Khi cơn bão đi qua

Tháng Chín, mùa thu chưa kịp tới đã nghe tin bão sắp vào Biển Đông, bầu trời của phố biển chỉ bớt xanh và màu nắng cũng mới nhạt đi ít nhiều. Thành phố tôi có biển nên màu biển cũng theo màu trời mà đổi màu, mặt biển xanh nhiều hôm cũng ngả màu xám và những làn sóng bạc cũng trở thành nâu nhạt. Mùa này, những người đi biển thường hỏi nhau, hôm nay biển có động không, sóng có lớn không. Người Nha Trang có thói quen ra biển, ai rỗi rảnh thì ra biển từ sáng sớm đón bình minh, bơi vài vòng trên biển rồi mới về với công việc thường ngày. Những người bận rộn hơn thì đi biển vào buổi chiều, sóng biển thường dữ dội hơn nhưng cũng không ngăn được bước chân người ra biển vẫy vùng với sóng. Bởi vậy, bờ biển Nha Trang lúc nào cũng đông người và đó là điều làm người ta yêu biển và rất nhớ biển nếu phải đi đâu xa quê.

Nhưng cơn bão số 3 không qua phố mà từ Biển Đông đi thẳng vào miền Bắc. Trong những thông tin báo bão người ta gọi đó là siêu bão nên từng giờ, từng giờ những thông báo ngày càng khẩn trương hơn cho người người đề phòng. Trong trí nhớ của người Nha Trang là cơn bão số 12 năm 2017 đã đổ vào thành phố, những cơn gió dữ dội làm ngã cây cối, làm bay những nóc nhà, thổi tôn bay từ khu phố nọ qua khu phố kia. Chắc nhiều người không quên ngày sau bão, những con đường trong thành phố cây cối bật gốc ngổn ngang. Những ngôi nhà không còn nóc, bay mất cửa. Thành phố bị mất điện, cúp nước. Cuộc sống bị đảo lộn, dù không khó khăn lắm nhưng để bình thường mọi thứ cũng không dễ dàng gì.

Đó là chuyện của phố tôi, thành phố may mắn được nằm trong một vịnh biển kín đáo. Cơn bão số 3 lần này đi qua nhiều tỉnh, thành phía bắc, vào cả thành phố lớn như Hải Phòng, Hà Nội, lên nhiều tỉnh ở vùng cao. Tin bão được đưa lên khắp các mạng xã hội, nhìn mới thấy sức tàn phá dữ dội của gió bão. Những tấm cửa kính cường lực trong các tòa nhà kiên cố bị thổi tung vỡ vụn, những mái nhà thường ngày vững vàng là thế bị gió bão tháo gỡ dễ dàng. Những con đường có hàng cây lâu năm xinh đẹp, bão đi qua để lại những thân cổ thụ gục ngã mà cây lá vẫn đang sum suê xanh tốt...

Ở những vùng cao còn đau lòng hơn, khi bão qua, lũ liền ập đến, kéo theo con người, nhà cửa, cây cối. Có những vùng lũ qua rồi thì chỉ còn một vùng bằng phẳng ngập tràn bùn nhão, không có gì, không còn gì kể cả cây cối, ruộng vườn. Nếu may mắn có ai vượt qua bão lũ thì cũng trở thành trắng tay mà ngơ ngác không biết mình vừa trải qua nỗi khủng khiếp nào. Trong phút giây ấy, nước mắt không thể chảy ra, lòng rỗng không mà tức thời không biết sẽ làm gì tiếp theo.

Mười mấy giờ bão quần thảo khắp nơi thế rồi cũng qua, nhưng để lại rất nhiều mất mát, đau thương. Những người ở xa theo dõi qua truyền thông mà lòng dạ xót xa, hình ảnh trong bão làm biết bao trái tim nhức nhối vì trong bão người vẫn thương người. Trên một cây cầu rộng lớn gió thổi mịt mùng, một chiếc xe ô tô ghé đến che gió cho xe máy, một chiếc vẫn không thể chắn gió, nên thêm một chiếc khác, rồi thêm hai chiếc phía sau đồng hành cho xe máy đủ sức qua cầu. Ngày nào trên truyền hình cũng đưa thông tin người người cùng nhau hỗ trợ khắp nơi để khắc phục khó khăn mà bão để lại. Bão qua rồi người ta lại càng thương nhau hơn, chia sẻ cho nhau từng nắm cơm, mảnh áo. Từ Nam ra Bắc, những chuyến xe thiện nguyện lăn bánh ngay từ khi mưa vẫn còn nặng hạt, người ở những miền không có bão nấu cơm, mang nước cho người trong bão, chia sẻ cho nhau cả ân tình của đồng bào. Người xưa vẫn nói máu chảy ruột mềm là thế.

Vẫn biết khó khăn còn nhiều, trước những thiệt hại mà cơn bão lớn để lại không dễ dàng mà khắc phục ngày một ngày hai, còn những cây cầu đã gãy, còn những con đường tan hoang phải nối lại. Giông bão qua, người càng thương yêu người, người ở vùng an toàn sẻ chia với người trong bão, ân tình ấm áp ấy mong cho cuộc sống rồi sẽ tốt đẹp. Người ở phố cầu chúc cho mưa thuận gió hòa, cho lũ đừng dâng thêm nữa và người người được an yên để lại bắt đầu xây dựng cuộc sống tươi đẹp hơn.

LƯU CẨM VÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/202409/khi-con-bao-di-qua-6727be1/
Zalo