Những điều chứng tỏ bạn đối xử 'tồi tệ' với cơ thể
Việc dùng điện thoại trong nhà vệ sinh hay làm việc không nghỉ là những thói quen phổ biến của người trẻ. Tuy nhiên, chúng thực sự ảnh hưởng sức khỏe trong tương lai.
Ăn uống không đúng giờ, bỏ bữa: Cuộc sống hiện tại bận rộn, quá nhiều công việc khiến nhịp sinh hoạt của bạn bị ảnh hưởng, thường xuyên ăn uống thất thường như bỏ bữa, ăn không đúng giờ. Tuy nhiên, theo Thehealthsite, thói quen ăn uống không lành mạnh này có thể dẫn đến các vấn đề tiêu hóa như đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa, viêm loét… Điều này cũng làm suy giảm chức năng miễn dịch, tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tự miễn. Nó khiến quá trình trao đổi chất của cơ thể bị cản trở, dẫn đến tăng cân và khó kiểm soát cân nặng. Ảnh: Bobsbanter.
Ăn đồ chế biến sẵn: Theo Eat This, Not That, thức ăn nhanh rất giàu chất béo chuyển hóa, đường, gia vị và chất bảo quản nhân tạo. Nhưng cuộc sống phụ thuộc vào thức ăn nhanh liên tục sẽ làm tăng cân, gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như cholesterol cao, tiểu đường và bệnh tim về lâu dài. Vì thức ăn nhanh rất giàu chất béo xấu, nó làm tăng cholesterol xấu trong cơ thể và dẫn đến xơ cứng động mạch, gây tích tụ mảng bám. Ảnh: Scitechdaily.
Lười uống nước: Cơ thể chúng ta 70% là nước, khi không cung cấp đủ nước cho cơ thể, sức khỏe sẽ gặp nguy hại. Theo Bustle, khi quên uống nước, việc vận chuyển nồng độ oxy và chất dinh dưỡng trong cơ thể kém đi, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, giảm năng lượng, đau đầu, táo bón. Những người lười uống nước sẽ có nguy cơ đối mặt với các bệnh như sỏi thận, vàng da, rụng tóc... Ảnh: Freepik.
Lười vận động: Việc dành phần lớn thời gian trong ngày ở nhà, ít vận động có thể làm tăng đáng kể nguy cơ trầm cảm, thiếu ánh sáng mặt trời và vitamin D, điều này góp phần gây ra các triệu chứng trầm cảm. Bên cạnh đó, không đi ra ngoài có nghĩa là bạn đã bỏ lỡ những điều kỳ diệu của thiên nhiên, tăng cường sức khỏe tinh thần, cải thiện tâm trạng và cơ thể khỏe khoắn hơn. Ảnh: Pexels.
Làm việc không nghỉ: Áp lực của cuộc sống hiện đại, môi trường căng thẳng khiến chúng ta cần coi trọng việc giải trí, theo India Times. Tuy nhiên, nhiều người đặt mục tiêu làm việc không ngừng nghỉ, dành hết thời gian để xử lý khối lượng công việc khổng lồ, bao gồm cả thời gian chăm sóc bản thân. Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Lao động Quốc tế cho thấy làm việc hơn 55 giờ một tuần có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe của bạn, bao gồm nguy cơ về bệnh động mạch vành - một tình trạng đau ngực tái phát hoặc khó chịu và đột quỵ, theo Cleveland Clinic. Ảnh: Healthgrades.
Đeo tai nghe nhiều giờ: Thời đại công nghệ số khiến tai nghe trở thành một trong những "người bạn" đồng hành của nhiều người suốt cả ngày. Chúng ta nghe nhạc để thư giãn, khi đi du lịch hoặc tập thể dục. Tuy nhiên, theo India Times, nghe nhạc lớn qua tai nghe với tần suất kéo dài có thể khiến cho các tế bào thần kinh trong ốc tai làm việc quá sức, tổn thương dẫn đến suy giảm thính lực. Khi đeo tai nghe, sóng vô tuyến tần số điện từ cũng gây kích thích và nguy hiểm cho não bộ, khiến bạn dễ bị căng thẳng, mệt mỏi, mất tập trung. Ảnh: Esty.
Sử dụng điện thoại khi đi vệ sinh: Theo NDTV, nhiều người có thói quen sử dụng điện thoại trong nhà vệ sinh, thậm chí ngồi hàng chục phút. Tuy nhiên, hành động này lặp đi lặp lại, kéo dài trong thời gian dài sẽ gây hại cho sức khỏe. Sử dụng điện thoại giữa lúc đi vệ sinh và trước khi rửa tay có thể truyền vi trùng từ tay sang điện thoại và từ điện thoại sang mặt. Bên cạnh đó, thói quen này sẽ kéo dài thời gian đi vệ sinh, tăng nguy cơ bệnh trĩ. Ảnh: Pexels.
Sống và suy nghĩ tiêu cực: Theo Mayo Clinic, việc giữ những suy nghĩ tiêu cực cũng khiến các tế bào não phải hoạt động liên tục, dẫn đến lưu thông máu kém và suy nhược thần kinh. Suy nghĩ tiêu cực gây ra tâm trạng lo lắng, căng thẳng, bồn chồn, bất an, tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tâm lý. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe thể chất như vấn đề về dạ dày, đường ruột, tăng cân. Thậm chí, những cảm xúc đó có thể gia tăng hormone adrenaline và cortisol, gây tăng huyết áp, tăng nhịp tim. Thời gian dài, tình trạng này có thể gây tăng huyết áp mạn tính cùng với nhiều vấn đề tim mạch khác. Ảnh: Counselling.