Những điệp viên VIP thời Chiến tranh Lạnh
Gần nửa thế kỷ trước, giới thể thao thế giới đã thực sự rung chuyển bởi một sự kiện hy hữu. Nhà vô địch Olympic, VĐV của thập kỷ và là một trong những VĐV đấu kiếm giỏi nhất trong lịch sử, một huyền thoại và là thần tượng của hàng triệu người, hóa ra là một điệp viên, hơn thế lại là điệp viên hai mang. Ông làm việc đồng thời cho hai cơ quan tình báo - Ba Lan và Mỹ...
Anthony Blunt (Anh) - người thân của Nữ hoàng Anh
Thành viên của “Cambridge Five” nổi tiếng Anthony Frederick Blunt xuất thân từ một gia đình quý tộc lâu đời. Điều này đã mở đường cho ông trở thành cố vấn riêng của Vua George VI. Blunt không chỉ có quyền tiếp cận các cơ quan cao nhất, mà còn biết nhiều bí mật quan trọng của Vương quốc Anh và ông đã cần mẫn truyền đạt cho ban lãnh đạo Liên Xô. Khi bị phát hiện, hình phạt cũng không quá nặng, bởi ông là người nhà của Nữ hoàng và chưa bao giờ tiết lộ bất cứ bí mật riêng tư nào của Hoàng gia.
Blunt được tình báo Liên Xô tuyển dụng vào những năm 1930. Năm 1935 ông đến thăm Moscow và Leningrad. Sau đó Blunt đã được tuyển dụng, trở thành một thành viên của “Cambridge Five”. Blunt tận dụng tối đa vị trí cao của mình, đã chuyển những thông tin chính trị và quân sự cho Liên Xô. Sau khi Thế chiến II bùng nổ vào năm 1939, ông làm việc tại cơ quan phản gián MI-5 của Anh và ngay lập tức nắm giữ một trong những vị trí hàng đầu, một phần cũng nhờ xuất thân VIP của mình. Ngoài ra ông còn thông thạo tiếng Đức và tiếng Pháp.
Một trong những thành tích quan trọng nhất của điệp viên này là thu thập được bằng chứng cho thấy Mỹ và Anh đang tiến hành các cuộc đàm phán riêng rẽ với Đức vào năm 1943. Cho đến nay, tài liệu của các cuộc đàm phán này vẫn chưa được giải mật. Ngoài ra, Blunt được tiếp cận các thư từ trao đổi cá nhân giữa người thừa kế ngai vàng Anh Edward với Hitler. Nếu những bức thư đó được công khai, hậu quả có thể thảm khốc nhất, kể cả dẫn đến sự thay đổi của triều đại cầm quyền. Điệp viên này cũng đích thân đàm phán với Nữ hoàng Wilhelmina của Hà Lan. Từ đó, ông đã lấy được tất cả những tài liệu liên quan đến các thành viên của gia đình Hoàng gia Windsor.
Tuy vậy, Blunt đã kiên quyết từ chối giao những thông tin quan trọng nhất cho Liên Xô và cắt đứt mọi liên hệ với Moscow. Các thành viên khác của “Cambridge Five” sau khi bị lộ đã buộc phải rời khỏi Vương quốc Anh và ẩn náu trên lãnh thổ Liên Xô. Cơ quan phản gián của Anh nghi ngờ rằng chính Blunt đã cảnh báo cho các thành viên về sự thất bại, giúp họ trốn thoát và sau đó tiêu hủy tất cả các tài liệu liên quan đến họ. Tuy nhiên, không có bằng chứng trực tiếp về việc này.
Trong các cuộc thẩm vấn, Blunt khẳng định rằng ông hành động cẩn trọng vì lợi ích của đất nước mình. Bởi Vương quốc Anh và Liên Xô là đồng minh, và khi giúp Moscow, ông đã làm việc vì chiến thắng chung. Sau đó, tình báo Anh nhận được khuyến cáo từ Hoàng gia Windsor rằng không nên can thiệp vào những việc không cần thiết và để cho Anthony Blunt được yên.
Câu chuyện lại nổi lên vào mùa thu 1979. Tại một cuộc họp của Quốc hội, Margaret Thatcher nói rằng Anthony Blunt, đại diện của Hoàng gia Windsor, là điệp viên của Liên Xô. Thông báo này đã gây ra nhiều ồn ào khiến cho mâu thuẫn nghiêm trọng giữa Quốc hội và Hoàng gia gần như kết thúc bằng cuộc khủng hoảng chính trị. Sau đó, cựu điệp viên này đã bị tước danh hiệu Hiệp sĩ, nhưng không có hình phạt nào nữa. Anthony Blunt qua đời vào tháng 3/1983 và được chôn cất tại nghĩa địa nhỏ của gia đình.
