Những danh nhân Hải Dương tuổi Tỵ

Việt Nam có hàng trăm danh nhân sinh vào năm Tỵ. Bài viết này chỉ nói về những nhân vật nổi tiếng của Hải Dương.

Ban thờ Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung và ba vị sư tổ nghề giầy da tại gian hậu cung Đình tổ nghề giầy da

Ban thờ Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung và ba vị sư tổ nghề giầy da tại gian hậu cung Đình tổ nghề giầy da

Nguyễn Thời Trung (1521-1592)

Nguyễn Thời Trung, sinh năm Tân Tỵ, niên hiệu Quang Thiệu thứ 6 (1521) ở làng Trúc Lâm, tổng Phan Xá, huyện Tứ Kỳ (nay là làng Trúc Lâm, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc).

Ông thông minh, hiếu học, đậu Đệ tam giáp, Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Sửu, niên hiệu Thuần Phúc thứ tư (1565). Ông làm quan đến chức Thừa chánh sứ và từng đi sứ Minh. Khi đi sứ, ông cho ba đệ tử là Phạm Thuần Chánh, Phạm Đức Chính và Nguyễn Sĩ Bân cùng đi để học tập, nâng cao nghề thuộc da, đóng giầy của nước nhà. Sau khi làm tròn sứ mệnh ở Bắc Kinh, ông về Hàng Châu cải trang làm thường dân để học nghề. Với trí thông minh, uyên bác, qua một tháng ông đã học được bí quyết thuộc da, đóng giầy của nước bạn.

Nghề thuộc da, đóng giày do tổ nghề Nguyễn Thời Trung truyền dạy vẫn được người dân ở xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) duy trì. Ảnh: ĐỖ THANH MAI

Nghề thuộc da, đóng giày do tổ nghề Nguyễn Thời Trung truyền dạy vẫn được người dân ở xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) duy trì. Ảnh: ĐỖ THANH MAI

Về quê, ông cùng ba đệ tử quyết tâm dạy dân cải tiến cách thuộc da, đóng giầy tân tiến lúc bấy giờ. Từ đó, nghề thuộc da, đóng giầy ở Văn Lâm, Phong Lâm, Trúc Lâm (tục gọi là ba làng Trắm) ngày càng phát triển và trở thành làng đóng giầy da nổi tiếng. Sau khi mất, nhân dân suy tôn Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung là ông tổ nghề đóng giầy da không chỉ của làng nghề mà còn chung của cả nước.

Vũ Công Đạo (1629 - 1714)

Làng Mộ Trạch, làng khoa bảng "độc nhất vô nhị", được mệnh danh là “lò tiến sĩ xứ Đông” thuộc xã Tân Hồng (Bình Giang) là nơi sinh Tiến sĩ Vũ Công Đạo. Ảnh: THÀNH CHUNG

Làng Mộ Trạch, làng khoa bảng "độc nhất vô nhị", được mệnh danh là “lò tiến sĩ xứ Đông” thuộc xã Tân Hồng (Bình Giang) là nơi sinh Tiến sĩ Vũ Công Đạo. Ảnh: THÀNH CHUNG

Vũ Công Đạo, người làng Mộ Trạch, huyện Đường An (nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang). Ông sinh năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Đức Long năm thứ nhất (1629). Năm 31 tuổi, ông đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức Đô ngự sử, Nhập nội kinh diên. Đây là những chức giữ gìn phong hóa, pháp độ, giảng kinh sách trong cung vua, chức rất trọng, đương thời hàm chánh tam phẩm.

Năm đầu niên hiệu Chính Hòa (1680) vua cử ông cùng Tiến sĩ, Thượng thư Vũ Duy Đoán tham gia đoàn quan lại của triều đình Đại Việt ra cửa ải nhận những tù binh là con cháu nhà Mạc do Trung Quốc trả về nhưng vì trái ý Chúa Trịnh Căn, ông bị bãi chức. Một thời gian sau được khôi phục làm Hữu thị lang Bộ Lại, rồi thăng lên Thượng thư Bộ Hộ. Khi hoàn thành đi sứ nhà Thanh (1673) được thăng Thượng thư Bộ Công, tước Bá.

Tính ông cương trực. Khi còn làm Đốc đồng Sơn Nam, nhân lúc vợ ông về quê, nhà vắng, có người đưa một kỹ nữ đến xin vào hầu. Ông nghiêm khắc từ chối. Ông thường nói: “Ta không bằng người xưa nhưng ta không bao giờ phạm lỗi răn hiếu sắc”.

Thâm Tâm (1917-1950)

Chân dung nhà thơ Thâm Tâm (ảnh gia đình cung cấp)

Chân dung nhà thơ Thâm Tâm (ảnh gia đình cung cấp)

Thâm Tâm là bút danh của Nguyễn Tuấn Trình, sinh năm Đinh Tỵ (12/5/1917). Ông sinh ra trong một gia đình nhà giáo tại số nhà 69, phố Ô-vec-nhơ (nay là phố Phạm Hồng Thái, TP Hải Dương).

Năm 1937, gia đình Thâm Tâm chuyển lên Hà Nội, ở phố Nhà Diêm. Thuở nhỏ, ông ham học lại thông minh, sống có nền nếp, sớm có năng khiếu thơ, được thầy giáo yêu quý.

Ở tuổi 17, ông cùng bạn thành lập nhóm Hải Dương văn vật để bàn về văn chương, ca ngợi quê hương, đất nước, con người và tình bạn. Lên Hà Nội, ông vẽ tranh cho các báo, viết văn, làm thơ, viết kịch… rồi vào làng văn với bút danh Thâm Tâm. Ông viết nhiều cho Tiểu thuyết thứ bảy, Tiểu thuyết thứ năm, Phổ thông bán nguyệt san... "Tống biệt hành" là bài thơ nổi tiếng của ông. Trong đó có những câu mà mỗi khi nhắc đến Thâm Tâm người ta không thể bỏ qua:

Đưa người ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng

Bóng chiều không thắm, không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong

Ông từng tham gia Hội Văn hóa cứu quốc, biên tập Tạp chí Tiền phong. Toàn quốc kháng chiến, ông gia nhập quân đội, làm Thư ký tòa soạn Báo Vệ quốc quân, cơ quan ngôn luận của Quân đội nhân dân Việt Nam, tiền thân của Báo Quân đội nhân dân. Ông miệt mài làm báo, vẽ tranh cổ động, viết nhiều kịch bản.

Phố Nguyễn Tuấn Trình ở TP Hải Dương. Ảnh: TIẾN HUY

Phố Nguyễn Tuấn Trình ở TP Hải Dương. Ảnh: TIẾN HUY

Ông mất ngày 18/8/1950 ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng do một cơn sốt rét ác tính. Với 34 tuổi đời, 17 năm sáng tác, ông để lại di sản văn nghệ không nhỏ trên nhiều lĩnh vực. Thâm Tâm được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

TĂNG BÁ HOÀNH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nhung-danh-nhan-hai-duong-tuoi-ty-402817.html
Zalo