Những 'cơ trưởng mặt nước' chở di sản bằng tình yêu quê hương
Không chỉ chở khách ngắm cảnh, những người chèo đò ở Tràng An, Ninh Bình còn lặng lẽ làm nhiệm vụ gìn giữ và lan tỏa giá trị di sản. Mỗi mái chèo là một nhịp kể chuyện, đưa hồn quê cố đô đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Vừa mưu sinh, vừa giữ hồn quê
Những ngày này, vùng đất Cố đô Ninh Bình đang rộn ràng bước vào mùa lễ hội. Tuần Du lịch Ninh Bình 2025 thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước đổ về chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của danh thắng Tràng An, Tam Cốc – Bích Động và nhiều điểm đến nổi tiếng khác.
Không khí lễ hội thêm phần sôi động với những chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống như múa rối nước, hát chèo, hát xẩm, dân ca ba miền… hòa quyện cùng cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, tạo nên bức tranh sống động của miền di sản đang căng tràn sức sống.
Tại Khu du lịch sinh thái Tràng An - nơi được ví như trái tim của Quần thể danh thắng Tràng An, Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, từng đoàn khách nối đuôi nhau xuống thuyền, háo hức khám phá hệ thống hang động kỳ ảo, núi non sơn thủy hữu tình và những dấu tích văn hóa, lịch sử nghìn năm của vùng đất thiêng.

Tuần Du lịch Ninh Bình 2025 thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước đổ về chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của danh thắng Tràng An (Ảnh: Kim Thoa).
Giữa không gian non nước hữu tình ấy, hàng nghìn người dân địa phương miệt mài trên từng mái chèo. Họ không chỉ là người đưa đón khách trên hành trình khám phá Tràng An, mà còn đảm nhiệm vai trò của những "hướng dẫn viên" mộc mạc, truyền tải những câu chuyện di sản bằng chính tình yêu quê hương và sự gắn bó bền bỉ với nghề.
Hiện Tràng An có hơn 2.000 lao động làm nghề chèo đò, trong đó phụ nữ chiếm đến 70%. Họ đều là người bản địa, gắn bó với công việc này suốt gần một thập kỷ. Với họ, chèo đò không chỉ là kế sinh nhai mà còn là cách giữ gìn và lan tỏa giá trị di sản, văn hóa Cố đô đến bạn bè khắp nơi.
Phóng viên Người Đưa Tin có dịp trò chuyện với bà Nguyễn Thị Mơ – một trong những người lái đò lâu năm tại bến Tràng An. Hơn 10 năm gắn bó với nghề, bà Mơ hiểu rõ từng khúc sông, từng tên hang, ngọn núi.
"Muốn làm nghề, chúng tôi phải trải qua khóa huấn luyện, thi kỹ năng chèo đò và kiểm tra nghiệp vụ mới được cấp phép phục vụ khách", bà Mơ kể "Mỗi chuyến đi kéo dài khoảng 3 tiếng đồng hồ, chiều dài cả đi lẫn về lên đến 15 km. Ngày cao điểm có thể đi được 2 chuyến, còn ngày thường thì chỉ được 1 chuyến thôi cô chú ạ".

Hiện Tràng An có hơn 2.000 lao động làm nghề chèo đò, trong đó phụ nữ chiếm đến 70% - (Ảnh: Kim Thoa).
Phần lớn người chèo đò ở Tràng An đều đã ngoài 50 tuổi, những người không còn đủ sức khỏe để làm công nhân, lao động phổ thông.
"Người trẻ giờ đi làm xa cả rồi, chỉ còn lại chúng tôi, có khu du lịch như thế này cũng tạo công ăn việc làm cho bà con nơi đây. Chèo chuyến nào thì tính tiền chuyến đó. Chồng tôi cũng làm bảo vệ ở đây, mỗi tháng đều đặn, hai vợ chồng mỗi người cũng được 6 - 7 triệu đồng đủ đắp đổi qua ngày", bà Mơ chia sẻ.
Theo bà Mơ, một chuyến đò thường chở 4 khách nội địa hoặc 2-3 khách nước ngoài. Không phải cứ gặp khách là có thể chở ngay mà phải lần lượt quay vòng.
"Khách đông thì mới nhanh đến lượt, dù mệt nhưng tôi rất vui. Tràng An càng đông khách, chúng tôi càng có thu nhập. Hơn hết, đó còn là niềm vui, niềm tự hào khi được làm người giữ gìn vẻ đẹp của mảnh đất mình sinh ra", bà nói.
Trong suốt hành trình, những người chèo đò tranh thủ kể cho khách nghe những truyền thuyết, tích xưa cùng các câu chuyện văn hóa đặc sắc gắn bó mật thiết với vùng đất Tràng An. Họ mong rằng mỗi vị khách từng một lần đến đây sẽ nhớ mãi những câu chuyện đó và sẽ trở lại trong những chuyến đi tiếp theo.
Mỗi người là một "đại sứ văn hóa"
11h trưa, khi đoàn khách đang dừng tại điểm tham quan đền Trình, trên những chiếc thuyền neo bên bến, bà Mơ cùng vài người chèo đò tranh thủ ngồi nép bên mạn thuyền, dùng vội bữa trưa đạm bạc.
Cơm muối vừng, cá kho, vài cọng rau luộc bữa ăn giản dị chỉ kéo dài chừng mươi phút, ánh mắt vẫn không rời dòng người đang tản bộ lên xuống bến, như một thói quen nghề nghiệp vừa lắng nghe động tĩnh, vừa sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào.
"Nghề chèo đò như làm dâu trăm họ, cô ạ. Giờ giấc sinh hoạt đảo lộn hết, khách đi lúc nào là mình phải đi lúc ấy. Ăn uống cũng phải tranh thủ từng phút", bà Mơ cười. Dù vất vả, thu nhập không cao, nhưng với bà, được tự nuôi sống mình mà không phiền con cháu, thế là đủ mãn nguyện.

