Hương vị Tết xưa
Có lẽ, trong ký ức của nhiều người, phong vị ngày Tết xưa luôn là những cảm xúc đẹp đẽ với những gì quen thuộc, bình dị mà thiêng liêng của Tết cổ truyền Việt Nam. Trong sâu thẳm mỗi người, vẫn mong được sống trong không khí truyền thống ấy mỗi dịp Tết đến xuân về…
Gia đình ông Huyền vẫn giữ những phong tục truyền thống Tết xưa.
Vào Nha Trang sinh sống khi chỉ mới 17 tuổi, ở tuổi 63 khi được hỏi về chuyện Tết xưa, bà Mai Thị Hồng Lê (phường Phước Long, TP. Nha Trang) vẫn nhớ như in những ngày Tết xưa khi còn ở quê nhà Thanh Hóa. “Hồi đó, Tết đơn giản mà ấm áp lắm!”, bà Lê nói. Những ngày cuối năm yên bình, dường như ai cũng muốn trở về với gia đình, cùng người thân gói những bánh chưng xanh, quây quần sum họp. Ánh mắt xa xăm, bà Lê hồi tưởng lại: "Tết thời ấy khó khăn lắm, thiếu thốn đủ đường; thực phẩm người dân tự làm ra được nhưng không được đem đi nơi khác tiêu thụ nên khan hiếm lắm. Những mâm cỗ Tết ngày ấy không được đủ đầy như thời nay, có gì cúng nấy, có chiếc bánh chưng, con gà, đĩa giò thủ đã là tươm tất lắm rồi!", bà Lê nói.
Cùng quê với bà Lê, bà Hoàng Thị Hồng (62 tuổi) vào phố biển Nha Trang sinh sống khi mới vừa đôi mươi. Bà Hồng tâm sự: "Những cái Tết của 40, 50 năm về trước không có bánh, mứt, kẹo ngon như bây giờ nhưng Tết quê tôi không thể thiếu bánh chưng, xôi gấc, đào và quất... Không khí thật ấm cúng, thiêng liêng khi cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng xanh, bếp lửa hồng. Bao kỷ niệm ngày nào dường như còn vẹn nguyên trong ký ức tôi”.
Đối với bà Lê, bà Hồng dù xã hội có phát triển ra sao, tình làng nghĩa xóm trong những ngày Tết vẫn luôn trân quý.
Trong ký ức của ông Lương Văn Huyền (65 tuổi), những cái Tết khó khăn nhưng luôn đầy ắp tiếng cười. “Tết xưa bình dị mà ấm áp!”, ông Huyền nhớ lại. Ông kể, hồi đó, mỗi dịp Tết đến xuân về, 4 - 5 nhà chung nhau mổ 1 con heo, rồi chia đều để làm bánh chưng, giò thủ ăn Tết. Đêm giao thừa, cả mấy thế hệ trong gia đình cùng nhau quây quần bên bếp lửa hồng, bên nồi bánh chưng thâu đêm đến sáng...
Có lẽ, việc đón Tết bây giờ cũng đơn giản, nhẹ nhàng hơn vì đã có các cửa hàng online. Bánh mứt Tết cũng rất phong phú, không phải “lăn vào bếp” như xưa nữa. Không khí gói bánh tét, bánh chưng lại càng hiếm, chỉ còn tồn tại ở rất ít những gia đình có truyền thống gói bánh lâu đời. Trang hoàng ngày Tết cũng phong phú, nhẹ nhàng hơn nhiều. Ngày xưa kinh tế khó khăn, cả năm đợi đến Tết con trẻ mới được xúng xính quần áo đẹp, nhận lì xì, ăn dưa hấu, thịt kho tàu, canh khổ qua... “Còn ngày nay, với sự phát triển của kinh tế, việc ăn ngon, mặc đẹp, tiệc tùng linh đình không còn lạ với mỗi nhà, mỗi người. Những thực phẩm trước đây được xem là đặc trưng của Tết như thịt kho tàu, dưa hấu, bánh chưng, bánh tét, mứt bây giờ lúc nào cũng có, không đợi gì Tết”, ông Huyền nói.
Với bà Lê, mỗi dịp Tết chỉ mong muốn được quây quần bên gia đình.
Bà Lê cho rằng, xã hội ngày càng phát triển, con người cũng hội nhập, mỗi thế hệ sẽ có những thú vui tiêu khiển khác nhau trong những ngày Tết. Hương vị Tết xưa và nay dẫu có ít nhiều đổi thay, nhưng giá trị văn hóa truyền thống trong ngày Tết dường như không thay đổi, vẫn rực rỡ sắc đào, mai, thắm hồng những phong bao lì xì, bánh mứt, khói hương ấm ban thờ. Bà Lê mong rằng, Tết luôn là dịp đoàn viên, sum họp tình cảm gia đình, ai đi xa cũng phải nhớ về...
Những câu chuyện Tết xưa không chỉ để kể lại cho con cháu, đó cũng như là bài học, là lời răn dạy của thế hệ đi trước đối với thế hệ trẻ ngày nay hãy lưu giữ và phát huy những nét văn hóa, những phong tục đẹp của dân tộc, không vì cuộc sống đủ đầy, phát triển và hội nhập mà đánh mất giá trị thiêng liêng của ngày Tết cổ truyền.