Ấn tượng Tết xưa, nay từ ký ức nhiều thế hệ

Những tiếng pháo rộn ràng, những sắc hoa mai, hoa đào rực rỡ, tiếng trống múa lân vang vọng khắp phố phường... Đó là những thanh âm, hình ảnh tiêu biểu của Tết Việt Nam trong ký ức của nhiều người.

Với ý tưởng cùng chia sẻ ấn tượng về Tết xưa và Tết nay, một nhóm bạn bè gồm nhiều lứa tuổi, ngành nghề, đang sinh sống làm việc ở cả trong và ngoài nước, đã tổ chức một cuộc hội ngộ đặc biệt tại cà phê Sài Gòn xưa (TP.HCM) để kể về trải nghiệm Tết của mình.

TS. Nguyễn Vĩnh Đào, năm nay đã ngoài 80 tuổi, hiện đang định cư ở Paris. Sống ở nước ngoài nhiều năm nhưng ông Đào vẫn nhớ nhiều kỷ niệm Tết quê nhà. Với âm sắc Huế nhẹ nhàng, ông rà soát lại kỷ niệm: “Quê tôi ở cố đô Huế nhưng tôi sống nhiều năm ở Sài Gòn và có đến 62 lần ăn Tết tại đây. Tôi không thể nào quên tiếng pháo đầu Xuân vang lên khắp phố phường. Ông bà ta nói “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ - Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Đó là cách ăn Tết cổ truyền của các gia đình Trung Nam Bắc. Nhưng với người Sài Gòn, Tết còn là hoa Xuân và chợ Tết. Rất nhiều loại hoa khoe sắc ở đường Nguyễn Huệ, rất nhiều bánh mứt, hàng hóa bày bán ở các chợ Tết, nhất là chung quanh chợ Bến Thành.

Ngoài ra, Tết không thể thiếu báo Xuân, một đặc sản xuất phát đầu tiên từ Sài Gòn!”

Tiến sĩ Nguyễn Vĩnh Đào (trái) ôn lại ký ức ngày Tết.

Tiến sĩ Nguyễn Vĩnh Đào (trái) ôn lại ký ức ngày Tết.

Là một nhạc sĩ sinh sống tại Úc, TS. Nguyễn Lê Tuyên, cho biết: “Tết Việt Nam xưa tuyệt đẹp, ở hải ngoại rất khó tái hiện đầy đủ các phong tục và không khí Tết cổ truyền.” Đó cũng là lý do mà hàng năm ông Tuyên đều cố gắng về Việt Nam ngay trước Tết hay trong Tết để tìm lại khung cửa quá khứ, thưởng thức cái Tết xưa và nay hòa quyện với nhau.

Đồng tình quan điểm, ông Trần Hữu Phúc Tiến, nhà nghiên cứu lịch sử đô thị, nhận xét: “Tết là phong tục đẹp, cả nước đều thưởng ngoạn giống nhau.” Nhưng theo ông, Sài Gòn từ thuở là Gia Định Thành (thế kỷ 18, 19), vẫn có những sinh hoạt Tết độc đáo riêng. Chẳng hạn, người dân đi “chạp mộ” để chăm sóc mồ mả của tổ tiên và mời “ông bà, ông vải” về nhà ăn Tết... Ông Phúc Tiến cho biết thêm, trong đêm giao thừa, các quan chức tề tựu ở cung điện chính trong thành Gia Định để làm lễ bái vọng nhà vua ở Huế. Đặc biệt, vào ngày Rằm tháng Giêng, Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt thường tổ chức thao diễn quân sự, cả thủy lẫn bộ để biểu dương lực lượng quốc phòng và tạo thêm không khí lễ hội đầu Xuân. Vào tiết Lập Xuân (đầu tháng 2 Âm Lịch), các quan còn đến đàn Xã Tắc, làm lễ tế trời và mùa màng tươi tốt.

