Nhồi máu cơ tim ở người trẻ do tập thể thao cường độ cao

Nhiều người nghĩ mình còn trẻ khỏe nên chủ quan khi luyện tập thể thao với cường độ cao liên tục dẫn đến quá sức, đột ngột bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thậm chí tử vong.

Bệnh nhân mới nhất vừa phải nhập viện là nam thanh niên 32 tuổi ở Hà Nội bị nhồi máu cơ tim khi đang tập thể hình. Theo BS Đàm Hải Sơn, Khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E, nam thanh niên có tiền sử khỏe mạnh, là huấn luyện viên thể hình, thường xuyên tập luyện với cường độ cao.

Hôm xảy ra sự việc, nam thanh niên đã kết thúc quá trình tập luyện tại phòng tập, ngay sau đó cảm thấy khó thở, tình trạng khó thở tăng dần, rồi chuyển sang tức ngực và đau thắt ngực, đau theo cơn kéo dài từ 10 -15 phút.

Các bác sĩ chúc mừng nam thanh niên 19 tuổi vượt qua "cửa tử" sau 1 tháng điều trị tại Bệnh viện 19-8.

Nam thanh niên được đưa đến cấp cứu tại Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E và được chẩn đoán nhồi máu cơ tim, có chỉ định can thiệp cấp cứu ngay lập tức.

May mắn, nam bệnh nhân đã thoát "cửa tử" sau khi được can thiệp lấy huyết khối và đặt stent tái thông động mạch khẩn cấp.

Trước đó, vào tháng 10/2024, nam thanh niên 19 tuổi (Hà Nội) đang tập gym đột ngột mất ý thức, ngã đập mặt vào vật cứng rồi bất tỉnh, được chủ phòng tập ép tim và gọi cấp cứu 115 đưa vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an).

Trên đường đi, nhân viên y tế 115 xác định nam thanh niên đã ngừng tuần hoàn nên tiếp tục ép tim ngoài lồng ngực và bóp bóng oxy mask. Được biết, bệnh nhân đã từng rơi vào tình trạng tương tự cách đây 7 năm.

Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện 19-8, nam thanh niên hôn mê sâu, tím tái, không bắt được mạch, các bác sĩ tiếp tục cấp cứu ngừng tuần hoàn nâng cao, ép tim, đặt nội khí quản bóp bóng oxy, sốc điện khử rung nhiều lần.

Sau khi có mạch trở lại, huyết áp tụt sâu, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Điều trị tích cực và Chống độc để điều trị.

Do bệnh tình của bệnh nhân hết sức nguy kịch, các bác sĩ đã triển khai kỹ thuật ECMO -VA (tuần hoàn ngoài cơ thể hỗ trợ tim). Sau 6 ngày, các chức năng tim của nam thanh niên hồi phục, cai được ECMO. Tuy nhiên, tổn thương phổi lại diễn biến theo chiều hướng xấu, dẫn đến hội chứng suy hô hấp cấp tính với phim chụp phổi mờ toàn bộ 2 phế trường. Các bác sĩ lại triển khai ECMO-VV (tuần hoàn ngoài cơ thể hỗ trợ phổi) với những nỗ lực cao nhất để cứu sống tính mạng người bệnh trẻ tuổi.

Rất may mắn, sau gần 1 tháng điều trị hồi sức tích cực, nam bệnh nhân đã bình phục thần kỳ.

Nhồi máu cơ tim là bệnh lý có tỷ lệ tử vong cao, nếu không được cấp cứu kịp thời, tỷ lệ tử vong từ 90 – 95%. Nhồi máu cơ tim là một trong những bệnh lý tim mạch nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh.

"Bệnh thường gặp ở các đối tượng người lớn tuổi, có nhiều bệnh lý nền, tuy nhiên ngày càng gia tăng ở những người trẻ, cho thấy tất cả các lứa tuổi đều có thể gặp các biến chứng nguy hiểm của tim mạch", BS BS Đàm Hải Sơn cho biết.

Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo, người dân khi thấy các dấu hiệu như đau tức ngực, khó thở, chóng mặt, buồn nôn… cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và có biện pháp can thiệp kịp thời nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng cho người bệnh.

Tập luyện thể dục thể thao quá sức có thể khiến cơ thể đối mặt với rủi ro.

Tập luyện thể dục thể thao quá sức có thể khiến cơ thể đối mặt với rủi ro.

BS Sơn cũng cảnh báo, tập luyện thể dục thể thao rất có lợi cho sức khỏe, nhưng tập luyện quá sức có thể khiến cơ thể đối mặt với những nguy cơ nguy hiểm. Chính vì vậy, những người thường xuyên luyện tập, nhất là các hoạt động thể lực gắng sức cần thường xuyên thăm khám nhằm tầm soát các nguy cơ về tim mạch.

Như trường hợp nam thanh niên 32 tuổi, nếu có ý định luyện tập trở lại cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và cần tránh những bài tập cường độ cao, gắng sức, có lối sống lành mạnh nhằm phòng ngừa tái phát nhồi máu cơ tim cấp.

Đặc biệt, với người có tiền sử từng bị nhồi máu cơ tim thì phải hết sức chú ý thăm khám định kỳ, nghe theo khuyến cáo, chỉ định của thầy thuốc khi chơi thể thao lại.

Bởi đối với những người này hoàn toàn có thể tái phát với một số biến chứng nguy hiểm như: Đau tim, rối loạn nhịp, suy tim cấp, thuyên tắc mạch phổi, đột quỵ, hở van tim cấp, đột tử…

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/nhoi-mau-co-tim-o-nguoi-tre-do-tap-the-thao-cuong-do-cao-i750963/
Zalo