Những bí ẩn chờ giải đáp từ thế giới 'Người chăn rắn'
Các nhà thiên văn đã liên tục tìm thấy những điều kỳ lạ trong chòm sao Xà Phu, từ những miền đất hứa của sự sống cho đến các thế giới đáng sợ.
Chòm sao Xà Phu (Người chăn rắn - Ophiuchus) là một trong 48 chòm sao được nhà bác học Hy Lạp cổ đại Claudius Ptolemaeus gọi tên từ thế kỷ thứ 2. Với khoa học hiện đại, chúng ta đã có thể thấy ngày một rõ hơn thế giới bên trong chòm sao này.
Nhưng đôi khi, điều đó chỉ khiến nó ngày một thêm bí ẩn.
1. "Thế giới song song"?
Một vùng hình thành sao gọi là "Tổ hợp đám mây Ophiuchus" trong chòm sao Xà Phu được các nhà khoa học từ Viện Flatiron (Mỹ) kỳ vọng là chứa "thế giới song song" của hệ Mặt Trời, vốn còn ở giai đoạn sơ khai.
Khu vực này chứa nhiều lõi tiền sao dày đặc ở nhiều giai đoạn hình thành sao và phát triển đĩa tiền hành tinh, đại diện cho các giai đoạn sớm nhất trong quá trình hình thành hệ hành tinh.
Tại đó, nhóm nghiên cứu đã xác định được đồng vị nhôm-26, được xây dựng bên trong các vì sao và có tuổi thọ tương đối ngắn, chỉ có 100.000 năm.
Nhôm-26 trong các cấu trúc giàu canxi - nhôm được gọi là CAI, có kích thước dưới milimet, cung cấp một nguồn nhiệt đáng kể trong quá trình hình thành hành tinh.
CAI được giải phóng khi các ngôi sao chết đi, phát nổ thành siêu tân tinh. Và đó có thể cũng là cách Trái Đất được "gieo hạt" trong hệ Mặt Trời hàng tỉ năm trước.
2. Nơi sự sống từng ra đời hoặc đang hình thành
Hành tinh Gliese 1214b quay quanh một ngôi sao lùn đỏ trong chòm Xà Phu, có đường kính gấp 2,9 lần Trái Đất và nặng gấp 8 lần, được các nhà khoa học từ Đại học bang Maryland (Mỹ) xác định là có bầu khí quyển giàu nước.
Hiện tại, nó có nhiệt độ ban ngày là 279 độ C, ban đêm là 165 độ C, quá nóng so với chúng ta, nhưng vẫn mát hơn nhiều so với Sao Kim - nơi được cho là có thể vẫn có sự sống.
Ngoài ra, các tác giả cũng cho rằng hành tinh này có thể từng là "thế giới nước" trước đây, nơi các đại dương còn nhiều nước hơn cả Trái Đất, với khả năng tồn tại sự sống cổ đại, mặc dù đã tuyệt chủng.
Trong khi đó, một nhóm khác từ Đại học Queen Mary (Anh) xác định được một tiền sao mang tên IRAS16293-2422 B, cách chúng ta 450 năm ánh sáng trong chòm Xà Phu.
Quan trọng nhất, nó ra đời trong vùng hình thành sao có chứa phân tử glycolonitrile, một loại "khối xây dựng sự sống" sơ khai giống thứ đã khởi nguồn cho sự sống trên hành tinh chúng ta.
Phân tử này có công thức hóa học là HOCH2CN, tức chứa các nguyên tử carbon, oxy, hydro, nitơ. Nó được cho là tiền thân của sự hình thành adenine, thành phần cơ bản trong cả DNA và RNA.
Vì vậy, có thể có một "Trái Đất song song" đang ra đời ở đó.
3. Kho tàng sao lùn nâu
Sao lùn nâu là dạng vật thể bí ẩn nằm giữa trạng thái sao và hành tinh.
Chúng quá to so với giới hạn của một hành tinh nhưng quá nhỏ so với các ngôi sao, nên không duy trì được phản ứng nhiệt hạch phù hợp để có thể được coi là một ngôi sao.
Chúng dường như "sinh ra từ hư không", tức hình thành trực tiếp từ các đám mây phân tử đang chứa đựng chúng như các vì sao, chứ không từ đĩa tiền hành tinh của một ngôi sao.
Vì vậy, đôi khí chúng được gọi là "ngôi sao thất bại" hay "hành tinh từ hư không".
Trong khi các nhà thiên văn vất vả tìm kiếm chúng ở vùng không gian quanh chúng ta, thì tại chòm sao Xà Phu, trong một vùng hình thành sao khác, có từ 70-170 "hành tinh từ hư không đang tồn tại".
Điều này cho thấy dải Ngân Hà của chúng ta có thể có nhiều sao lùn nâu hơn chúng ta nghĩ. Và để tìm hiểu rõ hơn về loại vật thể bí ẩn này cũng như các thế giới lạ lùng đã kể bên trên, các nhà thiên văn sẽ phải chờ các phương tiện quan sát tối tân hơn.