Gunther Guillaume (Đức) - nhân vật thân cận của Thủ tướng CHLB Đức
Guillaume đã đi vào lịch sử như một huyền thoại tình báo. Ông đã có vài năm là nhân vật đáng tin cậy của Thủ tướng Đức Willy Brandt. Sự thất bại của Guillaume trùng với việc từ nhiệm của Willy Brandt. Với tất cả sự sáng suốt và sự tinh tế chính trị của mình, Brandt đã để một điệp viên của tình báo đối phương đến gần với mình. Việc từ chức của Thủ tướng có lợi cho nhiều chính trị gia nổi tiếng thế giới. Không phải ai cũng tán thành đường lối chính trị của ông. Brandt tin rằng nền tảng của các mối quan hệ quốc tế là hòa bình, hòa hợp và hiểu biết lẫn nhau. Ông đã duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả CHDC Đức và Liên Xô.
Gunther Guillaume là một cá tính độc đáo, ông gia nhập Đảng Dân chủ Xã hội, trở thành thư ký của đảng cánh hữu. Tình báo Đông Đức đã tuyển dụng Guillaume khi ông còn trẻ. Trí tuệ, sự kiên trì và sự nhiệt tình đáng kinh ngạc đã giúp Guillaume vươn đến đỉnh cao. Ngay khi bắt đầu làm việc cùng Thủ tướng Willy Brandt, Guillaume đã truyền đi những tin tức quan trọng. Sau đó ông trở thành người đứng đầu ban bầu cử và thường xuyên kề cận Brandt. Ông biết tất cả các sự kiện và những quyết định quan trọng của chính phủ.
Ngoài ra, Guillaume còn là một nhà phân tích xuất sắc và biết đưa ra những kết luận đúng đắn. Chính ông là người đã truyền đạt thông tin đến giới lãnh đạo CHDC Đức rằng “chính sách hướng Đông mới” của Brandt là sự thay đổi quan trọng trong đường lối đối ngoại của Đức. Thông qua các hoạt động ủng hộ đường lối này, Guillaume đã có tác động đến tính chất của chính sách mà Thủ tướng theo đuổi.
Khi Guillaume bị nghi ngờ là lúc công việc chuẩn bị cho Hội nghị về An ninh và Hợp tác ở châu Âu sẽ được diễn ra tại Helsinki. Đức đã tổ chức các cuộc đàm phán kín với Mỹ. Mọi tài liệu, thư từ đều nằm trong tay Guillaume. Khi vợ ông là Christelle gặp người liên lạc trong quán café để giao tài liệu, họ đã bị theo dõi. Người liên lạc tin nhận thấy điều đó nên đã vứt tài liệu xuống sông. Cho đến giờ vẫn không ai biết về nội dung các tài liệu đó, nhưng hai vợ chồng Guillaume vẫn bị theo dõi mặc dù không có cơ sở rõ ràng.
Bằng chứng về sự hợp tác của Guillaume với cơ quan tình báo bị phát hiện một cách ngẫu nhiên. Một đặc vụ sau khi biết được mật mã điện tín, đã quyết định tìm xem điệp viên nào được chúc mừng sinh nhật trong các bức điện tín cũ. Người đó là Guillaume. Cuối cùng, việc Guillaume bị lộ khiến Thủ tướng Brandt phải trả giá bằng việc từ chức.
Khi vợ chồng Guillaume bị bắt, ông lập tức thừa nhận mình là nhân viên tình báo và là sĩ quan của CHDC Đức. Tuy nhiên, ông đã không cung cấp bất cứ thông tin nào về đời tư của Thủ tướng Brandt. Vụ án của Guillaume có hiệu ứng như một quả bom phát nổ trên chính trường thế giới, bởi một điệp viên lại có thể kề cận với người đứng đầu chính phủ!
Gunther Guillaume bị kết án 13 năm tù và Christelle vợ ông bị 8 năm tù. Không lâu sau họ được trao đổi và trở về CHDC Đức. Cuộc sống gia đình rạn nứt và họ ly hôn. Gunther Guillaume qua đời vào tháng 4/1995 sau một thời gian dài bị bệnh.
Jerzy Pavlovski (Ba Lan) - vận động viên vô địch Olympic
Gần nửa thế kỷ trước, giới thể thao thế giới đã thực sự rung chuyển bởi một sự kiện hy hữu. Nhà vô địch Olympic, VĐV của thập kỷ và là một trong những VĐV đấu kiếm giỏi nhất trong lịch sử, một huyền thoại và là thần tượng của hàng triệu người, hóa ra là một điệp viên, hơn thế lại là điệp viên hai mang. Ông làm việc đồng thời cho hai cơ quan tình báo - Ba Lan và Mỹ.
