Những 'chiến sĩ tóc dài' Hoàng Ngân chống Mỹ

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những nữ chiến sĩ của Tiểu đoàn Hoàng Ngân II Hải Hưng đã ở tuổi xế chiều nhưng những kỷ niệm về năm tháng sục sôi chống Mỹ cứu nước vẫn còn vẹn nguyên.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thúy luôn gìn giữ cuốn sổ cũ ghi thông tin của đồng đội trong Tiểu đoàn nữ chiến sĩ Hoàng Ngân II

Bà Nguyễn Thị Hồng Thúy luôn gìn giữ cuốn sổ cũ ghi thông tin của đồng đội trong Tiểu đoàn nữ chiến sĩ Hoàng Ngân II

Tháng ngày không quên

Lật giở cuốn sổ cũ ghi từng cái tên, từng số điện thoại, địa chỉ liên hệ, bà Nguyễn Thị Hồng Thúy (sinh năm 1952) ở đường Hoàng Quốc Việt (TP Hải Dương) phấn khởi khoe: “Gói trọn trong đây thông tin về đồng đội Tiểu đoàn Hoàng Ngân II mà tôi luôn gìn giữ, tự hào. Hơn 50 năm, mọi thứ đổi khác nhiều song chỉ có nghĩa tình đồng đội, tinh thần yêu nước vẫn nồng nàn, đong đầy như thuở nào”.

Mỗi khi nhớ lại, ký ức về những năm tháng chống Mỹ gian lao mà hào hùng giống như thước phim tua chậm trong tâm trí bà Thúy. Tuy tuổi cao song bà Thúy nhớ tường tận về tháng ngày thanh xuân sôi nổi, cống hiến cho non sông, đất nước. Bà Thúy nhập ngũ tháng 4/1972 khi vừa tròn 20 tuổi với tràn đầy niềm vinh dự, tự hào. Tiểu đoàn của bà được lấy tên nữ anh hùng Hoàng Ngân, để phân biệt với đội du kích Hoàng Ngân trong kháng chiến chống Pháp nên được gọi là Tiểu đoàn nữ chiến sĩ Hoàng Ngân II.

Sau khi được tuyển chọn, bà Thúy cùng hơn 500 chị em tham gia huấn luyện tại huyện Thanh Miện. Đến ngày 17/9/1972, Tiểu đoàn Hoàng Ngân II nhận nhiệm vụ đi B (thuộc đường dây 559), bổ sung cho các chiến trường từ Quân khu 4 tới các mặt trận ở Tây Nguyên, Tây Ninh.

Bà Thúy là nữ chiến sĩ được điều động tới chiến trường xa nhất là Tây Ninh. Bà nhớ lại: “Mặt trận Tây Ninh khi ấy ác liệt. Tôi được giao nhiệm vụ chăm sóc các chiến sĩ bị thương. Sau mỗi trận đánh, tôi cùng mọi người lên trận địa, tìm kiếm đồng đội mình. Chứng kiến đồng đội hy sinh, bị thương nặng, tôi không khỏi bàng hoàng song nỗi sợ hãi chỉ thoáng qua, tôi tự trấn an mình để bình tĩnh thực hiện nhiệm vụ”.

Để được đứng trong hàng ngũ Tiểu đoàn Hoàng Ngân II, bà Nguyễn Thị Duyên (sinh năm 1955) ở phường Chí Minh (Chí Linh) đã giấu gia đình 2 lần viết đơn xin tình nguyện nhập ngũ. Bà Duyên kể lúc đó bà mới 17 tuổi, nhà đã có anh trai ra trận nên không thuộc diện xét tuyển. Dù vậy, sự hăng hái, nhiệt huyết của tuổi trẻ và ý chí, quyết tâm đánh đuổi quân thù khiến bà Duyên không hề do dự, chần chừ vào quyết định của bản thân. “Vào đêm trước ngày nhập ngũ, tôi mới thông báo cho gia đình. Bố mẹ tôi rất bất ngờ song vì sự đã rồi nên chỉ động viên tôi giữ gìn sức khỏe, làm tốt công việc đơn vị giao”, bà Duyên nhớ lại.

