Những bệnh thường gặp trong thời điểm giao mùa Xuân - Hè

Thời tiết chuyển mùa tạo điều kiện để các loại vi khuẩn, virus, sinh vật trung gian truyền bệnh phát triển, dễ lây lan, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Sởi có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Ảnh minh họa.

Sởi có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Ảnh minh họa.

BSCKII. Phạm Ngọc Mười - Trưởng khoa các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh cho biết, các bệnh truyền nhiễm như sởi, cúm, RSV, Rota, viêm phổi, viêm màng não, ho gà… đang diễn biến phức tạp.

Các bác sĩ đã liệt kê một số bệnh thường gặp trong thời điểm giao mùa:

Bệnh sởi

Sởi không đơn thuần là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thông thường. Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não, suy dinh dưỡng nặng và thậm chí tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ.

Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra, trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Theo bác sĩ Mười, nắng nóng kết hợp mưa là điều kiện thích hợp cho muỗi vằn sinh sản nhiều hơn, trứng thuận lợi nở ra lăng quăng.

Muỗi chích người bệnh sau đó chích người lành, tạo điều kiện cho virus Dengue xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh với triệu chứng sốt cao, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, buồn nôn và nôn, phát ban...

Ở giai đoạn hạ sốt từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, người bệnh có thể trở nặng, gặp các biến chứng như giảm tiểu cầu, cô đặc máu, sốc mất máu, tràn dịch màng phổi, xuất huyết não, suy gan, suy thận, suy đa tạng...

Thủy đậu

Thủy đậu do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra, dễ lây qua đường hô hấp khi hít phải các giọt bắn từ người bệnh hoặc tiếp xúc với các bóng nước bị vỡ, các vật dụng chứa virus.

Tại Việt Nam, cao điểm thủy đậu thường vào từ tháng 3 đến tháng 5. Lý do là giai đoạn này mưa nắng thất thường, độ ẩm tăng cao. Đây là điều kiện lý tưởng cho virus thủy đậu lây lan, bùng phát mạnh trong cộng đồng.

Viêm não Nhật Bản

Ổ chứa virus viêm não Nhật Bản là các loài chim hoang dã, heo, bò, ngựa... truyền bệnh cho người thông qua vết muỗi đốt. Ở Việt Nam, muỗi Culex sinh sản mạnh vào mùa hè, vì vậy, cao điểm bệnh rơi vào tháng 5 - 8.

Bệnh diễn tiến nhanh chóng, tỷ lệ tử vong lên đến 30%. Di chứng thần kinh hoặc tâm thần vĩnh viễn có thể xảy ra ở 30 - 50% người bệnh như liệt, rối loạn ngôn ngữ, động kinh, suy giảm trí nhớ...

Tay chân miệng

Tháng 4 - 6 được xem là đỉnh dịch bệnh tay chân miệng do virus Enterovirus 71 (EV71) gây ra các triệu chứng sốt, nổi hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối... Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi.

Bác sĩ lưu ý, trẻ bị tay chân miệng có thể gặp các biến chứng như phù phổi cấp, viêm cơ tim, viêm não và có thể dẫn tới tử vong.

Do nắng nóng, các biểu hiện của bệnh dễ khiến phụ huynh nhầm lẫn con bị rôm sảy, bị nhiệt, hăm tã, mọc răng... khiến bệnh trở nặng, trẻ nhập viện muộn, việc điều trị trở nên khó khăn.

Ngộ độc thực phẩm

 Thời tiết nắng nóng dễ khiến thực phẩm ôi thiu. Ảnh minh họa.

Thời tiết nắng nóng dễ khiến thực phẩm ôi thiu. Ảnh minh họa.

Thời tiết nắng nóng dễ khiến thực phẩm ôi thiu, nhiễm các loại virus, vi khuẩn như salmonella, escherichia coli, campylobacter, shigella (lỵ trực trùng), listeria, tả, rotavirus, viêm gan A...

Người ăn phải các thực phẩm này dễ có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm, với triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn ói. Nếu không bù nước kịp thời, người bệnh mất nước, giảm huyết áp, tụt huyết áp, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhung-benh-thuong-gap-trong-thoi-diem-giao-mua-xuan-he-post728547.html
Zalo