Những câu chuyện sau chiếc máy chạy thận nhân tạo - Bài 2: Báo động suy thận ngày càng gia tăng và trẻ hóa

Do thói quen sinh hoạt, ăn uống, sử dụng các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, lạm dụng các loại thuốc giảm đau... đã góp phần tăng tỉ lệ suy thận ở người trẻ.

Nhiều người mắc bệnh nan y khi còn rất trẻ

Thực tế cho thấy, hiện nay có không ít bệnh nhân dù còn rất trẻ tuổi nhưng đã phải sống chung với bệnh suy thận mạn.

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên cho biết, hiện bệnh viện đang có khoảng 200 bệnh nhân bị suy thận phải chạy thận nhân tạo.

Trong đó, có khoảng 35 người ở độ tuổi 18-35 tuổi (chiếm khoảng 17,5%), bệnh nhân trẻ nhất mới 16 tuổi.

Bệnh nhân suy thận mạn ngày càng trẻ hóa.

Bệnh nhân suy thận mạn ngày càng trẻ hóa.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Tp.Buôn Ma Thuột, hiện đang điều trị cho khoảng 170 bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Trong đó, bệnh nhân trẻ tuổi nhất là 18 tuổi. Số lượng bệnh nhân từ 18-30 tuổi có 14 bệnh nhân, chiếm tỉ lệ 8,6% .

Tương tự, trong số 109 bệnh nhân đang được chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh (tỉnh Đắk Lắk), có 11 bệnh nhân từ 20-30 tuổi.

Trước đó, bệnh viện đã từng điều trị cho bệnh nhân suy thận mạn nhỏ tuổi nhất sinh năm 2007. Theo các bác sĩ, đây là những con số rất đáng báo động.

Dù mới chỉ 23 tuổi, em H’Lem Hmok (trú tại xã Ea Kao, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã phải chung sống với căn bệnh suy thận mạn nhiều năm nay.

Lộ rõ những vết nám đen trên khuôn mặt, H’Lem chia sẻ, em lập gia đình khi mới 17 tuổi. Tháng 11/2018, H’Lem mang bầu đứa con đầu tiên.

Dù mới chỉ 23 tuổi, H’Lem Hmok đã phải chung sống với căn bệnh suy thận mạn nhiều năm nay.

Dù mới chỉ 23 tuổi, H’Lem Hmok đã phải chung sống với căn bệnh suy thận mạn nhiều năm nay.

Đến tháng thứ 3 của thai kỳ, người mẹ trẻ đi thăm khám thì ngỡ ngàng phát hiện mắc bệnh suy thận mạn giai đoạn 3.

"Giây phút đó, tôi đã bị sốc và vô cùng hoang mang không biết sự sống của bản thân và đứa con trong bụng sẽ như thế nào. Thế nhưng, nhờ sự hỗ trợ, động viên của gia đình nên những cơn đau cũng dần qua mau.

Đến tháng 9/2023, khi bệnh đã chuyển biến sang giai đoạn cuối, tôi được chỉ định lọc máu, chạy thận nhân tạo, với mức chi phí 5 triệu đồng/tháng", H’Lem nghẹn lời.

Tương tự, dù còn rất trẻ nhưng anh Phan Thành Lập (SN 1994, trú tại phường Tân Lập, Tp.Buôn Ma Thuột) đã phải gắn cuộc đời với chiếc kiêm tiêm, dịch truyền chạy thận nhiều năm nay tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Anh Lập cho hay, anh là con một trong gia đình. Năm lớp 8, anh đã phải đối diện với một cú sốc lớn khi ba qua đời sau cơn bạo bệnh. Kể từ đó, mẹ xem anh là nguồn sống duy nhất và ở vậy nuôi con khôn lớn.

Năm 2014, khi đang là sinh viên năm nhất một trường cao đẳng tại tỉnh Đắk Lắk, anh bất ngờ cao huyết áp và được người nhà đưa đi khám bệnh, thì phát hiện mắc bệnh suy thận mạn. Kể từ đó, anh phải gác lại ước mơ học tập để tập trung điều trị bệnh.

Thấm thía nỗi đau khi mắc phải bệnh suy thận mạn, anh Phan Thành Lập nuôi hy vọng sẽ được ghép thận thành công trong thời gian tới.

Thấm thía nỗi đau khi mắc phải bệnh suy thận mạn, anh Phan Thành Lập nuôi hy vọng sẽ được ghép thận thành công trong thời gian tới.