Được điều động vào Quân khu 4 làm nhiệm vụ quân y, bà Duyên luôn hăng hái, trách nhiệm với công việc được giao. Không chỉ chăm sóc, bà còn ân cần động viên những chiến sĩ bị thương, giúp họ an tâm điều trị.

Luôn vui vẻ, lạc quan để động viên đồng đội nhưng bản thân bà Duyên cũng đôi lúc suy tư vì sự khốc liệt của chiến tranh. Bà chia sẻ: “Bom rơi, đạn lạc thiếu thốn trăm bề. Với những nữ chiến sĩ lại càng có nhiều hạn chế. Dẫu vậy chúng tôi vẫn nỗ lực vượt qua với niềm tin về ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước”.

Lặng thầm cống hiến trong thời bình

Tiểu đoàn nữ chiến sĩ Hoàng Ngân II tổ chức gặp mặt hằng năm để ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang (ảnh tư liệu)

Tiểu đoàn nữ chiến sĩ Hoàng Ngân II tổ chức gặp mặt hằng năm để ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang (ảnh tư liệu)

Những nữ chiến sĩ Hoàng Ngân II mang theo sức trẻ với khát vọng cống hiến cho non sông, Tổ quốc đã tới nhiều mặt trận hỗ trợ chiến đấu. Họ nhận nhiều nhiệm vụ, từ y tế, nuôi quân đến công vụ, thông tin liên lạc… Song dù ở vị trí, công việc nào, nữ chiến sĩ Hoàng Ngân vẫn không nề hà, không ngại khó, ngại khổ. Đến khi giải phóng miền Nam, nước nhà thống nhất, trở về với cuộc sống thường ngày, họ vẫn phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ, gương mẫu, trách nhiệm.

Bà Tăng Thị Hòa (sinh năm 1955) ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) tham gia Tiểu đoàn Hoàng Ngân II khi mới 17 tuổi. Những năm tháng phục vụ trong quân ngũ đã giúp bà rèn luyện ý chí, tinh thần vững vàng. Khi đất nước giải phóng, về với quê hương, bà được phân công làm việc tại Nhà máy sứ Hải Dương. Trong chiến đấu hay trong sản xuất, bà luôn hăng hái, nhiệt tình. Đến bây giờ, khi đã về hưu, bà Hòa là thành viên tích cực trong các đoàn thể ở địa phương. “Dù ở bất cứ đâu với vai trò nào, tôi vẫn sẽ hết lòng cống hiến cho sự phát triển chung. Thời chiến, tôi còn không tiếc tuổi trẻ, thanh xuân. Đến giờ, khi đã 50 năm hòa bình, tôi vẫn nguyện vì quê hương, đất nước”, bà Hòa tâm nguyện.

Còn với bà Thúy, dù đảm đương nhiều vai trò ở khu dân cư nhưng bà Thúy vẫn xung phong và được tín nhiệm là Trưởng Ban Liên lạc Tiểu đoàn nữ chiến sĩ Hoàng Ngân II. Năm nào, tiểu đoàn cũng tổ chức gặp mặt để ôn lại năm tháng chống Mỹ hào hùng. Đồng thời triển khai hoạt động xã hội, tình nghĩa với đồng đội. Bà Thúy vẫn luôn trăn trở chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn để lại những vết thương lòng. Không ít đồng đội của bà Thúy dành cả thanh xuân cho đất nước đến khi hòa bình thì lỡ dở, sống cô quạnh. Có người lại mắc bệnh hiểm nghèo, cuộc sống khó khăn. Chính vì thế rất cần sự động viên, quan tâm, chăm lo kịp thời.

Năm tháng qua đi, mỗi năm gặp mặt, Tiểu đoàn nữ chiến sĩ Hoàng Ngân II lại vơi bớt thành viên. Hiện tiểu đoàn chỉ còn khoảng 200 người nhưng hoạt động của ban liên lạc rất sôi nổi, hiệu quả bởi ai cũng luôn nhớ về một thời cách mạng sôi nổi, hào hùng.

HOÀNG LINH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nhung-chien-si-toc-dai-hoang-ngan-chong-my-409470.html
Zalo