Những chuyến bay
Những chuyến bay dễ để lại những ấn tượng không quên, nhất là khi người bay được bay từ hồi đất nước còn ở tình trạng không nhiều người tiếp cận được máy bay và được bay rất dài và rất xa.
Khi chiếc máy bay vận tải hành khách tầm xa IL62 của hãng Hàng không Liên Xô Aeroflot chở đoàn du học sinh được gửi sang Liên Xô học bốc lên khỏi sân bay Nội Bài vào buổi tối một ngày tháng 8 năm 1981, tôi nhìn xuống thấy Hà Nội đen thẫm, chỉ le lói vài ngọn đèn. Đất nước lúc đó ở vào quãng khó khăn nhất của thời hậu chiến: Chiến tranh Campuchia, Chiến tranh Biên giới phía Bắc, Cấm vận…
Đó là hình ảnh cuối cùng của Hà Nội, của đất nước mình mà tôi mang theo suốt 6 năm học ở nước ngoài.
Khi chiếc IL 62 đó đáp xuống sân bay Bombay (thành phố đông dân nhất của xứ đông người Ấn Độ này cũng đã đổi tên thành Mumbai cũng mấy chục năm rồi) để tiếp dầu, vẫn là ban đêm, tôi nhìn thấy một biển ánh sáng chói lòa ở phía dưới, có lẽ còn sáng hơn cả Thành phố Hồ Chí Minh đêm ở thời điểm bây giờ.
Chúng tôi được vào phòng đợi quốc tế của sân bay. Tôi đã choáng váng khi thấy những kệ chất đầy hàng hóa, đặc biệt là hàng thủ công, mỹ nghệ rực rỡ muôn hình, vạn trạng, đồ gỗ có, kim loại có, xương thú, ngà voi… có và đều vô cùng tinh xảo, đẹp đẽ... Trước đó, tôi đọc báo nước nhà cứ thấy nói người Việt mình khéo tay nhất thế giới, đồ thủ công mỹ nghệ của mình tinh xảo nhất thế giới. Giờ nhìn cảnh đó ở Bombay…
Trong vòng 25 tiếng đồng hồ, chiếc chuyên cơ mang số hiệu VN01 của Vietnam Airlines đã mang chúng tôi qua hai chặng bay, tổng cộng khoảng 22.000 cây số. Khoảng cách đó hơn nửa nghìn năm trước, những người khổng lồ như Magellan, như Christopher Columbus chắc phải đi mất cả năm, thậm chí vài năm!
Cuộc nghỉ chân giữa chặng đó đã có một sự cố. Một bạn nam trong đoàn sơ ý đã để mất mảnh giấy (có lẽ là ghi số thứ tự) mà người ta đưa cho để vào phòng chờ. Bị chặn lại ở lối ra máy bay mà không có mẩu giấy để nộp, bạn bật khóc ngay một cách thảm thương.
Có thể hiểu được những giọt nước mắt đau khổ và có phần hèn đó. Sự bất định và hoang mang, chính xác là sợ sệt khi lần đầu đi ra thế giới của một người từ một đất nước mà cơ hội đi ra thời điểm đó tiệm cận số không; Khả năng mất cơ hội học tập ở Liên Xô vĩ đại… May rồi việc cũng được giải quyết.
Cũng để lại ấn tượng sâu đậm không kém chuyến bay đầu là chuyến bay dài nhất về chặng đường mà tôi trải qua. Nhiều khi tôi cứ thấy lạ là thằng bé mấy chục năm về trước la lê bùn đất, phân rác ở nông thôn như mình, thấy cái ô tô về làng là mò ra há mồm đứng xem mà giờ được hưởng những thứ nhường này.
Sáng sớm ngày 28/4/2023, tôi tỉnh dậy ở thành phố Montevideo, Uruguay, là thủ đô xa nhất về phía Nam của toàn châu Mỹ (xa hơn cả Santiago thủ đô của Chile), vén rèm cửa xem bình minh, ngắm mặt trời như quầng hồ quang điện phía chân mây.
Mười hai giờ trưa ngày 28/4 (lúc này Hà nội đã là 22 giờ đêm 28/4), chuyến chuyên cơ số hiệu 01 của Việt Nam Airlines chở một trong “tứ trụ” đi thăm mấy nước Nam Mỹ kèm đoàn tùy tùng và các đoàn công tác đi nhờ để tận dụng máy bay gồm hơn 200 người (mà tôi là một trong số đó) bay lên từ sân bay quốc tế ở Montevideo hướng về phía Madrid, Tây Ban Nha, điểm trung chuyển để trở về nhà.
