Những điểm nhấn của thị trường ô tô 3 tháng đầu năm
Thị trường ô tô Việt Nam quý đầu năm có nhiều thay đổi đáng chú ý, phản ánh sự chuyển dịch mạnh mẽ trong xu hướng tiêu dùng, cơ cấu sản phẩm và chiến lược cạnh tranh của các hãng xe.
VinFast vươn lên dẫn đầu toàn thị trường
Theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), TC Motor và VinFast, trong quý I/2025, thị trường ô tô Việt Nam tiêu thụ tổng cộng 118.315 xe, tương đương trung bình gần 2.000 xe mới bán ra/ngày.

VinFast VF 3 là mẫu xe bán chạy nhất thị trường ô tô Việt Nam quý I với hơn 13.100 xe giao đến khách hàng.
Trong đó, riêng VinFast ghi nhận doanh số hơn 35.100 xe, trở thành thương hiệu bán nhiều ô tô nhất sau 3 tháng đầu năm với mức thị phần gần 27%, bỏ xa 2 hãng xếp sau là Toyota (doanh số 11.830 chiếc, tương đương gần 9% thị phần) và Hyundai (11.474 chiếc, chiếm 8,7% thị phần).
Giới chuyên môn nhận định, thành công của VinFast đến từ nhiều yếu tố. Đơn cử như mạng lưới trạm sạc phủ rộng khắp cả nước, cùng nhiều ưu đãi được hãng tung ra như miễn phí sạc đến giữa năm 2027, hay giảm mạnh giá bán lẻ các dòng xe.
Việc xe điện tiếp tục được miễn 100% phí trước bạ đến hết tháng 2/2027 cũng góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho các hãng ô tô điện như VinFast.
Bên cạnh đó, thị trường taxi điện phát triển mạnh cũng giúp lượng xe VinFast bán ra tăng đáng kể, đặc biệt khi Xanh SM Platform (nền tảng dành cho các chủ xe VinFast có nhu cầu kinh doanh chở khách) đang có mức chia sẻ doanh số cao.
Ô tô hybrid tăng trưởng vượt bậc
Thị trường ô tô Việt Nam đang chứng kiến làn sóng điện hóa ngày càng mạnh mẽ, không chỉ riêng xe thuần điện mà còn cả các dòng xe hybrid.

Toyota Innova Cross HEV hiện là xe hybrid bán chạy nhất thị trường.
Theo số liệu từ VAMA, quý đầu năm 2025, tổng lượng xe hybrid bán ra đạt 2.562 chiếc, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024.
Toyota tiếp tục dẫn đầu về cả số lượng sản phẩm và doanh số với 1.486 xe, chiếm 60% thị phần ô tô hybrid trong VAMA. Tiếp theo là Honda và Suzuki, lần lượt chiếm 19% và 22% thị phần.
Thêm nhiều mẫu ô tô Trung Quốc gia nhập thị trường
Quý I/2025 cũng ghi dấu sự bùng nổ của các thương hiệu ô tô Trung Quốc tại Việt Nam. Trong 14 mẫu xe mới ra mắt thị trường, có tới 11 mẫu đến từ những hãng Trung Quốc, trải dài từ xe sedan, MPV đến SUV.

BYD Sealion 6 hiện là mẫu xe PHEV có giá khởi điểm thấp nhất thị trường. Ảnh: Chí Vũ.
Những cái tên đáng chú ý bao gồm BYD Sealion 6, mẫu xe hybrid cắm sạc (PHEV) đầu tiên của BYD tại Việt Nam, Jaecoo J7 PHEV, Haval Jolion hybrid, Omoda C5 bản giá rẻ, Geely Coolray hay MG G50.
Chiến lược của các hãng xe Trung Quốc tại Việt Nam cũng có sự thay đổi, chuyển hướng sang xe hybrid và xe xăng thay vì tập trung vào xe thuần điện - phân khúc mà VinFast đang áp đảo.
Cùng đó là cạnh tranh bằng giá bán rẻ. Ví dụ như mẫu SUV cỡ B Omoda C5 Luxury hiện có giá ưu đãi dưới 500 triệu đồng, ngang ngửa các xe phân khúc A như Toyota Raize hay Kia Sonet. Hay Geely Coolray ra mắt với giá từ 538 triệu đồng, thuộc diện rẻ nhất phân khúc SUV đô thị.
Xe Hàn Quốc giảm sức hút
Ngược lại với sự tăng tốc của VinFast và sự nở rộ của các thương hiệu Trung Quốc, xe Hàn Quốc đang trải qua giai đoạn khó khăn tại Việt Nam.

Hyundai Grand i10 đạt doanh số 798 xe sau 3 tháng đầu 2025, giảm 40% so với cùng kỳ.
Quý I/2025, không một mẫu xe Hàn Quốc nào lọt top 10 ô tô bán chạy nhất. Ngoại trừ Hyundai Accent, những cái tên từng làm mưa làm gió như Kia K3, Kia Seltos, Hyundai Grand i10 hay Hyundai Creta bán ít hơn đáng kể những năm trước.
Theo giám đốc kinh doanh một đại lý ô tô trên địa bàn Hà Nội, nguyên nhân chủ yếu đến từ sự thay đổi trong thị hiếu người tiêu dùng, vốn đang có xu hướng dịch chuyển sang các dòng xe gầm cao và xe điện hóa.
Trong khi đó, hầu hết mẫu xe Hàn Quốc vẫn sử dụng động cơ đốt trong truyền thống. Những phân khúc trước kia từng là thế mạnh như xe cỡ A và sedan cỡ C đang ngày càng ít người mua.
Còn ở phân khúc SUV, xe Hàn không còn duy trì được lợi thế về giá bán và công nghệ với những mẫu ô tô mới đến từ các hãng Nhật Bản và Mỹ như Toyota, Mitsubishi, Mazda hay Ford.