Tảng băng lớn nhất thế giới xê dịch gây lo ngại
Tảng băng trôi ước tính nặng 1.000 tỷ tấn được cho là dịch chuyển đến gần đảo Nam Georgia. Các nhà khoa học cảnh báo nếu tảng băng va chạm hoặc mắc kẹt quanh đảo có thể làm gián đoạn nghiêm trọng việc săn mồi và nuôi con của chim cánh cụt, hải cẩu địa phương.
Ngày 24/1, CNN dẫn lời Andrew Meijers, một nhà hải dương học vật lý tại Cơ sở Khảo sát Nam Cực của Anh (BAS), tảng băng trôi, được gọi là A23a, đã dịch chuyển trở lại, hướng về phía Nam Georgia (lãnh thổ hải ngoại của Anh ở nam Đại Tây Dương) sau nhiều tháng "mắc kẹt" tại một ngọn núi ngầm.
"Tảng băng nhìn bề ngoài có vẻ đang đứng yên nhưng theo sự hiểu biết của chúng tôi về hải lưu, A23a sẽ sớm di chuyển về phía hòn đảo", Meijers nói.
Simon Wallace, thuyền trưởng của tàu Pharos thuộc Nam Georgia, nói với CNN rằng A23a vẫn nguyên vẹn. Ông có thể nhìn thấy và theo dõi tảng băng một cách dễ dàng. Tuy nhiên, Wallace không khỏi lo lắng khi nghĩ về mối nguy hiểm tiềm ẩn khi khối băng nặng 1.000 tỷ tấn có thể vỡ ra và tạo ra hàng nghìn tấn tảng băng trôi nhỏ hơn.
"Trong trường hợp chúng va chạm và vỡ tại khu vực đất liền Nam Georgia, A23a có thể càn quét đảo, đe dọa đến chim cánh cụt địa phương", Wallace trả lời với CNN qua email.
Theo đó, nếu A23a mắc kẹt gần đảo, tảng băng này có thể cản trở đường săn mồi của chim cánh cụt và hải cẩu, buộc chúng phải đi xa hơn, tiêu tốn nhiều năng lượng. Điều này làm giảm lượng thức ăn cho con non, dẫn đến tỉ lệ tử vong cao hơn, đặc biệt trong giai đoạn quan trọng khi các loài này đang tích cực săn mồi để nuôi con trong mùa Hè Nam Cực.
Thêm vào đó, dịch cúm gia cầm hiện đang hoành hành tại đảo đã làm giảm mạnh số lượng chim cánh cụt. Nếu A23a xuất hiện, tác động kép này có thể khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
Tuy mang lại nhiều rủi ro, nhưng tảng băng A23a cũng có thể đóng góp tích cực khi tan chảy. A23a giải phóng các chất dinh dưỡng vào nước biển, kích thích sự phát triển của tảo biển – nguồn thức ăn quan trọng cho cá voi và nhiều loài khác. Hiện tượng này cũng tạo cơ hội để các nhà khoa học nghiên cứu cách tảo biển hấp thụ CO2, góp phần làm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Hiện, A23a vẫn là tảng băng trôi lớn nhất thế giới, theo các phép đo được cập nhật bởi Trung tâm Băng quốc gia Mỹ vào đầu tháng 1. Trải dài trên diện tích 3.672 km vuông (đo vào tháng 8/2024), tảng băng trôi nhỏ hơn một chút so với đảo Rhode (Mỹ) và lớn gấp đôi London (Anh).
A23a đã được các nhà khoa học theo dõi cẩn thận kể từ khi nó tách ra khỏi Filchner-Ronne (một thềm băng ở Nam Cực giáp biển Weddell) vào năm 1986 và đứng vững tại vùng biển này trong hơn 30 năm.
Sau đó, tảng băng trôi bị các dòng hải lưu cuốn đi trước khi bị mắc kẹt một lần nữa trong cột Taylor - một vòng xoáy nước do dòng hải lưu va vào một ngọn núi ngầm.
Tháng 12/2024, tảng băng trôi vỡ ra. Ban đầu, các nhà khoa học dự đoán A23a sẽ tiếp tục trôi dạt dọc theo các dòng hải lưu và hướng tới vùng nước ấm hơn.
Vào thời điểm đó, Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh cho biết tảng băng trôi có thể sẽ vỡ ra và cuối cùng tan chảy khi nó đến hòn đảo xa xôi Nam Georgia.
Trước đó, tảng băng này cũng từng gây xáo trộn hòn đảo trên vào năm 2004. A23a chặn đứng đường kiếm ăn của chim cánh cụt và hải cẩu địa phương. Một số con đã tử vong vì đói.
Minh Hoa (t/h theo báo Tin tức, Znews)