Lúc ấy máy bay đang lượn trên Nội Bài. Tôi nhìn ra. Mặt trời đã lặn. Chân trời phía tây mênh mang xếp rực lên mấy tầng màu. Từ màu thẫm tiết bò ở cuối xa đến màu đỏ, màu cam, màu hồng, màu lam và vô khối thứ màu đan xen khác nữa. Tự nhiên thấy may mắn vô cùng được thấy một cảnh tượng diễm lệ đến thế.
Trong chặng bay Montevideo - Madrid dài hơn 10 tiếng đồng, thỉnh thoảng nhìn bản đồ bay thấy máy bay chủ yếu bay men bờ đông của Nam Mỹ, dọc suốt bờ biển Brazil lên phía trên, khi đến gần Bolovia, Paraguay thì ngoặt chuyển hướng xuyên Đại Tây Dương sang vùng ven bờ Tây Bắc Phi châu, qua Cape Verde, ngoài khơi những Senegal, Mauritania, Tây Sahara, Marốc… rồi xuyên qua Bồ Đào Nha đến Tây Ban Nha.
Hơn bốn giờ sáng ngày 29/4/2023, máy bay đến Madrid. Tôi bình thản nhìn thành phố rực sáng bên dưới chạnh nhớ cái cảm giác sững sờ, choáng váng hơn 40 năm trước, năm 1981, được đi máy bay lần đầu, khi máy bay hạ xuống thành phố Bombay như đã kể.
Máy bay hạ cánh kỹ thuật xuống sân bay Madrid (để tiếp dầu, tiếp nước… đại loại thế), chỉ một nhóm VIP xuống vào phòng khách của nhà ga, còn chúng tôi ngồi lại trên máy bay một tiếng rưỡi rồi lại bay tiếp.
Tôi tỉnh dậy không biết lúc mấy giờ (đồng hồ trên tay không chỉ giờ đúng với địa điểm nữa vì máy bay bay qua nhiều múi giờ khác nhau), chỉ biết nhìn bản đồ bay thì thấy máy bay đang ở Trung Á, quãng Tagikistan và Turmenikistan. Trời đất, tôi chưa bao giờ nhìn thấy một mặt trăng sáng đến thế. Máy bay đang ở độ cao 11 cây số, không khí không còn bị ô nhiễm, mây miếc cơ bản là ở phía dưới, trời trong vắt, đêm máy bay bay cao như thế mà vẫn nhìn thấy cả cảnh núi non ở phía dưới, mặt trăng như khối bạc, nhưng là khối bạc phát sáng chói mắt. Tôi vội rút điện thoại chụp cảnh mặt trăng thần tiên đó, nhưng báo hại là camera iPhone hình như thiên về bắt ánh sáng đỏ nên những bức ảnh nhận được xuyên tạc hoàn toàn khung cảnh ngoài ô cửa.
Máy bay hạ cánh xuống Nội Bài lúc hai mươi ba giờ ngày 29/4/2023, lúc này ở điểm xuất phát thành phố Montevideo đang là mười ba giờ ngày 29/4 giờ địa phương. Tức trong vòng 25 tiếng đồng hồ, chiếc chuyên cơ mang số hiệu VN01 của Vietnam Airlines đã mang chúng tôi qua hai chặng bay, tổng cộng khoảng 22.000 cây số.
Khoảng cách đó hơn nửa nghìn năm trước, những người khổng lồ như Magellan, như Christopher Columbus chắc phải đi mất cả năm, thậm chí vài năm!
Nhưng chuyến bay kể trên chỉ dài nhất về chặng đường thôi chứ về thời gian ngốn đi thì nó chưa đọ được với chuyến tôi trở về từ thủ đô Quito của Ecuador (cũng ở Nam Mỹ) sau khi cùng Đoàn Việt Nam tham dự Festival Thanh niên, Sinh viên thế giới lần thứ 18 năm 2013. Lần ấy, bị nhà vận chuyển là Hãng Hàng không Hoàng gia Hà Lan KLM gạt lại sân bay ở Amsterdam khi đã có chỗ ngồi và thẻ lên máy bay trước cả một ngày, bị xé lẻ để bay về Việt Nam qua 5 thủ đô châu Á, gần 70 đại biểu thuộc Đoàn Việt Nam và bốn đại biểu Đoàn đại biểu Thanh niên, Sinh viên Lào mới về đến TP Hồ Chí Minh và Viêng Chăn sau ngót 3 ngày bay và quăng quật tại các sân bay.
