Những điều cần biết khi mua đất dự án
Việc mua đất dự án tại các địa phương khá phổ biến, nhưng thực tế nhiều dự án chứa đựng không ít rủi ro. Sau đây là những lưu ý cần biết khi người dân mua đất tại các dự án.
1. Đất dự án là gì?
Đất dự án gồm những loại sau:
- Dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để cho thuê hoặc để bán kết hợp cho thuê theo quy định của pháp luật về nhà ở (đây là đất dự án phổ biến nhất - chủ đầu tư phân lô, bán nền cho người dân).
- Dự án đầu tư kinh doanh bất động sản gắn với quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
- Dự án sản xuất, kinh doanh không sử dụng vốn từ ngân sách Nhà nước.
2. Điều kiện chuyển nhượng đất trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở
- Dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt.
- Chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có).
- Dự án thuộc khu vực, loại đô thị được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền theo quy định.
- Các điều kiện khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, xây dựng, phát triển đô thị, kinh doanh bất động sản và nhà ở.
3. Phải yêu cầu chủ đầu tư sang tên sổ đỏ
Theo quy định của Luật Đất đai, khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì chủ đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) cho toàn bộ diện tích dự án. Khi đủ điều kiện ký hợp đồng chuyển nhượng thì chủ đầu tư có nghĩa vụ tách thửa để đăng ký biến động (sang tên) cho người nhận chuyển nhượng.
4. Phải công chứng hoặc chứng thực hợp đồng
Dù là đất nền dự án hay thửa đất riêng của hộ gia đình, cá nhân thì hợp đồng chuyển nhượng vẫn phải công chứng hoặc chứng thực theo quy định, trừ trường hợp một hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản.
5. Đọc kỹ hợp đồng đặt cọc
Thông thường trước khi công chứng hợp đồng chuyển nhượng chủ đầu tư hoặc bên môi giới yêu cầu người dân đặt cọc một số tiền nhất định. Hợp đồng đặt cọc thông thường do chủ đầu tư, môi giới soạn trước trên cơ sở ý kiến của bộ phận pháp chế hoặc công ty/văn phòng luật nên hợp đồng có nhiều điều khoản bất lợi cho người đặt cọc.
Do đó, trước khi đặt cọc người dân cần đọc kỹ các điều khoản của hợp đồng, nhất là điều khoản về quyền, nghĩa vụ của các bên và mức phạt cọc.
6. Không mua bằng hợp đồng ủy quyền
Khi nhận chuyển nhượng đất phân lô, bán nền hoặc bất kỳ loại đất nào người dân không nên mua bằng hợp đồng ủy quyền, trừ trường hợp chấp nhận rủi ro vì người trả tiền sẽ không là “chủ đất” và không được đứng tên trên Giấy chứng nhận mà thay vào đó họ chỉ được thực hiện những công việc trong phạm vi ủy quyền.