Những biến số nào sẽ làm gia tăng áp lực tỷ giá trong năm 2025?
Năm 2024 ghi nhận nhiều biến động đáng chú ý của cặp tỷ giá VND/USD. Trước thềm bước sang năm mới 2025, giới chuyên gia dự báo áp lực lên tỷ giá VND/USD có khả năng tiếp tục gia tăng do những biến số khó lường đến từ các yếu tố về kinh tế, chính trị quốc tế và chính sách trong nước.
Những biến động mạnh mẽ
Trong báo cáo tổng kết về thị trường tiền tệ năm 2024, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định tỷ giá USD/VND đã trải qua một năm biến động đáng kể, với áp lực mất giá của tiền đồng đặc biệt gia tăng mạnh trong các quý II và IV.
Theo VDSC, diễn biến của tỷ giá USD/VND trong năm nay chịu tác động lớn từ xu hướng của đồng USD trên thị trường quốc tế. Hệ số tương quan giữa chỉ số US Dollar Index (DXY) và tỷ giá USD/VND trong năm 2024 được ghi nhận ở mức 0,67, cao hơn mức 0,63 của năm trước.
Khép lại tuần qua, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố vào ngày 27/12 đạt 24.322 VND/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 23.400 - 25.450 VND/USD (mua vào - bán ra). Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD cũng lên mức 25.238 - 25.538 VND/USD (mua vào - bán ra) tại Vietcombank và 25.218 - 25.538 VND/USD (mua vào - bán ra) tại BIDV.
Dữ liệu từ VDSC cho thấy so với đầu năm, tỷ giá trung tâm đã tăng khoảng 1,9%. Trên thị trường chính thức, tỷ giá tăng khoảng 4,8% lên 25.430 đồng/USD, trong khi trên thị trường tự do, tỷ giá tăng 4,3% lên mức 25.840 đồng/USD.
Theo Bloomberg và nhóm nghiên cứu BIDV, tính đến cuối tháng 11/2024, đồng VND đã mất giá 4,25%. Dù vậy, tỷ giá vẫn giữ được mức tăng dưới ngưỡng 5% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra khi năm 2024 gần khép lại.
Nhìn lại diễn biến từ đầu năm, TS. Vũ Mai Chi, Giảng viên khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng cho biết trong 8 tháng đầu năm, tỷ giá bị ảnh hưởng lớn bởi sự biến động của đồng USD và các yếu tố kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, từ tháng 8, tỷ giá đã dần ổn định, mặc dù tháng 10 có sự tăng nhẹ, nhưng trong những tuần gần đây, tình hình đã trở lại ổn định.
"Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách lãi suất thấp và ổn định để hỗ trợ phục hồi kinh tế trong khi kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, các thách thức vẫn tồn tại, đặc biệt là sự chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng, điều này thúc đẩy nhu cầu ngoại tệ và gây áp lực lên tỷ giá. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu tăng mạnh và nhu cầu chuyển lợi nhuận của các nhà đầu tư nước ngoài về nước cũng tạo thêm sức ép lên thị trường ngoại tệ", TS. Vũ Mai Chi nhận định.
Cùng quan điểm, Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá tỷ giá năm 2024 của cặp VND/USD chịu tác động từ nhiều yếu tố, đặc biệt là chính sách tiền tệ của Mỹ. Trong những tháng đầu năm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ bằng cách giữ lãi suất ở mức cao. Tuy nhiên, gần đây, Fed đã chuyển hướng, giảm lãi suất và chuyển từ chính sách thắt chặt sang nới lỏng tiền tệ, dẫn đến sự biến động giá trị của đồng USD.
Đánh giá về tác động, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng chỉ số US Dollar Index (DXY) dao động trong khoảng từ 101 đến 107 điểm đã ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ giá USD/VND. Khi giá trị đồng USD tăng, đồng nghĩa với việc giá trị của đồng VND bị giảm xuống, làm tỷ giá tăng. Điều này mang lại cả lợi ích và thách thức đến hoạt động xuất nhập khẩu và kiểm soát lạm phát.
