Nhốn nháo các điểm cập tàu du lịch trên vịnh Hạ Long

Va chạm giữa các tàu du lịch thường xuyên xảy ra tại các điểm đón, trả khách tham quan trên vịnh Hạ Long, Quảng Ninh, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho du khách và tài sản của doanh nghiệp.

Tàu khó ra vào, du khách sốt ruột

Những ngày đầu năm mới 2025, vịnh Hạ Long ghi nhận lượng khách tham quan khá khiêm tốn.

Theo số liệu của Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ninh, trong ngày 1/1, Cảng vụ cấp phép rời cảng bến cho 366 lượt phương tiện vận chuyển khách đi tham quan và lưu trú trên vịnh Hạ Long, với tổng số 9.484 khách. Trong khi lượng khách ngày 31/12/2024 là 9.912 khách.

Tàu chen chúc nhau vào các điểm đón, trả khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long.

Tàu chen chúc nhau vào các điểm đón, trả khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long.

Qua ghi nhận, tuy không đón lượng khách lớn, số tàu hoạt động chỉ bằng 2/3 lượng tàu du lịch hiện hữu trên vịnh Hạ Long, nhưng một số cảng bến tại nhiều điểm đón, trả khách tham quan vẫn rơi vào cảnh lộn xộn như ngày cao điểm.

Theo quan sát, bến cập tàu đảo Titop có chiều rộng chưa đầy 100m, chỉ đủ chỗ đậu cho khoảng 10 tàu cập bến cùng lúc. Do vậy, cơ quan chức năng quy định mỗi tàu chỉ được cập bến trong 5 phút. Sau khi trả khách lên đảo, tài công phải điều khiển tàu di chuyển ra ngoài, buộc dây vào phao nổi để chờ đến giờ quay trở lại đón khách.

Do tàu khó vào, du khách thường xuyên phải xếp hàng và mất nhiều thời gian mới được rời bến.

Do tàu khó vào, du khách thường xuyên phải xếp hàng và mất nhiều thời gian mới được rời bến.

Sau cú va chạm khá mạnh với chiếc tàu bên cạnh, chiếc tàu chở chúng tôi và đoàn khách quốc tế mới có thể tiếp cận bến, để khách lên đảo Titop tham quan.

Anh Q, một thuyền trưởng tàu du lịch (xin được giấu tên), cho biết: "Những vụ va chạm như vậy xảy ra thường xuyên, tài công có khéo léo đến mấy cũng không thể tránh khỏi đâm va khi cho tàu tiếp cận các điểm đón, trả khách ở vịnh Hạ Long".

Theo anh Q, các vụ va chạm nhẹ thì xước xát, nặng móp méo thân vỏ, hoặc vỡ cửa kính, đổ vỡ đồ đạc trên tàu… Hầu hết sau những vụ va chạm như vậy, nhà tàu tự chịu chi phí sửa chữa, tổn thất.

"Theo quy định, tàu chỉ được dừng đỗ ở bến trong vòng 5 phút, sau đó di chuyển ra phao nổi. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng còn vị trí để neo tàu vào phao nổi.

Chúng tôi thường xuyên phải nổ máy, di chuyển xung quanh vị trí đón, trả khách để chờ đến giờ khách lên tàu. Việc này gây lãng phí nhiên liệu, công sức của đoàn thủy thủ", anh Q nói.

Tại vị trí đón khách ở điểm tham quan Hang Luồn, cảnh chật chội, chen chúc cũng diễn ra tại thời điểm PV có mặt, dù số lượng tàu cập bến khá ít. Nhiều du khách tỏ ra sốt ruột vì phải đợi lâu trên tàu, trong khi thuyền trưởng phải loay hoay hàng chục phút để tiếp cận bến.

Khác với Titop, bến cập tàu tại điểm tham quan Hang Luồn không được xây cố định, chỉ là những chiếc pông tông được nối với nhau làm chỗ cho tàu cập bến và khách đi bộ xuống thuyền hoặc kayak.

"Chúng tôi mua vé tham quan vịnh Hạ Long theo lịch trình 6 tiếng, với việc di chuyển bị ách tắc như thế này thì đã mất 1 tiếng để đón, trả khách rồi, thực tế chúng tôi chỉ còn lại 5 tiếng tham quan", anh T, một khách du lịch đến từ Hà Nội cho hay.

Tương tự, tại điểm đón, trả khách ở hang Sửng Sốt, theo phản ánh của nhiều chủ tàu, thuyền trưởng và thủy thủ, các bến cập tàu quá nhỏ hẹp, thường xuyên xảy ra va chạm.

Cần điều tiết phương tiện hợp lý vào giờ cao điểm

Đại diện Chi hội Tàu du lịch Hạ Long cho hay, đơn vị đã có ý kiến từ nhiều năm trước, tuy nhiên việc xây dựng mở rộng các điểm đón, trả khách trên vịnh Hạ Long không được UNESCO đồng ý, vì việc xây dựng sẽ ảnh hưởng đến địa chất, cảnh quan trong quá trình bảo tồn vùng lõi di sản.

Tình trạng các tàu đâm va nhau khi cập bến đón, trả khách diễn ra thường xuyên trên vịnh Hạ Long.

Tình trạng các tàu đâm va nhau khi cập bến đón, trả khách diễn ra thường xuyên trên vịnh Hạ Long.

Từ thực tế này, vị đại diện cho rằng, các chủ tàu cần chia sẻ với ngành chức năng trong bối cảnh hạ tầng còn bất cập như hiện nay.

"Tất cả các tàu đều gắn định vị GPS, các thuyền trưởng đều biết khu vực nào đang quá tải, khu vực nào còn trống. Do vậy thuyền trưởng phải quan sát, tự lựa chọn điểm đến làm sao cho an toàn, thuận tiện, tránh việc ùn tắc", vị đại diện nói.

Trong khi đó, nhiều thuyền trưởng kiến nghị, trước mắt cần bố trí nhiều phao bám buộc khi tàu chờ đón khách; mọi phương tiện nghe tiếng loa của ban quản lý mới được vào đón khách. Ban Quản lý vịnh Hạ Long cần tư vấn và phối hợp với người hướng dẫn, trưởng đoàn, khi gom đủ khách vào vị trí mới gọi tàu vào...

Theo kiến nghị của nhiều thuyền trưởng, cơ quan chức năng cần lắp thêm các phao để neo đậu trong khi chờ đón, trả khách.

Theo kiến nghị của nhiều thuyền trưởng, cơ quan chức năng cần lắp thêm các phao để neo đậu trong khi chờ đón, trả khách.

Trao đổi với PV Báo Giao thông về vấn đề trên, ông Bùi Hồng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh cho biết, thông tin về vấn đề này sở đã nhận được từ lâu. Tuy nhiên, mặt nước ở khu vực điểm đến chỉ có hạn, không thể mở rộng được do quy định của UNESCO, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch...

"Cách làm hiệu quả để tránh tình trạng quá tải là đơn vị chuyên trách cần phải điều tiết lượng tàu đến từng điểm vào mỗi khung giờ.

Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng sẽ nghiên cứu thêm các giải pháp đảm bảo an toàn hơn cho phương tiện của doanh nghiệp và du khách", ông Minh cho hay.

Quang Minh

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/nhon-nhao-cac-diem-cap-tau-du-lich-tren-vinh-ha-long-192250109104226656.htm
Zalo