Nga chấm dứt cung cấp khí đốt giá rẻ cho EU: Tác động sẽ như thế nào?

Kỷ nguyên khí đốt giá rẻ của Nga cung cấp cho châu Âu thông qua đường ống của Ukraine đã chính thức khép lại sau khi thỏa thuận kéo dài 5 năm giữa Nga và Ukraine hết hạn, đánh dấu sự kết thúc của một thỏa thuận kéo dài hàng thập kỷ.

EU tìm cách đa dạng hóa nguồn cung

Công ty Gazprom của Nga xác nhận rằng hoạt động xuất khẩu khí đốt qua Ukraine sang châu Âu đã dừng lại bắt đầu từ 8 giờ địa phương (5 giờ GMT) ngày 1.1, đánh dấu sự kết thúc một thỏa thuận cung cấp khí đốt kéo dài hàng thập kỷ. Moscow đã vận chuyển khí đốt tới châu Âu thông qua Ukraine kể từ năm 1991.

 Một đường ống khí đốt của Ukraine qua ngôi làng Sudzha của Nga. Ảnh: Reuters

Một đường ống khí đốt của Ukraine qua ngôi làng Sudzha của Nga. Ảnh: Reuters

Quyết định trên được đưa ra sau khi Ukraine quyết định không gia hạn thỏa thuận cung cấp khí đốt giữa Nga và EU thông qua Ukraine bắt đầu từ ngày 1.1. Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko gọi việc đất nước ông ngừng trung chuyển khí đốt Nga là "sự kiện lịch sử", và cho biết "Nga đang mất thị trường và sẽ phải chịu tổn thất về tài chính".

Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước đã nói rằng việc Ukraine từ chối gia hạn thỏa thuận chỉ gây tổn hại cho châu Âu, trong khi Nga và gã khổng lồ năng lượng quốc doanh Gazprom của nước này vẫn sẽ ổn.

Ủy ban châu Âu cho biết, EU đã chuẩn bị cho sự thay đổi này và hầu hết các quốc gia có thể ứng phó. EU đã tìm thấy nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) thay thế từ Qatar và Hoa Kỳ, cũng như khí đốt qua đường ống từ Na Uy. Vào tháng 12, Ủy ban châu Âu đã vạch ra kế hoạch thay thế hoàn toàn khí đốt vận chuyển qua Ukraine.

EU đã giảm đáng kể lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga kể từ khi nổ ra cuộc chiến Ukraine vào năm 2022, nhưng một số quốc gia thành viên phía đông vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung cấp này. Theo EU, khí đốt của Nga chiếm chưa đến 10% lượng khí đốt nhập khẩu của EU vào năm 2023. Con số đó là 40% vào năm 2021. Nhưng một số thành viên EU, bao gồm Slovakia và Áo, vẫn tiếp tục nhập khẩu một lượng lớn khí đốt từ Nga.

Tác động tiềm tàng

Mặc dù tác động tức thời không đáng kể, nhưng tác động mang tính chiến lược và biểu tượng đối với toàn bộ châu Âu là rất lớn. Cơ quan quản lý năng lượng của Áo cho biết họ không dự báo bất kỳ sự gián đoạn nào vì họ đã đa dạng hóa các nguồn cung cấp và tích trữ dự trữ. Nhưng việc chấm dứt thỏa thuận trung chuyển đã gây ra căng thẳng nghiêm trọng với Slovakia, quốc gia hiện là điểm nhập khẩu khí đốt chính của Nga vào EU và được hưởng phí trung chuyển từ việc vận chuyển khí đốt đến Áo, Hungary và Italy.

Slovakia cho biết họ sẽ trả nhiều tiền hơn cho các tuyến đường thay thế. Cơ quan quản lý năng lượng của nước này đã công bố vào đầu tháng 12 rằng giá khí đốt cho người tiêu dùng sẽ tăng vào năm 2025.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết việc chấm dứt thỏa thuận sẽ gây ra hậu quả "nghiêm trọng" đối với các nước EU, chứ không phải đối với Nga, Reuters đưa tin.

Moldova, một quốc gia không thuộc EU, đang phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng khi thỏa thuận quá cảnh khí đốt kết thúc. Nước này sản xuất phần lớn điện năng tại một nhà máy điện sử dụng khí đốt của Nga. Đặc biệt trong ngày đầu năm mới, người dân ở Transnistria của Moldova, nơi cũng nhận khí đốt Nga qua hệ thống đường ống của Ukraine, đã ngay lập tức phải chật vật trong giá rét khi các dịch vụ sưởi ấm và cung cấp nước nóng bị đình chỉ.

Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng Moldova, Constantin Borosan, cho biết chính phủ của ông đã thực hiện các bước để đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định, nhưng kêu gọi người dân tiết kiệm năng lượng. Moldova cũng ban bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng kéo dài 60 ngày đã được áp dụng từ giữa tháng 12.2024.

Quỳnh Vũ (Theo AP, Reuters)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nga-cham-dut-cung-cap-khi-dot-gia-re-cho-eu-tac-dong-se-nhu-the-nao-post400893.html
Zalo