Quốc gia châu Âu đầu tiên triển khai hệ thống phòng không FK-3 của Trung Quốc

Serbia đã chính thức trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên vận hành hệ thống tên lửa phòng không FK-3 do Trung Quốc sản xuất.

Đây là bước tiến lớn trong việc hiện đại hóa lực lượng phòng không và tăng cường năng lực kiểm soát không phận của nước này, theo tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Serbia.

Hệ thống phòng không FK-3 của Serbia. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Serbia)

Hệ thống phòng không FK-3 của Serbia. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Serbia)

Hệ thống FK-3, phiên bản xuất khẩu của HQ-22, được thiết kế để cung cấp khả năng phòng thủ toàn diện. Bộ Quốc phòng Serbia nhấn mạnh rằng hệ thống này bao gồm trung tâm chỉ huy, bệ phóng tên lửa, hệ thống radar và các phương tiện hỗ trợ hậu cần, tạo thành một mạng lưới phòng không cơ động và linh hoạt, có thể triển khai nhanh chóng trong nhiều điều kiện khác nhau.

Serbia đã đặt hàng hệ thống này từ năm 2019, bất chấp cảnh báo từ Mỹ rằng việc sở hữu vũ khí do Trung Quốc sản xuất có thể ảnh hưởng đến mục tiêu gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Mỹ khuyến cáo Serbia rằng, để hội nhập vào các liên minh phương Tây, nước này cần chuẩn hóa vũ khí theo tiêu chuẩn của phương Tây. Tuy nhiên, đến năm 2022, Serbia hoàn tất việc nhận bàn giao FK-3 qua một đợt vận chuyển lớn bằng máy bay Y-20 của Trung Quốc. Đây cũng là đợt chuyển giao vũ khí lớn nhất từ Trung Quốc đến châu Âu, đánh dấu cột mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa 2 quốc gia.

Hệ thống FK-3, được đánh giá tương đương với Patriot của Mỹ và S-300 của Nga, mang lại nhiều lợi thế chiến thuật. Dù có tầm bắn ngắn hơn các phiên bản S-300 mới nhất, FK-3 vẫn có khả năng tấn công đồng thời sáu mục tiêu trên không bằng 12 tên lửa.

Bộ Quốc phòng Serbia cho biết các bài tập huấn luyện với FK-3 đang được tiến hành hàng ngày để bảo đảm sẵn sàng chiến đấu.

Theo Đại úy Stefan Manic, chỉ huy khẩu đội tên lửa, hệ thống này không chỉ vượt trội về hỏa lực mà còn sở hữu công nghệ chống nhiễu tiên tiến, giúp bảo vệ radar khỏi các cuộc tấn công phá hủy hệ thống theo dõi. Ông nhấn mạnh FK-3 là một cột mốc trong năng lực phòng không của Serbia, đồng thời khẳng định sự vinh dự khi được vận hành hệ thống phòng không mạnh nhất mà đất nước từng sở hữu.

Để chuẩn bị triển khai, các nhóm vận hành của Serbia đã trải qua khóa đào tạo phức tạp tại Trung Quốc. Quá trình này giúp họ nắm vững cách vận hành và bảo trì hệ thống. Đại úy Manic cho biết, mặc dù chương trình đào tạo rất khó khăn, nhưng quân đội Serbia đã hoàn thành xuất sắc, hiện tại đã đủ khả năng tự vận hành FK-3 mà không cần hỗ trợ từ chuyên gia Trung Quốc.

Hệ thống FK-3 có tầm bắn tối đa 100 km và độ cao 27 km, đủ khả năng đối phó với nhiều loại mục tiêu trên không như máy bay, trực thăng và tên lửa hành trình. Được thiết kế để chống lại các biện pháp đối phó điện tử, FK-3 hoạt động hiệu quả trong môi trường gây nhiễu cao nhờ radar mảng pha tiên tiến.

Điều đặc biệt, FK-3 là hệ thống phòng không duy nhất trên thế giới sử dụng công nghệ dẫn đường chế độ kép, kết hợp giữa dẫn đường chỉ huy và radar bán chủ động, cho phép đạt độ chính xác cao ở cả tầm gần và tầm xa.

Theo các chuyên gia Trung Quốc, thiết kế phóng góc cạnh của FK-3 cũng mang lại lợi thế về chi phí và phạm vi hoạt động so với hệ thống phóng thẳng đứng truyền thống. Mặc dù phóng thẳng đứng linh hoạt hơn, nó tiêu tốn nhiên liệu để điều chỉnh hướng bay của tên lửa, trong khi thiết kế góc cạnh giúp tối ưu hóa phạm vi mà vẫn đảm bảo hiệu quả cao.

Sự hiện diện của FK-3 ở châu Âu đã gây ra lo ngại từ các quốc gia phương Tây, đặc biệt là NATO, khi radar của hệ thống này có khả năng phát hiện hoạt động bay quân sự gần Serbia. Một số ý kiến cho rằng việc Serbia triển khai vũ khí Trung Quốc có thể gây khó khăn trong việc duy trì cân bằng giữa mối quan hệ với phương Tây và hợp tác chiến lược với Trung Quốc.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/quoc-gia-chau-au-dau-tien-trien-khai-he-thong-phong-khong-fk-3-cua-trung-quoc-169250102151453132.htm
Zalo