Những công trình mang khát vọng vươn xa (*): Sinh động bức tranh giao thông

Bức tranh giao thông sinh động của TP HCM đang hoàn chỉnh, mang tới động lực lớn để kinh tế - xã hội phát triển

Sau gần 2 tháng vận hành chính thức, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) không đơn thuần là trải nghiệm mà dần trở thành phương tiện di chuyển hằng ngày của hàng ngàn người dân.

Metro an toàn. metro hiện đại, metro không trễ giờ, metro tiết kiệm chi phí… là những trả lời quen thuộc của bất kỳ "tín đồ metro" nào khi được hỏi.

Metro số 1 được hàng ngàn người dân lựa chọn là phương tiện di chuyển mỗi ngày. Ảnh: NGỌC QUÝ

Metro số 1 được hàng ngàn người dân lựa chọn là phương tiện di chuyển mỗi ngày. Ảnh: NGỌC QUÝ

Bay cao giấc mơ đường sắt đô thị

Giơ tay xem đồng hồ trước khi bước lên tàu từ ga Văn Thánh, anh Nguyễn Minh Quân (ngụ quận Bình Thạnh) kể với phóng viên trước đây khi di chuyển bằng xe máy qua xa Lộ Hà Nội - Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ, tình trạng ùn ứ như cơm bữa, nhất là giờ cao điểm tại những nút giao như ngã tư Bình Thái, ngã tư Thủ Đức hay giao lộ Võ Nguyên Giáp - Thảo Điền.

"Bây giờ, tuyến Metro số 1 đã giúp cá nhân tôi cũng như rất nhiều người thoải mái khi đi làm, đi học, mua sắm…" - anh Quân nói và cảm nhận tuyến đường sắt đô thị này đang góp phần đáng kể giảm ngột ngạt giao thông.

Đến hiện tại, bám sát Metro số 1, tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đang tăng tốc hoàn thành phần di dời hạ tầng kỹ thuật để sẵn sàng khởi công. Và theo đề án đường sắt đô thị, từ nay đến năm 2035 TP HCM dự kiến hoàn thành 7 tuyến metro với tổng chiều dài 355 km và đến năm 2045 nối dài thêm 155 km, nâng hệ thống metro lên 510 km. Tổng mức đầu tư cho 7 tuyến metro đến năm 2035 ước trên 40 tỉ USD.

Để đạt mục tiêu, thành phố đề ra 43 cơ chế đặc biệt thuộc nhiều nhóm liên quan tới quy hoạch, thủ tục, chính sách huy động nguồn vốn, giải phóng mặt bằng, công nghệ, quản lý, khai thác… cũng như tính phương án thành lập Tập đoàn Đường sắt đô thị với các chức năng huy động vốn, quản lý đầu tư dự án.

Mở rộng cửa ngõ, khép kín đường Vành đai

TP HCM còn đẩy mạnh đầu tư nâng cấp và mở rộng hàng loạt dự án giao thông cửa ngõ như chùm dự án sân bay Tân Sơn Nhất gồm xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám; xây dựng nút giao An Phú, nút giao Mỹ Thủy ở cửa ngõ phía Đông; mở rộng Quốc lộ 50, xây dựng hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ tại cửa ngõ phía Nam; mở rộng các Quốc lộ 1, 13, 22…

Cùng với đó, hệ thống đường Vành đai dần khép kín như xây dựng đoạn còn lại của Vành đai 2, Vành đai 3 đồng thời chuẩn bị thực hiện Vành đai 4. Các tuyến đường cao tốc kết nối giao thương giữa TP HCM với những vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng được hạ quyết tâm triển khai nhanh như mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc TP HCM - Mộc Bài.

Được đánh giá là dự án kiểu mẫu, đường Vành đai 3 TP HCM đang dần rõ hình hài. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Được đánh giá là dự án kiểu mẫu, đường Vành đai 3 TP HCM đang dần rõ hình hài. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Một trong nhiều dự án có lợi thế tiến độ nhờ áp dụng cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội là Vành đai 3 TP HCM. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, đến nay dự án đạt 30% khối lượng thi công. Dự kiến ngày 30-4-2025 hoàn tất việc kết nối cầu Nhơn Trạch, một số hạng mục khác khai thác từ 30-6-2025. Đến 30-4-2026, 32,8 km qua thành phố thuộc các gói thầu trên địa bàn TP Thủ Đức, 3 huyện Hóc Môn, Bình Chánh và Củ Chi được thông xe kỹ thuật.

Nhằm triển khai nhanh hơn đường Vành đai 3, TP HCM đề xuất nhiều chính sách, cơ chế đặc thù cho dự án. Cùng với công trình này, tuyến Vành đai 4 dài 200 km được kỳ vọng sau khi hoàn thành thực hiện tốt sứ mệnh mở rộng kết nối liên vùng, tăng năng lực giao thông cho TP HCM, các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An.