Khi lên máy bay ở Quito, Ecuador, thấy thông báo chiếc máy bay của Hãng KLM sẽ hạ cánh xuống một thành phố nội địa nữa của Ecuador để “làm vệ sinh máy bay” và trả, đón thêm khách, chúng tôi đã tròn mắt ngạc nhiên khi lần đầu thấy khách lên máy bay đi rồi lại phải xuống máy bay để nhà bay làm vệ sinh tàu. Cũng tròn mắt khi thấy trong lịch trình bay chuyến này để về đến nhà thì tính số sân bay phải qua là 6, còn số lần cất, hạ cánh là chẵn 10! Hơn một ngày đêm trên trời, thêm mười mấy tiếng đồng hồ chờ đợi tại các sân bay.
Nhưng chúng tôi còn chưa hình dung hết những gì phía trước. Đoàn bay từ Ecuador về đến Amsterdam suôn sẻ, ngồi đợi chuyển tiếp 6 tiếng đồng hồ ở sân bay Schiphol với tâm trạng thoải mái. Ấy nhưng tất cả choáng váng khi phát hiện ra do không đủ khách đi kín máy bay lớn theo dự kiến nên hãng chuyển sang bay máy bay nhỏ hơn để đỡ tốn và do vậy, những khách mua vé máy bay hạng giá rẻ, chủ yếu trong số đó là hai đoàn Việt Nam và Lào, bị gạt lại. Nói “phát hiện” là vì Hãng không thèm thông báo.
Khi bị các đại diện đoàn Việt Nam chất vấn thì hãng mang danh Hoàng gia này đề xuất phương án: hai đoàn cứ đợi, hễ có chỗ trên chuyến bay về châu Á nào mà từ đó bay chuyển tiếp về Việt Nam hoặc Lào nào thì họ sẽ gọi. Đoàn Việt Nam (thay mặt cả Đoàn Lào) đã kiên quyết không chấp nhận phương án phập phù đó mà yêu cầu phải có kế hoạch tổng thể cho hơn 70 người của hai đoàn: bay chuyến bay nào, mấy giờ, về đâu, bay tiếp thế nào phải rõ ngay từ đầu. Cuộc đấu khẩu khi cao trào khi lắng nhưng quyết liệt kéo dài từ 20 giờ tối đó đến 3 giờ sáng hôm sau thì Hãng mới nhận ra là mình đã bỏ đói hành khách và không bố trí chỗ nghỉ dù sự cố là do lỗi của Hãng. Ba giờ sáng về khách sạn gần sát sân bay, ăn một chút rồi nhóm đại diện lại đi đấu tiếp. Đến 6 giờ sáng thì Hãng KLM xuống nước. Hơn 70 người của hai đoàn Việt Nam và Lào bị xé nhỏ thành 4 nhóm, bay về Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia), Băng Cốc (Thái Lan) và Seoul (Hàn Quốc) để chuyển máy bay về TP Hồ Chí Minh và Viêng Chăn. Tưởng đã suôn sẻ, nhưng nhóm bay Seoul đến sân bay thì hai đại biểu Lào lại bị bẻ ngoặt sang Bắc Kinh rồi mới lại có chuyến bay về Viêng Chăn.
Ấy nhưng chuyến bay trên không phải là chuyến bay mệt mỏi nhất. Không nhớ rõ nhưng hình như đó là vào cuối những năm 90 đầu những năm 2000, tôi đi công tác sang Mátxcơva rồi tranh thủ xuống thành phố Krasnodar ở miền Nam nước Nga để thăm lại trường đại học cũ và bạn học ở lại sống ở đó. Vé chiều về là tuyến Krasnodar - Mátxcơva - TP Hồ Chí Minh - Hà Nội, tổng cộng một ngày trời bay và đợi ở các sân bay trung chuyển. Nhưng mệt mỏi không từ tuyến bay đó mà là do ở thời điểm đó, tôi chưa có cái va ly nhỏ có bánh xe để kéo đi nhẹ nhàng như bây giờ. Ngoài cái va ly to ký gửi đi rồi thì một tay tôi xách một cái túi du lịch to nặng, tay kia xách một lẵng nho to nặng không kém. Đó là thứ nho quý vùng núi Kavkaz, quả to đều, vỏ ánh lên như ứa mật mà vợ bạn thương quý mình nên mới mua cho từng ấy xách về làm quà (hồi đó nước mình hoàn toàn chưa có trái cây nhập khẩu nên nho này quý lắm). Thử hình dung, xách nặng thế mà qua bốn sân bay. Tóm lại sau một ngày đêm, tôi về đến nhà kiệt lực và lần đầu tiên trong đời ngủ một mạch gần 24 tiếng đồng hồ mới tỉnh dậy.
