉ với khung dệt đơn sơ với đôi bàn chân làm điểm tựa, thông qua đôi bàn tay linh hoạt, ở tuổi ngoài 60, bà Hợp vẫn cho thấy sự khéo léo đến tuyệt vời.
Nghề dệt zèng cũng từ đó vận vào người bà Hợp. Rồi bà lấy chồng, mang theo cả khung dệt zèng về nhà chồng. Hằng ngày, sau những giờ lao động nhọc nhằn ở ruộng rẫy, bà lại làm bạn với chiếc khung dệt zèng. Sản phẩm làm ra, cái bà để dùng may mặc trong nhà, cái mang bán cho bà con Cơ Tu hay Pa Cô quanh vùng. Ở A Lưới có 3 dân tộc ít người thì mỗi đồng bào lại có một “gu” thẩm mỹ riêng về thổ cẩm. Mấy mươi năm cầm thoi dệt và đi khắp vùng bán đổi, bà Hợp rành rẽ rằng người Pa Cô thích màu đỏ, người Cơ Tu ưa hoa văn nhỏ, còn bà con Tà Ôi lại thích sự cầu kỳ và phức tạp. Cái khó của thợ dệt do vậy không phải là dệt nhanh hay dệt khéo mà là phải có ý tưởng để lên được khung những hoa văn đẹp, màu sắc nổi bật và hợp với thị hiếu của mỗi vùng khác nhau.
Bà Hợp cũng như hàng ngàn người phụ nữ Tà Ôi khác trong những căn nhà nhỏ nằm nép mình trong màu xanh bạt ngàn của núi rừng Trường Sơn đằng đẵng hằng đêm với khung dệt. Những lễ hội độc đáo, nơi các chàng trai, cô gái với váy áo, khăn dệt rực rỡ như một rừng hoa tỏa hương, khoe sắc cùng hẹn hò... với những sản phẩm dệt thổ cẩm. Zèng cũng đã kết nối, tạo nên tình yêu cho rất nhiều trai gái nơi này.
Bà Hợp bộc bạch, với bàn tay khéo léo của người thợ dệt, khung cửi đơn sơ có thể dệt trên 10 loại zèng khác nhau với các tên gọi Aratang, Atoang, Pahiêng, Vivat... Mỗi loại có một đặc điểm khác nhau, nếu như Aratang hấp dẫn bởi hình ảnh đầy hình tượng của những viên cườm nhỏ xíu được xâu vào vải khi đang dệt, thì Vivat giản dị với hình dáng của những ngọn núi trùng điệp ẩn hiện trong từng sợi chỉ. Những tấm vải dệt zèng thổ cẩm của người dân tộc Tà Ôi mang vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng với khoảng 76 loại hoa văn khác nhau, mô phỏng những con suối, dốc cao, cây cỏ, chim rừng, đồ vật, con người và những ngôi sao trên bầu trời... Hoa văn dệt zèng thường thể hiện 3 loại hình là hình tam giác, hình thoi và hình đường thẳng với phức hệ hoa văn về thực vật, động vật, đồ vật, con người và thế giới xung quanh có ý nghĩa đối với văn hóa tâm linh, khao khát về sự giao hòa giữa trời đất và con người.
Báu vật của Tà Ôi
Zèng là một loại thổ cẩm rất đặc sắc của bà con dân tộc Tà Ôi ở miền Trung - Tây Nguyên, được dệt và nhuộm thủ công hoàn toàn từ cây bông và các nguyên liệu vỏ, lá cây tự nhiên. Sản phẩm zèng được dệt nên bằng bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người phụ nữ Tà Ôi. Họ đã thổi hồn vào những nét hoa văn tinh tế trên tấm zèng bằng những hình ảnh cuộc sống đời thường. Các thiếu nữ Tà Ôi xem kỹ năng dệt zèng, may váy áo từ zèng là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất của “công, dung, ngôn, hạnh”.
Những tấm vải zèng lộng lẫy, đa màu sắc còn thể hiện cả vũ trụ quan và mơ ước của đồng bào Tà Ôi với biểu tượng của hàng rào bảo vệ bản làng, những tấm bùa để xua đuổi ma quỷ, dải hạt mã não là thứ sản phẩm mà bà con quý nhất trong các loại đồ trang sức và cả những lá cây đùng đình tượng trưng cho rừng núi muôn màu cây lá, môi trường sống vĩnh hằng của họ. Nét độc đáo của zèng là kỹ thuật dệt đan cài các hạt cườm vào sợi để tạo hoa văn trên vải, khác với hoa văn được tạo bằng chỉ màu. Đây là kỹ thuật dệt truyền thống độc đáo và duy nhất trong hệ thống nghề dệt thổ cẩm tại Việt Nam.
Hiện nay, trên địa bàn huyện A Lưới có 4 làng nghề dệt zèng truyền thống ở các xã A Hưa, A Đớt, A Rưm, A Roàng. Nhờ nỗ lực hơn 30 năm của mình cùng những chị em Tà Ôi, bà Hợp đã đưa zèng của người Tà Ôi bước ra khỏi núi rừng A Lưới, đi về đồng bằng, đi ra thế giới thông qua Festival Làng nghề và nhiều kênh khác. Nghề dệt zèng vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, được Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định công nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm zèng A Lưới.
Ðặc biệt, năm 2015, thổ cẩm của đồng bào Tà Ôi có cơ hội được trình diễn ở Nhật Bản và nghệ nhân Mai Thị Hợp chính là người đại diện cho phụ nữ Tà Ôi tham gia thao diễn nghề tại Trung tâm hội nghị quốc tế Fukuoka. Tiếp đến là những chuyến đi biểu diễn nghề dệt zèng ở châu Âu, Thái Lan, Trung Đông... Nghệ nhân Mai Thị Hợp là một trong 100 nhà nông tiêu biểu được bình chọn nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022”. Bà Hợp chia sẻ, cũng chính những đợt tham gia trình diễn nghệ thuật dệt zèng của bà Hợp cùng các chị em trên các sân khấu trong và ngoài nước đã làm cho zèng trở nên sống động, quyến rũ và được hoan nghênh tại nhiều nơi. Sản phẩm dệt zèng A Lưới cũng đã được xuất khẩu ra nước ngoài theo các đơn đặt hàng, hay xuất hiện ở những sàn diễn thời trang trong nước và quốc tế, mang lại thu nhập cao cho người dân.