Sinh ra và lớn lên ở Sóc Trăng, là người Hoa sinh sống hơn 15 năm nay tại Chợ Lớn, ông Quách Thành Nhân kể rằng cộng đồng người Hoa ở Việt Nam ăn Tết có nhiều sắc thái riêng. Ông kể: “Người Hoa quét dọn nhà cửa đón Tết từ ngày 24 tháng chạp chứ không phải ngày 23 – ngày đưa Ông Táo như người Việt. Thay vì “hạ nêu”, “hóa vàng” vào ngày mùng 3, người Triều Châu bắt đầu cúng tiễn đưa ông bà vào ngày mùng 4 Tết. Ở Sóc Trăng, người ta thường để sẵn bánh trái để tặng cho người nghèo đến viếng thăm nhà mình vào ngày mùng 1 Tết.”

Ông Phúc Tiến (ngoài cùng bên phải) và hai khách mời Việt kiều Úc – Lê Tuyên và Hữu Hiệp chia sẻ ấn tượng về ngày Tết.

Ông Phúc Tiến (ngoài cùng bên phải) và hai khách mời Việt kiều Úc – Lê Tuyên và Hữu Hiệp chia sẻ ấn tượng về ngày Tết.

TS. Nguyễn Đức Hiệp (Sydney) lại mang tới một phát hiện, khi kể rằng chí sĩ Nguyễn An Ninh là người "phát minh” việc đi bán báo Xuân tại chợ Tết Bến Thành. Ngày ấy, đông đảo người dân mua báo của ông Nguyễn An Ninh vì thấy ông nói chuyện rất lôi cuốn. Ngay cả mật thám theo dõi ông cũng bị cuốn hút bởi hoạt động này.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, do có gia đình miền Nam tập kết ra Bắc, lại nhớ về cái Tết thống nhất đầu tiên năm 1976 khi cả nhà vui sướng sum họp sau hơn 20 năm xa cách. Bà cho rằng, Tết Sài Gòn có khác Tết Hà Nội vì thời tiết trái ngược. Trong lúc Hà Nội trời vẫn còn lạnh nên các gia đình thường quây quần trong nhà thưởng Xuân. Còn trời Sài Gòn nóng nực, cho nên mọi người thích ra đường, đi chơi Tết, gặp gỡ nhau.

Tết với người trẻ thì sao? Lê Phương Đại, một bạn trẻ lứa tuổi đôi mươi, đang làm hướng dẫn viên du lịch, có hơn 10 năm sống tại Sài Gòn, nhận xét: “Đối với tôi, Sài Gòn vẫn là một nơi tuyệt vời để đón Tết. Không chỉ bởi không khí nhộn nhịp, mà còn bởi những điểm nhấn đặc trưng như chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ, khu vực dọc sông Sài Gòn và đường Tôn Đức Thắng. Tại những nơi này, có nhiều nhà phố và tiểu cảnh trang trí đẹp thu hút mọi người, từ các bạn trẻ, trung niên đến người lớn tuổi. Qua đấy mọi người tưng bừng chào đón năm mới cùng nhiều điều tốt lành.”

Cùng hát vang bài Ly rượu mừng.

Còn chị La Nông Thương Hoài, gốc người Nùng ở Đồng Nai, sinh viên mới ra trường đồng ý Tết là ngày hội ngộ gia đình đông đủ nhất. Ở nhà, bố mẹ của chị thường nhóm lửa trên sân vào các tối giao thừa, mọi người ngồi bên nhau cùng sưởi ấm, trò chuyện với nhau rất ấm cúng...

Kết thúc buổi họp mặt, mọi người cùng hát vang bài Ly rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Tiếng hát, tiếng cười vui vẻ hòa lẫn với lời chúc tốt đẹp, tạo nên một không khí ấm áp và gần gũi, đậm chất truyền thống ngày Tết Việt Nam. Có lẽ Tết xưa và Tết nay tuy có một số khác biệt, nhưng ở đâu đi nữa đó vẫn là Tết đoàn viên, nhớ ơn tổ tiên, vui chơi giải trí sau một năm lao động cực nhọc…

Bài, ảnh, video: Phúc Minh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/an-tuong-tet-xua-nay-tu-ky-uc-nhieu-the-he-46902.html
Zalo