Trước đó, tên tuổi của tay kiếm nổi tiếng luôn có mặt trên các trang báo Ba Lan như một người anh hùng dân tộc. Một năm trước khi bị bắt, Pavlovsky chính thức được công nhận cấp quốc gia là VĐV giỏi nhất của Ba Lan trong 30 năm qua. Năm 1973, Thiếu tá Jerzy Pavlovsky trở thành nghiên cứu sinh tại Học viện Chính trị - Quân sự Felix Dzehinsky, đồng thời được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Đấu kiếm Ba Lan.
Đột nhiên mọi tin tức về Jerzy hoàn toàn biến mất. Những bài báo đầu tiên trên truyền thông chỉ bắt đầu vào năm 1976. Một số bài công bố trên báo chí đã gây cơn chấn động - người anh hùng dân tộc được yêu mến đang phải hầu tòa vì bị kết tội làm gián điệp! Sau này mới rõ, ông không chỉ hợp tác với CIA mà còn với cơ quan an ninh Ba Lan để theo dõi các đồng nghiệp của mình.
Bị kết án 25 năm, Pavlovsky được hưởng chế độ trợ cấp để đổi lấy việc giám sát những tù phạm. Vào năm 1985, người Mỹ muốn trao đổi tù nhân có giá trị như vậy nhưng ông từ chối sang Mỹ. Ông chấp nhận sự ân xá của chính phủ Ba Lan để được ở lại quê hương. Jerzy Pavlovsky qua đời năm 2005 ở tuổi 72.
Harry Dexter White (Mỹ) - nhà tài chính lỗi lạc
Dexter từng biến đồng đôla Mỹ thành tiền tệ thế giới và thành lập Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới. Sau đó ông đã trở thành điệp viên Liên Xô. Vào mùa xuân năm 1945, chính Dexter đã phá vỡ những cuộc đàm phán riêng giữa Mỹ và Đức Quốc xã. Trong nhiều năm ông đã cung cấp thông tin mật cho tình báo Liên Xô.
Từng là một quân nhân, giảng viên Đại học, sau đó là một chính trị gia sắc sảo và nhà tài chính rất thành công, Dexter còn là một trong những người thân tín của Tổng thống Roosevelt. Đồng thời ông cũng liên lạc với những người cộng sản Mỹ. Ông tin rằng sự ổn định trên thế giới chỉ được duy trì bởi sự cân bằng quyền lực giữa hệ thống tư bản và cộng sản, trong sự cân bằng giữa Mỹ và Liên Xô. Vì thế Dexter bắt đầu làm điệp viên cho Liên Xô. Với tư cách là người đứng đầu bộ phận tiền tệ, ông đã để nhiều nhà tình báo Liên Xô có mặt trong Bộ của mình.
Cuối cùng, theo quyết định của Ủy ban Điều tra hoạt động chống Mỹ, Harry Dexter White bị kết tội là điệp viên của KGB. Sau một cuộc thẩm vấn trong phiên điều trần, Dexter đã chết một cách rất đáng ngờ vì một cơn đau tim. Nhưng người ta ngờ rằng, ông bị chết vì “đã biết quá nhiều”.
Arkady Shevchenko (Nga) - Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc
Shevchenko trở thành nhân vật cao cấp nhất mà CIA từng tuyển dụng được. Lúc đó ông ta là Phó Tổng thư ký LHQ và còn được bảo trợ từ người bạn vong niên đầy quyền lực là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô Andrey Gromyko. Sau 10 năm sống ở New York, Shevchenko đã không muốn trở về Liên Xô và bắt đầu tìm kiếm cơ hội ở lại Mỹ. Phía Mỹ sẵn sàng cho ông ta tị nạn chính trị để đổi lấy những thông tin có giá trị. Thế là Shevchenko trở thành đặc vụ CIA.
Không lâu sau, các đặc vụ Liên Xô nhanh chóng báo cáo về kẻ phản bội tại LHQ. Muốn cứu bạn đồng nghiệp, Gromyko đã triệu tập ông ta về Liên Xô và dự định phong làm cấp phó của mình. Shevchenko thì nghĩ rằng mình sẽ bị bắt ở Moscow nên quyết định bỏ trốn.
Tại Mỹ, Shevchenko được cấp quyền tị nạn, quyền công dân và một khoản trợ cấp hậu hĩnh, trở thành một công dân Mỹ rất giàu có. Ông ta lấn sâu vào hoạt động phản bội quê hương. Cuối cùng, sau nhiều biến cố từ gia đình do hậu quả của sự phản bội này, Shevchenko mắc chứng nghiện rượu, bị mất hết tài sản và chết vì bệnh xơ gan. Và đó cũng là sự trừng phạt thỏa đáng đối với kẻ phản bội cấp cao này.