Tôi cũng đã trải qua những chuyến bay nguy hiểm. Bạn học tôi, nhiều người đi học hàng không ở Liên Xô. Qua câu chuyện của họ, tôi được biết máy bay là phương tiện an toàn nhất thế giới. Hệ số an toàn của nó thậm chí còn cao hơn cả thang máy. Thế nên lần bay từ Mátxcơva về Krasnodar hồi còn sinh viên ấy, tôi không hề biết sợ khi chiếc máy bay về thời gian bay thì đã phải về đến sân bay lâu rồi nhưng không hiểu sao gần một tiếng đồng hồ nó cứ lượn vòng không hạ cánh, động cơ thì lúc thấy tiếng rồ lên bên cánh phải, lúc thì gầm lên bên trái, lúc thì có tiếng như khởi động thêm cái gì đó. Hồi đó tôi chưa biết máy bay cũng có tai nạn nên điếc không sợ súng. Khác hẳn là khi nghe có vụ máy bay rơi, ví dụ máy bay của Air France rơi ở Đại Tây Dương vì bộ phận cảm biến tốc độ bị đóng băng làm 228 người chết, hay máy bay của Hàng không Lion Air Indonesia rơi cũng xuống biển sau có mười mấy phút cất cánh làm gần 200 người chết. Sau những vụ như thế, thường khi máy bay hạ cánh an toàn, hành khách vỗ tay rôm rốp. Đặc biệt là sau vụ Air France, tôi bay chuyến Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, thời tiết hôm đó rất xấu, máy bay chao lắc mạnh, nhiều khi còn rơi tụt xuống chắc phải mấy chục mét. Tôi và mọi người mặt đều tái mét. Khi máy bay hạ cánh rất nuột xuống Tân Sơn Nhất, tiếng vỗ tay nhiệt liệt vang lên xen cùng lời ca ngợi tài nghệ hạ cánh êm ru của phi công Việt. Mà quả thật tôi nghiệm ra khả năng hạ cánh êm của cánh phi công Việt là rất đáng kể.
Tôi đã từng có mặt trên tuyến bay được đánh giá là nguy hiểm tốp đầu thế giới, chỉ có các phi công có kinh nghiệm mới được cầm lái. Đó là chuyến bay ở Peru từ thủ đô Lima đến Cusco - thành phố cố đô của nước này. Gần cả tuyến bay thì bình thường nhưng người ta nói đoạn hạ cánh rất nguy hiểm vì máy bay phải bay qua một khe núi hẹp luôn có gió tạt ngang rất mạnh. Tôi nghe vậy biết vậy, lên máy bay không có cảm xúc gì đặc biệt. Nhưng khi máy bay hạ độ cao để hạ cánh, nhìn mấy cặp mẹ con, vợ chồng người Peru ôm chặt lấy nhau mà run tôi mới hiểu mối nguy là có thật. Nhưng may chuyến hạ cánh đó không có gì để phàn nàn. Thậm chí tôi còn thấy chuyến bay từ thành phố Male thủ đô Madives ra một đảo của nước này ở Ấn Độ Dương còn đáng sợ hơn nhiều. Tuyến bay ngắn nên người ta dùng máy bay cánh quạt cỡ nhỏ, ATR – 72. Ban đêm mà thỉnh thoảng chúng tôi nhìn thấy mặt biển chứng tỏ máy bay bay thấp. Hãi hùng nhất là khi nó cứ ngoi lên, tụt xuống làm nhiều khi chúng tôi cảm giác nó chạm sóng đến nơi. Chỉ khi cậu nhân viên nhà bay ngồi cùng thấy thế khùng khục cười thì chúng tôi mới bớt sợ.