Một chuyến đò thường chở 4 khách nội địa hoặc 2-3 khách nước ngoài (Ảnh: Kim Thoa).
Mặt trời đứng bóng, bóng núi nghiêng dài trên mặt nước trong xanh. Khi đoàn khách trở lại, bà Mơ vội chỉnh mái chèo, nhẹ nhàng đưa thuyền rẽ sóng, bắt đầu chặng kế tiếp qua những địa danh nổi tiếng như hang Tối, hang Sáng, hang Nấu Rượu, đền Trần, phủ Khống, hang Ba Giọt, hang Trần, hang Quy Hậu,...
Mỗi hang động hiện ra như một bức tranh thủy mặc, ẩn chứa huyền tích linh thiêng. Trên hành trình ấy, giọng bà Mơ thỉnh thoảng vang lên: "Phía trước có nhũ đá, các chị cúi đầu một chút nhé", hay "Khúc cua bên phải, mọi người nghiêng sang bên trái giúp tôi"... Những lời dặn dò nhẹ nhàng, thân thiện, khiến du khách vừa yên tâm, vừa cảm thấy ấm áp như được người thân dẫn đường.
Và rồi, giữa muôn trùng sóng nước, trong thanh âm khe khẽ của mái chèo khua nhẹ, người ta thấy hiện lên hình ảnh của những người chèo đò Tràng An bình dị mà đẹp đẽ đến nao lòng.

Chẳng cần lời quảng bá hoa mỹ, chính sự chân thành, hiếu khách và tấm lòng gắn bó với sông núi quê hương đã khiến những chuyến đò Tràng An trở nên đáng nhớ. Mỗi lời giới thiệu, mỗi nụ cười, mỗi ánh mắt ân cần đều là thứ lưu giữ cảm xúc của du khách, níu chân họ trở lại.
Chúng tôi trở lại bến thuyền trong ánh chiều buông nhẹ. Một vài tay chèo tranh thủ nghỉ ngơi sau một ngày dài, người khác tỉ mẩn thu dọn đồ đạc. Tiếng trò chuyện, hỏi han vang lên râm ran giữa những con người gắn bó với nghề, trước khi họ tạm nghỉ ngơi để ngày mai lại bắt đầu những chuyến đò mới.

Những người chèo đò ở Tràng An không chỉ làm nhiệm vụ "cầm lái", mà đã trở thành những "sứ giả văn hóa" góp phần lan tỏa giá trị di sản quê hương đến với du khách (Ảnh: Kim Thoa).
Nhận thức được vai trò quan trọng của đội ngũ chèo đò trong hành trình trải nghiệm của du khách, những năm gần đây, ngành du lịch tỉnh Ninh Bình đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Các khóa học về kỹ năng giao tiếp, hướng dẫn viên, chụp ảnh, chèo thuyền... được triển khai đều đặn tại các xã trọng điểm như Ninh Hải, Trường Yên, Ninh Xuân – nơi tập trung lực lượng lao động lớn tham gia vào hoạt động du lịch Tràng An.
Nhờ đó, người chèo đò hôm nay không chỉ làm nhiệm vụ "cầm lái", mà đã trở thành những "sứ giả văn hóa" góp phần lan tỏa giá trị di sản đến gần hơn với du khách bằng sự am hiểu, lòng mến khách và tình yêu chân phương với quê hương.
Giữa dòng chảy sôi động của ngành du lịch hiện đại, họ vẫn âm thầm giữ nhịp, gìn giữ vẻ đẹp nguyên sơ của Tràng An bằng chính sự tận tụy và lòng tự hào với nghề. Đó chính là chất keo bền vững kết nối con người với di sản, tạo nên một Tràng An không chỉ đẹp bởi cảnh sắc thiên nhiên, mà còn sâu lắng và ấm áp bởi tình đất, tình người nơi miền di sản.