Đường thoáng, kênh xanh, chất lượng sống đi lên

Khẳng định quy luật phát triển đô thị luôn gắn liền với cải thiện hệ thống giao thông, kiến trúc sư Khương Văn Mười phân tích điều này giúp người dân di chuyển nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như hiệu suất lao động.

Ông Mười đánh giá quy hoạch giao thông của TP HCM đang theo xu hướng chung của thế giới với việc tập trung hoàn thiện mạng lưới kết nối trong và ngoài đô thị.

Điểm nhấn TOD

Kỹ sư cầu đường Trần Văn Tường cho rằng ngoài các dự án giao thông trọng điểm, thành phố cũng cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống đường sắt đô thị theo mô hình phát triển đô thị gắn kết giao thông (TOD).

Việc áp dụng TOD không chỉ giúp cải thiện hạ tầng mà còn định hình lại văn hóa giao thông, giảm thiểu ô nhiễm song song với tăng cường kết nối đô thị. Tuy nhiên, để thực hiện thành công, cơ quan chức năng cần có cơ chế hỗ trợ về chính sách và bảo lãnh rủi ro cho các nhà đầu tư. "Chúng ta cần triển khai TOD không chỉ trên giấy mà phải biến nó thành hiện thực để tạo ra một TP HCM hiện đại và đáng sống hơn" - ông Tường nhấn mạnh

Ví dụ, các tuyến Vành đai 2, 3, 4 đang triển khai với sự đồng hành từ Trung ương sẽ tăng gắn kết vùng giữa TP HCM với Đông Nam Bộ, miền Tây. Cao tốc TP HCM - Mộc Bài kết nối kinh tế biên giới và cửa khẩu, trong khi các tuyến đường qua lại giữa sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành được kỳ vọng sẽ thúc đẩy giao thương, du lịch.

"Khi kết nối giao thông được cải thiện, phương tiện giao thông công cộng sẽ phát triển hơn giúp giảm bớt phương tiện cá nhân và áp lực giao thông" - ông Mười nhận định.

Bên cạnh hệ thống đường bộ, theo vị kiến trúc sư, thành phố còn chú trọng cải tạo kênh rạch như rạch Xuyên Tâm, kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên. Kết quả từ sự quan tâm ấy không chỉ tạo môi trường sống xanh mà còn góp phần chống xói lở, nâng cao chất lượng hạ tầng đô thị cũng như định hình không gian sống bền vững.

ThS Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP HCM, chung nhận xét hạ tầng giao thông từ nhiều năm nay được chính quyền chú trọng và có bước tiến vượt bậc. Dù vậy, ông cho rằng để đáp ứng được nhu cầu của 12 triệu dân đang sinh sống và làm việc tại TP HCM thì cần đầu tư đa dạng hơn nữa.

Dẫn giải cụ thể, ThS Lê Trung Tính nói hiện nay thành phố đang mở rộng một số khu vực như cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, nút giao An Phú, mở rộng Quốc lộ 50… và nên tập trung thêm nguồn lực vào cửa ngõ khác như mở rộng xuyên suốt Tỉnh lộ 10 nối TP HCM - Long An, Quốc lộ 13 nối tỉnh Bình Dương, Quốc lộ 22 đi Tây Ninh… Những dự án này Sở GTVT đã trình chính quyền và cần sớm triển khai.

Nói về đường cao tốc, ông Lê Trung tính đánh giá so với các tỉnh phía Bắc, hệ thống cao tốc phía Nam chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Để TP HCM là động lực phát triển của Đông Nam Bộ, Trung ương cần hỗ trợ nguồn lực để phát triển cao tốc kết nối vùng cho khu vực này.

Minh chứng

Là chủ doanh nghiệp chuyên vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Tây đến TP HCM, ông Trần Hải Hậu (tỉnh Tiền Giang), nhìn nhận khi hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ đưa vào sử dụng, nút giao cùng tên cơ bản hết ùn ứ. Đường Nguyễn Văn Linh thông thoáng hơn, nhà xe rút ngắn thời gian di chuyển cùng tiết kiệm chi phí.

"Sắp tới, khi Quốc lộ 50 hoàn thành, doanh nghiệp vận tải các tỉnh miền Tây đến TP HCM còn dễ hơn nữa. Chi phí vận chuyển, giá cả hàng hóa từ đó giảm, có lợi cho người dùng" - anh Hậu hồ hởi nói.

Hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Không chỉ doanh nghiệp vận tải, giao thông thông suốt còn giúp hàng vạn người dân hằng ngày di chuyển liền mạch, không còn cảm giác bức bí như trước. Đơn cử như cầu vượt Lăng Cha Cả, đường Cộng Hòa giảm ùn tắc khi hầm chui Phan Thúc Duyện được đưa vào sử dụng.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-2

THU HỒNG - NGỌC QUÝ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhung-cong-trinh-mang-khat-vong-vuon-xa-sinh-dong-buc-tranh-giao-thong-19625021721104123.htm
Zalo