Để mẹ an lòng, anh luôn giữ tinh thần lạc quan và đi chạy thận đều đặn 3 ngày/tuần. Căn bệnh suy thận mạn đeo bám anh suốt 10 năm đã vắt kiệt dần sức trẻ của một thanh niên như anh Lập. Ngoài những việc nhẹ nhàng trong gia đình, anh đành bất lực đứng nhìn mẹ cáng đáng tất cả việc nặng nhọc trong nhà.

Bên cạnh giường anh Lập là em Nguyễn Thị Hà Phương (SN 1993, trú tại phường Tự An, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Phương kể, cách đây 11 năm, em được người nhà đưa đi khám do thấy người mệt mỏi, hoa mắt. Kết quả thăm khám cho thấy, em đã bị suy thận giai đoạn 3.

Sau một thời gian điều trị nhưng không đáp ứng thuốc, bệnh chuyển biến nhanh qua giai đoạn cuối và Phương phải chạy thận đến nay. Hàng ngày, ngoài thời gian đến bệnh viện, Phương ở nhà móc len làm ra các sản phẩm như gấu bông, túi xách để bán phụ giúp gia đình nhưng thu nhập bèo bọt.

"Trước đây, sức khỏe còn tốt, mỗi tháng, em móc len bán được khoảng 1 triệu đồng/tháng. Hiện nay, do sức khỏe yếu, lúc làm lúc không nên mỗi tháng nguồn thu nhập từ việc móc len của em chỉ chưa đầy 500 nghìn đồng", Phương nói trong nghẹn ngào.

Bên trong các phòng chạy thận nhân tạo là nỗi đau của các bệnh nhân.

Bên trong các phòng chạy thận nhân tạo là nỗi đau của các bệnh nhân.

Tình người ấm áp trong các khu chạy thận

Giữa những nỗi đau do bệnh suy thận mạn gây ra, không hiếm những khoảnh khắc ấm áp, tràn đầy tình người ở các khu chạy thận nhân tạo.

Tại đây, các bệnh nhân sẵn lòng trao cho nhau những cái bắt tay đầy yêu thương, chia sẻ gánh nặng và dìu dắt nhau trong cuộc chiến giành lại sức khỏe.

Ngồi chờ đến lượt vào chạy thận, ông Nguyễn Thanh Sơn (SN 1975, trú tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) bộc bạch: "Trong quá trình điều trị bệnh suy thận mạn, ngoài thuốc men và lọc máu, tinh thần của bệnh nhân là điều rất quan trọng. Chúng tôi từ những người xa lạ đã trở thành anh em, bởi ai cũng thấu hiểu nỗi đau và mất mát khi mắc phải căn bệnh nan y".

Các bệnh nhân động viên nhau trong phòng chạy thận nhân tạo.

Các bệnh nhân động viên nhau trong phòng chạy thận nhân tạo.

Đồng hành với các bệnh nhân, đội ngũ bác sĩ luôn tận tình cứu chữa và không phân biệt người giàu hay nghèo, già hay trẻ. Mỗi khi thấy bệnh nhân đau đớn, các điều dưỡng và bác sĩ tại khu chạy thận lại kể những câu chuyện hài hước để xua tan nỗi buồn, không khí ảm đạm trong phòng chạy thận. Nhờ vậy, tinh thần của các bệnh nhân ngày càng phấn chấn hơn.

"Nhiều hôm, tôi tranh thủ đến bệnh viện sớm để trò chuyện với mọi người. Chính những lời động viên và sự tận tình của các y bác sĩ đã giúp tôi từ bỏ ý định tìm đến cái chết", ông Sơn tiết lộ.

Ông Sơn kể: "Năm 30 tuổi, tôi đang làm việc lái tàu dưới biển ở tỉnh Khánh Hòa thì bỗng nhiên bị đau lưng và liên tục ói mửa. Khi đến bệnh viện khám, tôi phát hiện mắc bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối và buộc phải chạy thận. Thời gian đầu, tôi sốc tâm lý, sức khỏe suy sụp, đi đứng không vững, có lúc té lên té xuống. Quá chán nản, tôi đã 3 lần tìm đến cái chết nhưng không thành".

Những cái nắm tay siết chặt của các bệnh nhân suy thận mạn như đang tiếp thêm sức mạnh cho nhau.

Những cái nắm tay siết chặt của các bệnh nhân suy thận mạn như đang tiếp thêm sức mạnh cho nhau.

