Chuyên gia bệnh viện Bạch Mai cảnh báo 6 nhóm bệnh dễ bùng thành dịch sau mưa lũ
Từ sau bão số 3 đến nay, trong các khu vực bị ngập lụt ở Hà Nội đã có khoảng 700 bệnh nhân mắc bệnh về da, tiêu hóa và mắt…
Kể từ sau bão số 3 đến nay, tại Khoa Truyền nhiễm - Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) có sự gia tăng bệnh nhân đến khám liên quan đến bệnh sốt xuất huyết, cúm, tiêu hóa... Trung bình mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận từ 300 - 500 lượt người bệnh, phần lớn số bệnh nhân mắc các bệnh liên quan về đường tiêu hóa cũng như các bệnh lây nhiễm nguy hiểm khác.
Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong các khu vực bị ngập lụt sau bão số 3 vừa qua, đến tuần này đã có khoảng 700 bệnh nhân mắc bệnh về da, tiêu hóa và mắt, trong đó chủ yếu là bệnh về da (chiếm hơn 76%).
Riêng tại khoa Da liễu và Bỏng - Bệnh viện Bạch Mai, thời gian gần đây số ca đến khám với các bệnh lý về da cũng tăng mạnh, chủ yếu là nấm da, viêm da tiếp xúc, viêm kẽ, nhiễm trùng da… do tiếp xúc với nước bẩn và độ ẩm cao...
Thông tin đến báo chí, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dịch bệnh có thể xuất hiện ngay sau lũ lụt.
Thậm chí, có trường hợp nhiều tuần, nhiều tháng sau khi nước rút mới phát bệnh.Nguyên nhân do sau mưa bão, ngập lụt, nguồn nước, nguồn thực phẩm dễ bị ô nhiễm, nhiều mầm bệnh có sẵn trong nước, chất thải của người và động vật, xác thực vật và động vật…
Có 6 nhóm bệnh chính thường gặp sau mưa lũ, gồm: Nhiễm trùng tiêu hóa, nhiễm trùng hô hấp, muỗi truyền bệnh, bệnh lây khi tiếp xúc với nước và vật dụng, bệnh về da, các bệnh về mắt. Đây cũng là những nhóm bệnh dễ bùng phát thành dịch.
Để phòng bệnh nói trên, PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, người dân cần thau rửa bể nước, giếng nước; tra thuốc nhỏ mắt (Chloramphenicol 0,4% hoặc Argirol 1%) cho tất cả những người có nguy cơ tiếp xúc với nước bẩn; nên lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, bảo đảm ăn chín, uống chín…