Những cô gái đam mê văn chương

Những cô gái của nhóm 'Rubik Văn chương' đều còn rất trẻ nhưng niềm đam mê cháy bỏng với văn chương mang đến cho họ nhiều động lực và quyết tâm để dấn thân vào hành trình kết nối những người có chung say mê và lan tỏa giá trị tốt đẹp của văn chương đến với cộng đồng.

Nhóm “Rubik Văn chương” giao lưu với khối 10 Trường THPT Lê Quý Đôn, tỉnh Đồng Nai.

Nhóm “Rubik Văn chương” giao lưu với khối 10 Trường THPT Lê Quý Đôn, tỉnh Đồng Nai.

Nhiều người trong số họ từng đoạt giải cao ở các kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh, của quốc gia, trong đó có hai thành viên sáng lập là Nguyễn Hải Thủy và Nguyễn Thị Huyền Trang.

Sinh năm 2002, nghĩa là họ mới tốt nghiệp đại học trong năm nay, nhưng Hải Thủy và Huyền Trang đã xây dựng và phát triển “Rubik Văn chương” từ năm 2020, đồng thời triển khai nhiều dự án ở các tỉnh, thành phố trong cả nước và thậm chí xuất bản bốn đầu sách chung của hai người.

Từ bộ bookmark tác giả văn học Việt Nam

Tôi biết đến “Rubik Văn chương” qua bộ bookmark (thẻ đánh dấu trang) các tác giả văn học Việt Nam được họ giới thiệu trên TikTok và thật sự ấn tượng với sản phẩm đó.

Không phải vì những bookmark này rất khác với nhiều bookmark mà tôi từng gặp và sử dụng mà vì ở góc độ của những người từng học Ngữ văn hồi phổ thông trung học, bộ bookmark đầy sáng tạo này được xem là công cụ hỗ trợ cần thiết cho mỗi học sinh để các em nắm vững thông tin về những nhà văn, nhà thơ có trong chương trình học.

Nhìn qua, một mặt của bookmark bao gồm hình ảnh của tác giả văn học, năm sinh, năm mất và phía dưới ghi một số đặc điểm nổi bật của họ về giai đoạn sáng tác, phong cách sáng tác và đánh giá của giới phê bình.

Mặt kia minh họa bằng những tranh vẽ mà sau này, khi ngồi trò chuyện cùng Huyền Trang, tôi mới biết mỗi tranh vẽ sẽ cho thấy giai đoạn đó là văn học trung cổ, văn học lãng mạn, văn học hiện thực hay văn học sau năm 1975…

Đi kèm với mỗi giai đoạn là những tác giả tiêu biểu được đưa vào chương trình Ngữ văn, tổng cộng là 45 gương mặt. Theo Huyền Trang, dù chương trình học sau này thay đổi thì đây vẫn là những tác giả không thể thay thế được và cần được nhớ đến.

Chia sẻ thêm về sự ra đời bộ bookmark, Huyền Trang cho biết, cô và Hải Thủy có một tài khoản trên TikTok, cho nên khi suy nghĩ về những nội dung sáng tạo, họ nảy ra ý tưởng gọi tên tác giả văn học.

Cả hai nhận thấy một vấn đề của nhiều học sinh khi học tác giả, tác phẩm là các thông tin đều khó nhớ, dễ nhầm lẫn… Đó là chưa kể không ít học sinh dù biết tên tác giả văn học nhưng lại không nắm rõ tư tưởng sáng tác của họ qua tác phẩm, cá tính sáng tạo hay phong cách riêng như thế nào.

Vì vậy, ý tưởng gọi tên tác giả văn học của Hải Thủy và Huyền Trang được rất nhiều bạn quan tâm, nhanh chóng tạo được viral (ảnh hưởng).

Hải Thủy, cô gái từng đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2020, giải nhất kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Nam Định năm 2020, giải ba kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Nam Định năm 2019 ở môn Ngữ văn, cho biết thêm, nhìn bề ngoài, gọi tên tác giả nhằm mục đích để tránh các bạn học sinh lặp từ, còn sâu xa là để họ nắm bắt được tinh thần, cốt cách, phong cách của tác giả.

Vì thế, cách gọi không chỉ là cách gọi thông thường như tác giả, thi sĩ, thi nhân mà còn tương ứng với phong cách của họ, chẳng hạn như ở Tản Đà (1889-1939), nội dung của bookmark có ghi những câu ngắn gọn như sau: “Người con núi Tản sông Đà” hay “Thi nhân của hai thế kỷ”, “Thi sĩ buổi giao thời”, “Người dạo bản nhạc đầu tiên trong phong trào Thơ mới”.

Mặc dù vậy, như hai cô gái sinh năm 2002 tâm sự, ý tưởng làm bookmark đến với họ cũng không hề dễ dàng. Họ muốn làm một sản phẩm có gì đó gần gũi, theo xu hướng nhằm tạo hứng thú cho các bạn học sinh.

Khi đó, họ đã định làm card bo góc bởi sản phẩm này rất phổ biến với giới trẻ “đu” thần tượng và họ nghĩ rằng, các tác giả văn học cũng nên được xem là thần tượng của mỗi học sinh.

Tuy nhiên, năm 2023, bộ bookmark ra đời suy nghĩ rất đơn giản của hai người, rằng đây sẽ là một bộ thẻ để học sinh học và nhớ hơn các tác giả văn học, cũng như là tấm thẻ dành để đánh dấu trang sách nếu ai đó thật sự thích đọc sách, say mê văn chương.

Thế hệ GenZ say mê văn chương

Nhìn vào những dự án mà nhóm “Rubik Văn chương” thực hiện trong bốn năm qua, khó mà tin rằng Hải Thủy, Huyền Trang và các bạn, trong đó có Hương Sang, Hạnh Nhiên, Tú Huyền, Vân Thủy, Biên Hòa, Uyên Phương, Phượng Anh, Khánh Linh, Phương Uyên khi đó vẫn ngồi trên ghế nhà trường.

Hải Thủy trao quà tặng học sinh lớp 10 Văn Trường THPT Chuyên Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Hải Thủy trao quà tặng học sinh lớp 10 Văn Trường THPT Chuyên Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Thậm chí, văn học cũng không phải là chuyên ngành chính của họ bởi Hải Thủy học Khoa truyền hình của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trong lúc Huyền Trang học ngành hệ thống thông tin quản lý của Trường đại học Kinh tế quốc dân.

Tuy vậy, điểm chung giữa họ là cả hai từng học cùng lớp tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), đều say mê văn chương và đã có một lời hứa với bản thân.

Lời hứa của hai cô gái khi đó là sau này lập một tài khoản, ban đầu trên Instagram, để lưu giữ kiến thức, những gì được học. Họ cảm thấy sẽ rất lãng phí nếu kiến thức bổ ích của các thầy, cô giáo chỉ dừng lại ở cấp 3.

Vậy nhưng, mỗi người đã chọn một con đường đi của riêng mình sau khi được tuyển thẳng đại học. Tháng 11/2020, họ gặp nhau ở Hà Nội. Cả hai đều nhớ lại dự định trước đây và nói là làm, họ quyết tâm thực hiện ngay.

“Rubik Văn chương” ra đời với ý nghĩ sẽ là một khối lập phương văn chương nhiều màu, nhiều mặt, nhiều cách xoay… trở thành người bạn đồng hành của những người trẻ trong quá trình nâng tầm kỹ năng học văn và cầu nối của những người yêu văn, say văn từ khắp mọi miền.

Có điều, học văn và theo học báo chí sau đó như Hải Thủy là có thể hiểu được nhưng với người chọn học chuyên ngành hệ thống thông tin quản lý như Huyền Trang thì chỉ có niềm đam mê sâu sắc với văn chương mới có thể giúp cô đồng hành với dự án lâu dài như vậy.

Tôi đã hỏi cô gái người huyện Mỹ Lộc (Nam Định) từng đoạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2019, 2020; giải nhất kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Nam Định năm 2020; giải nhì kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Nam Định năm 2019 ở môn Ngữ văn và được cô chia sẻ rằng, phần lớn học sinh như cô khi đó không được định hướng học trường gì, học ngành gì và bản thân họ đều tự quyết định.

Vì thế, cô đã nhờ bạn bè đánh giá điểm mạnh, yếu của bản thân, trong đó có ý kiến nhận xét cô chỉ hợp công việc mang tính nội dung. Điều này phù hợp một học sinh chuyên Ngữ văn như cô nhưng vì tự ái, Huyền Trang lại muốn chứng minh không có giới hạn nào đặt ra cho bản thân. Cô quyết định đăng ký học Trường đại học Kinh tế quốc dân.

Như Huyền Trang cho biết, theo đuổi nghiệp văn chương không liên quan đến chuyên ngành thông tin quản lý nhưng điều quan trọng cô học được là tư duy, biết tư duy hệ thống sự vật, sự việc.

Và câu chuyện này luôn được cô kể lại cho các em học sinh của mỗi trường trong hành trình lan tỏa văn chương ở những tỉnh, thành phố trên khắp đất nước, rằng sẽ không có giới hạn nào cho bản thân mà mỗi người nên có những ước mơ, mục tiêu và cố gắng thực hiện.

Hành trình đưa văn chương xuyên Việt đó đang được “Rubik Văn chương” thực hiện, với mong muốn khơi gợi niềm say mê văn học và truyền cảm hứng với thế hệ trẻ trên mọi miền Tổ quốc; cá nhân hóa mọi trải nghiệm học văn và giúp các bạn trẻ định hình phong cách cá nhân của mình cả trong cuộc sống và trong văn học; và khuyến khích tư duy giúp thế hệ trẻ ứng dụng rộng rãi kiến thức văn chương trong các lĩnh vực xã hội.

Và mỗi lần đến các trường, “Rubik Văn chương” đều tổ chức những trò chơi qua bộ bookmark. Lúc này, bookmark không chỉ là “kẹp sách” đơn giản bởi qua mỗi trò chơi từ đơn giản đến phức tạp đã tạo sự hứng thú cho các em học sinh, nâng cao tinh thần học tập, giúp các em nhớ được tác giả, tác phẩm, biết liên kết các kiến thức học với nhau, cùng thời đại, cùng đề tài hay cùng tư tưởng sáng tác.

Dự định của Hải Thủy và Huyền Trang là lấy bằng thạc sĩ ở Trường đại học Sư phạm Hà Nội trong tương lai gần, cho ra một bộ bookmark tác giả văn học nước ngoài hay viết tiếp một bộ sách nữa nhưng cơ hội được đứng trên bục giảng, được chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, truyền cảm hứng cho các em học sinh ở hơn 50 trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, từ Hà Nội, Quảng Ninh, Hòa Bình, Nam Định, Hưng Yên, Bắc Giang đến Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bình Phước… sẽ luôn là động lực để họ tiếp tục gắn bó và lan tỏa văn chương.

Và như hai cô gái thuộc thế hệ GenZ thì “Một ngày mai, các bạn (học sinh) có thể sẽ bước sang trang mới, có thể môn Ngữ văn sẽ không còn đồng hành trong công việc hằng ngày nữa, nhưng có lẽ chúng ta vẫn trân trọng thật nhiều những năm tháng được “ăn văn, uống văn, say văn” như thế, vì nó đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn cho mỗi cá nhân”.

MẠNH HÀO

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhung-co-gai-dam-me-van-chuong-post826632.html
Zalo