Nghĩ rằng mình chẳng còn sống được bao lâu nữa, vào tháng 5/2010, ông Sơn quyết định trở về Đắk Lắk. Tại đây, ông đã tìm đến Bệnh viện Đa khoa Tp.Buôn Ma Thuột để chạy thận và may mắn kéo dài sự sống được 19 năm nay.

Hàng ngày, ngoài thời gian chạy thận, ông vẫn hành nghề xe ôm để kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình. Mỗi buổi sáng điều khiển xe máy đi chạy thận, ông tự an ủi mình đang đi làm và mang theo cơm để ăn.

Vừa kết thúc ca chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Tp.Buôn Ma Thuột, anh Nguyễn Văn Trình (SN 1991, trú tại xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) không ngần ngại chạy ngay đến khu thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh để thăm ông Trương Phú Huệ (SN 1968, trú tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk). Cái nắm tay siết chặt giữa hai người khiến nhiều bệnh nhân tại đây lầm tưởng rằng họ là hai bố con.

Hỏi ra mới biết, cách đây 4 năm, anh Trình và ông Huệ bắt đầu quen nhau khi cùng chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Tp.Buôn Ma Thuột. Sau một thời gian gắn bó, họ không chỉ trở thành những người bạn tâm giao, mà còn xem nhau như người trong gia đình.

Ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết, tình yêu thương, đùm bọc của các bệnh nhân và sự tận tình cứu chữa của các y bác sĩ đã giúp ông sống lạc quan hơn.

Ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết, tình yêu thương, đùm bọc của các bệnh nhân và sự tận tình cứu chữa của các y bác sĩ đã giúp ông sống lạc quan hơn.

Năm 2022, với mong ước thoát khỏi căn bệnh nan y, ông Huệ và anh Trình đã cùng nhau ra một bệnh viện tại tỉnh Thừa Thiên Huế để thực hiện ca ghép thận. Tuy nhiên, cả hai đều không thành công trong cuộc phẫu thuật. Không nản lòng, họ quyết định quay trở về Đắk Lắk và tiếp tục cuộc chiến với bệnh tật.

Gần đây, ông Huệ đã chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh để chạy thận, trong khi anh Trình vẫn tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tp.Buôn Ma Thuột. Dù vậy, thỉnh thoảng họ vẫn gặp nhau, hỏi thăm và động viên nhau trong hành trình đầy gian nan này.

Thói quen góp phần tăng tỉ lệ suy thận ở người trẻ

Bác sĩ Hoàng Thị Thủy Tiên, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên nói về những nguyên nhân dẫn đến tăng tỉ lệ suy nhận ở người trẻ.

Theo bác sĩ Hoàng Thị Thủy Tiên, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trước đây suy thận thường gặp ở độ tuổi hơn 60. Tuy nhiên, ngày nay người trẻ mắc suy thận ngày càng nhiều là do thói quen sinh hoạt ít hoạt động thể lực, hút thuốc lá, thức khuya, thói quen uống rượu bia nhiều, thói quen ăn nhiều thức ăn nhanh chứa nhiều dầu mỡ, tinh bột thừa chất đạm, thừa chất béo, ăn mặn… Từ đó, làm tăng tỉ lệ các bệnh chuyển hóa như tăng huyết áp, đái tháo đường.

Chưa kể, thói quen sử dụng các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, lạm dụng các loại thuốc giảm đau kháng viêm, thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc cũng góp phần tăng tỉ lệ suy thận ở người trẻ.

Để phòng tránh bệnh suy thận mạn, bác sĩ Hoàng Thị Thủy Tiên khuyến cáo, người dân cần tập thể lực đều đặn trung bình 20 phút/ngày; uống nhiều nước để thận khỏe hơn, khoảng 2 lít nước/ngày; ngưng hút thuốc lá để làm chậm tốc độ bệnh thận tiến triển đến suy thận giai đoạn cuối; tránh dư cân béo phì. Ngoài ra, người dân cần thường xuyên kiểm tra, kiểm soát đường huyết, huyết áp, không tự ý dùng kéo dài thuốc ngoài sự chỉ định của bác sĩ, kiểm tra chức năng thận định kỳ khi là đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh thận…

(Còn nữa)

Khánh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhung-cau-chuyen-sau-chiec-may-chay-than-nhan-tao-bai-2-bao-dong-suy-than-ngay-cang-gia-tang-va-tre-hoa-204240919155219914.htm
Zalo