Lại cũng có một nguy hiểm kiểu khác mà giờ nghĩ lại tôi vẫn thoáng rùng mình. Năm 1987, tôi được chỉ định làm trưởng đoàn của một đoàn sinh viên vừa tốt nghiệp các trường đại học ở Liên Xô về, trong đoàn, ngoài các bạn học cùng thành phố Krasnodar thì có một số bạn từ các thành phố khác. Có một bạn nữ mang thai bụng vượt mặt và khi máy bay bay gần về đến thành phố Karachi ở Pakistan thì bạn này đau bụng, máy bay phát đi thông báo “Ai là trưởng đoàn sinh viên Việt Nam thì lên để cơ trưởng gặp”. Ông này thông báo cho tôi: “Có thể thành viên đoàn anh sắp sinh nên anh chuẩn bị xuống cùng cô ấy ở Karachi để vào bệnh viện”. Tôi thật sự hoảng. Vào một thành phố xa lạ, ở một nước mà thời điểm đó ta không có sứ quán, không biết tiếng, không một xu dính túi, với một sản phụ không phải vợ mình… May mà trên máy bay có một bác sĩ, sau khi thăm khám, ông ấy kết luận không phải người mang thai sắp sinh mà chỉ là những cơn đau do thay đổi trạng thái thôi… Giờ tôi vẫn lạnh người khi nghĩ sẽ ra sao nếu thời điểm đó bạn gái ấy trở dạ sinh thật. Không khéo giờ tôi và cô ấy đã thành Việt kiều ở nước cộng hòa Hồi giáo ấy…
Cũng có những chuyến bay gợi cho tôi những xúc cảm đẹp. Đôi khi đó chỉ là những điều nho nhỏ nhưng đốn tim người. Có lần tôi kinh ngạc nghe cơ trưởng Vietnam Airlines nhắc trên loa: “Mời quý khách nhìn sang trái, hoàng hôn Hà Nội đang tuyệt đẹp”. Lúc ấy máy bay đang lượn trên Nội Bài. Tôi nhìn ra. Mặt trời đã lặn. Chân trời phía tây mênh mang xếp rực lên mấy tầng màu. Từ màu thẫm tiết bò ở cuối xa đến màu đỏ, màu cam, màu hồng, màu lam và vô khối thứ màu đan xen khác nữa. Tự nhiên thấy may mắn vô cùng được thấy một cảnh tượng diễm lệ đến thế. Đã bao tháng bao năm rồi mình hệt như trong câu thơ của Margarita Aliger: “Dựng cổ áo vội vàng, tất tả/ Chẳng thấy trên trời một đám mây trôi!”. Thấy biết ơn người đã nhìn thấy, cảm được cái đẹp tầm vũ trụ ấy và báo lại cho những người khác cùng hưởng.
Tôi cũng cho là kỳ tài khi ai đó trong VietJet nghĩ ra chiêu trước khi cất hạ cánh phát bài “Hello Vietnam”. Tại sao cái giai điệu dịu dàng, sâu lắng, nhưng đầy tự hào đó lần nào cũng khiến mình lặng người trên những chuyến bay?! Rồi khi nhìn màu cờ Tổ quốc sơn trùm lên cả máy bay nữa. Nhất là khi ở một phi trường xứ lạ, nhìn chiếc máy bay cờ đỏ sao vàng, thấy thật ấm lòng. Tôi cũng đã ngất ngây nhìn lá cờ Việt Nam tung bay trong Vòng Cung Bắc Cực trong chuyến bay bằng trực thăng lên mỏ dầu Nenetsky Tập đoàn Dầu khí Việt Nam liên doanh với Nga khai thác. Trước đó, tôi cũng đã một lần bay qua Bắc Cực và cả Bắc Băng Dương trong chuyến trở về từ thành phố Seatle ở mạn Tây Bắc nước Mỹ. Chuyến bay phải quá cảnh ở Seoul, nhìn trên bản đồ thì tưởng bay từ Seatle sang Seoul qua Thái Bình Dương là gần nhất nhưng té ra do độ cong của Trái Đất mà con đường ngắn nhất lại là bên trên Bắc Cực. Nhờ vậy mà chúng tôi được thấy vùng băng tuyết vĩnh cửu đó dưới cánh bay.
Kết thúc bài viết này xin kể một chuyện bi hài. Cuối những năm 90, tôi đi Singapore học hai tuần một khóa quản lý nhân lực. Hồi đó chưa có tuyến Singapore – Hà Nội nên vẫn phải bay qua TP Hồ Chí Minh. Xuống Tân Sơn Nhất nhập cảnh, lấy đồ đạc ký gửi ra rồi mua một chuyến bay khác bay về Hà Nội. Thời ấy Tân Sơn Nhất hình như chỉ có một băng chuyền trả đồ ký gửi duy nhất rất cũ kỹ mà hôm đó nó lại bị hỏng. Tôi tròn mắt nhìn người ta chở đồ của chúng tôi ra bằng cái xe ba gác do động cơ chạy bằng cơm kéo và khi đến giữa phòng chờ, người ta nâng càng xe dốc cho đống va ly, túi du lịch rơi dồn một đống giữa phòng, khách ra tự bới mà tìm đồ của mình.
Tôi kể chuyện này không phải để bêu riếu mà muốn nói rằng so với khi đó thì giờ tuy Nội Bài, Tân Sơn Nhất và các cảng hàng không nước ta có thể chưa phải là hiện đại và quy mô so với thế giới nhưng sau ba chục năm, ngành bay nước ta và cả đất nước nữa đã tiến một chặng đường rất dài lên phía trước.