TP.HCM 'chốt' đầu tư gần 10.000 tỷ làm đường trên cao trục bắc - nam
HĐND TP.HCM phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nâng cấp trục bắc - nam TP.HCM, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành, trong đó có hơn 7 km đường trên cao.

Trục đường bắc - nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành, sẽ được đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng để làm đường trên cao dài 7,2 km và đường song hành. Ảnh: Quỳnh Danh.
Tại kỳ họp thứ 21 (kỳ họp chuyên đề) chiều 20/2, các đại biểu HĐND TP.HCM đã thông qua chủ trương đầu tư dự án nâng cấp đường trục bắc - nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành, theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT).
Dự án này hướng đến mục tiêu hình thành tuyến giao thông nhanh, hạn chế gián đoạn, kết nối khu trung tâm hiện hữu với khu đô thị Nam Sài Gòn và khu đô thị - cảng Hiệp Phước.
Đồng thời, tuyến đường sẽ trở thành trục giao thông hướng tâm, kết nối Vành đai 2 với cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc Vành đai 3) và trong tương lai là Vành đai 4, giúp tăng cường liên kết giữa TP.HCM với các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ, cũng như hệ thống cảng biển và sân bay quốc tế Long Thành.
Bên cạnh việc giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và đảm bảo an ninh quốc phòng, dự án còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự án cửa ngõ phía nam này sẽ nâng cấp, mở rộng với điểm đầu tại nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh và điểm cuối là cao tốc Bến Lức - Long Thành, với tổng chiều dài 8,6 km, trong đó dự kiến xây đường trên cao dài 7,2 km.
Về quy mô đầu tư, công trình trên cao có chiều rộng với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, trong khi đường song hành hai bên sẽ rộng 3 làn xe mỗi bên, tốc độ tối đa 60 km/h.
Tim của tuyến trên cao (cầu cạn) theo tính toán sẽ lệch so với tim quy hoạch về bên trái, tức hướng quận 7 đi Nhà Bè, nhằm tránh đường ống cấp nước D1200 hiện hữu, cũng như tạo thuận lợi cho công trình tuyến metro số 4 sẽ xây dựng trong tương lai.
Tổng diện tích đất chiếm dụng vào khoảng 66,5 ha, trong đó diện tích cần giải phóng mặt bằng gần 2,3 ha. Dự kiến, dự án sẽ được giải phóng mặt bằng từ quý IV/2025 và hoàn thành toàn bộ dự án trong 2028.
Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án khoảng 9.894 tỷ đồng, trong đó phần vốn do nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án PPP thu xếp là 5.214 tỷ đồng (bao gồm khoảng 531 tỷ đồng lãi vay). Nhà đầu tư phải có tối thiểu 703 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, chiếm 15% tổng mức đầu tư không bao gồm vốn nhà nước, trong khi ngân sách TP.HCM tham gia khoảng 4.680 tỷ đồng.
Chủ trương đầu tư dự án nâng cấp đường trục bắc - nam, từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành được thông qua đồng thời cũng đã thay thế chủ trương đầu tư dự án bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc xây dựng hoàn thiện nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và cầu Rạch Đỉa (giai đoạn 3) và dự án xây dựng hoàn thiện nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và cầu Rạch đỉa (giai đoạn 3).
Ngoài dự án này,HĐND TP.HCM cũng thông qua việc nâng cấp 3 dự án khác là Quốc lộ 13 (đoạn từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình), Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An), Quốc lộ 22 (từ ngã tư An Sương đến Vành đai 3). Tổng mức đầu tư cả 4 dự án là hơn 57.500 tỷ đồng.