Cụ thể, vị chuyên gia phân tích ở chiều xuất khẩu, khi tỷ giá tăng, doanh nghiệp xuất khẩu thu về ngoại tệ, sau khi quy đổi sang tiền đồng, sẽ nhận được nhiều tiền hơn, tạo lợi thế cho hoạt động xuất khẩu. Ngược lại, ở chiều nhập khẩu, tỷ giá tăng làm giá hàng hóa nhập khẩu tính bằng ngoại tệ tăng lên. Điều này không chỉ gia tăng chi phí nhập khẩu mà còn có thể đẩy giá cả hàng hóa trong nước tăng theo, góp phần làm gia tăng lạm phát. Do đó, biến động tỷ giá trong năm 2024 không chỉ tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu mà còn ảnh hưởng đến mức lạm phát chung của nền kinh tế.
Biến số nào cho năm 2025?
Bước sang năm 2025, tỷ giá VND/USD được dự báo sẽ đối mặt với nhiều áp lực. Dẫn báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), TS. Vũ Mai Chi cho biết tăng trưởng toàn cầu dự báo chỉ đạt 2,8%, thấp hơn mức 3% của năm trước, do lạm phát vẫn ở mức cao tại nhiều nền kinh tế lớn và các căng thẳng thương mại, đặc biệt là xung đột Nga - Ukraina và các chính sách bảo hộ. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng tác động đến nền kinh tế toàn cầu là xu hướng giảm lãi suất từ các ngân hàng trung ương lớn, như Fed, nhằm kích thích tăng trưởng khi lạm phát được kiểm soát. Điều này sẽ kéo theo xu hướng giảm lãi suất toàn cầu, ảnh hưởng đến cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, bao gồm cả Việt Nam.
"Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà phục hồi mạnh mẽ trong năm 2025. GDP dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 6,8-7%, nhờ vào các yếu tố hỗ trợ như sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai các chính sách thúc đẩy đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ", bà Chi nói.
Song, TS. Vũ Mai Chi lưu ý Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với các rủi ro từ biến động tỷ giá và sự thay đổi trong chiến lược thương mại của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là các chính sách bảo hộ của Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Chính sách bảo hộ của chính quyền ông Trump có thể làm gia tăng các rào cản thương mại và ảnh hưởng đến xuất khẩu và dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu dự báo rằng trong năm 2025 tỷ giá USD/VND có thể tiếp tục bị tác động mạnh bởi các chính sách kinh tế của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Cụ thể, chính sách giảm thuế cho các đối tượng thu nhập cao của ông Trump dự kiến sẽ làm gia tăng thâm hụt ngân sách của Mỹ, điều này có thể dẫn đến việc Chính phủ Mỹ phải phát hành trái phiếu với lãi suất cao để ổn định tài chính. Hệ quả là lạm phát có thể gia tăng, buộc Fed phải điều chỉnh chính sách tiền tệ, chuyển từ trạng thái nới lỏng sang thắt chặt, tăng lãi suất trở lại. Khi lãi suất tại Mỹ tăng, giá trị của đồng USD sẽ mạnh lên, đồng thời làm giảm giá trị của đồng VND, dẫn đến tỷ giá USD/VND tăng.
"Tỷ giá VND/USD có khả năng tăng mạnh sẽ tác động đáng kể đến chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Nếu tỷ giá tăng cao, áp lực lạm phát tại Việt Nam cũng sẽ gia tăng. Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước có thể cần xoay trục chính sách tiền tệ bao gồm việc tăng lãi suất, cùng với các chính sách khác để giảm áp lực và kiểm soát lạm phát. Sự xoay trục này có thể là một bước đi cần thiết để ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh biến động toàn cầu", TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng UOB dự báo tỷ giá USD/VND có thể đạt mức cao kỷ lục 26.200 vào quý III/2025. Cụ thể, tỷ giá USD/VND được kỳ vọng sẽ ở mức 25.800 trong quý I, tăng lên 26.000 vào quý II, đạt đỉnh 26.200 vào quý III và giảm nhẹ về mức 26.000 vào quý IV/2025.
Ở chiều ngược lại, Ngân hàng Standard Chartered trong báo cáo mới nhất đã đưa ra dự báo rằng đồng USD sẽ suy yếu trong nửa đầu năm 2025 trước khi phục hồi mạnh mẽ vào cuối năm. Standard Chartered cũng cảnh báo rằng từ quý II/2025 trở đi, các chính sách của cựu Tổng thống Donald Trump có thể gây áp lực lớn lên tỷ giá, buộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải nâng lãi suất điều hành.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ ưu tiên tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đồng thời góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Trong đó, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô...