Những cảm xúc với nghề

Không học chuyên ngành báo chí nhưng theo số phận đưa đẩy, tôi đã bén duyên và gắn bó với Báo Tuyên Quang 13 năm. Thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để tôi rèn luyện, ngày càng trưởng thành và được trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc với nghề.

Thích thú tác nghiệp tại vườn cam Đường Canh tại xã Chiêu Yên (Yên Sơn).

Thích thú tác nghiệp tại vườn cam Đường Canh tại xã Chiêu Yên (Yên Sơn).

Năm 2011, tôi xin về Báo Tuyên Quang thử việc. Lúc bấy giờ tôi còi dí. Vì chưa thạo việc nên thỉnh thoảng tôi được các anh chị, các bạn đồng nghiệp cho “bám càng” đi cơ sở, rong ruổi trên khắp các cung đường, đến với các thôn, bản ở Chiêm Hóa, Yên Sơn, Lâm Bình...

Tôi nhớ chuyến công tác ở xã Minh Quang (lúc đó còn thuộc địa bàn huyện Chiêm Hóa) cùng phóng viên Thùy Linh. Lúc ấy, đường vào xã là đường cấp phối, chỗ thì sỏi ong lạo xạo, chỗ thì rãnh sống trâu, rồi lại ổ gà, ổ voi. Nhiều đoạn vào gần trung tâm xã đang làm đường, đá, sỏi ngổn ngang, lởm chởm, khiến chiếc xe wave của tôi cứ chồm lên, chồm xuống, nhiều đoạn không đi nổi phải xuống dắt. Làm việc xong cũng quá trưa, chúng tôi vội vàng quay trở ra huyện để ăn cơm trưa nhưng lúc ấy cái dạ dày của tôi lên cơn đau. Đường xóc, bụng đói, vừa đi tôi vừa phải ôm bụng, muốn đi nhanh cũng chẳng nổi. Đã vậy khi về đến khúc cua ở chân đèo Lai, tôi suýt bị chiếc xe khách “huých” cho vào dệ đường.

Do sức yếu, lại không uống được rượu, tôi xin được phụ trách địa bàn Yên Sơn, rồi thành phố Tuyên Quang. Những cung đường bớt vất vả hơn những vẫn có nhiều chuyện “dở khóc, dở cười”. Tôi nhớ một lần vào làng Dùm, phường Nông Tiến viết bài cùng đồng nghiệp Việt Hòa. Làng Dùm cách thành phố chỉ khoảng chục cây số nhưng đường đi nhỏ xíu và đầy đá lởm chởm. Nhiều đoạn một bên là vách núi, một bên là vực sâu.

Hôm chúng tôi đi, một vạt núi bị sạt lở tràn ra phủ kín đường đi do trước đó mấy hôm có mưa to. Chúng tôi đành tìm đường đi bằng cách lội qua suối. Nước suối về khá to và xiết. Xắn ống quần lên quá đầu gối, tôi khoác máy ảnh lên vai rồi đi phía sau để đẩy xe. Người dắt xe, người đẩy xe, dưới nước thì khó đi, lên đường thì trơn trượt, mãi chúng tôi mới đi qua được suối thì xe chết máy... Nhưng rồi chúng tôi vẫn tới được làng Dùm để phản ánh về cuộc sống và sự nỗ lực phát triển kinh tế của người dân nơi đây.

Tôi từng 2 lần suýt chết đuối vì thế tôi nhát nước vô cùng. Có lần đi viết bài về việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp ở mô hình nhà bè phường Nông Tiến. Mái chèo của người phụ nữ nhỏ bé khua như bị sức nước “cuốn trôi”. Tôi chỉ biết ngồi im nín thở, ôm chặt chiếc máy ảnh để chiếc thuyền nhỏ cũ kỹ không chòng chành... Nhưng khi lên tới nhà bè, tôi vô cùng bất ngờ và khâm phục cách người dân làm chuồng trại chăn nuôi trên sông.

Hơn 13 năm trong nghề, tôi đã đi để tìm tòi, khám phá, trải nghiệm, đi để sẻ chia, để tích lũy kiến thức và vốn sống, để viết, dù vẫn biết rằng, chuyến đi nào cũng có những gian khó, thậm chí cả hiểm nguy. Có những chuyến đi giúp tôi có 1 tác phẩm hay nhưng cũng có khi về “tay trắng” vì chẳng gặp được nhân vật. Nhưng tình yêu với nghề đã lớn dần lên từ lúc nào, cứ thôi thúc tôi đi và viết để phản ánh chân thực về cuộc sống, rèn luyện bản lĩnh của người làm báo Đảng.

Thu Hương

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/nhung-cam-xuc-voi-nghe-204659.html
Zalo