Nắng trung du
Nhiều người bảo, thời đại này bận tối mặt quanh năm đâu ai còn có thời gian ngắm mưa nhìn nắng. Chị thì nghĩ khác, mưa nắng luôn là một phần đời sống của mình. Chúng gọi tên một vùng đất nằm sâu trong tâm tưởng của bất kỳ ai, đó là quê hương.
Cả vùng trung du này, ngàn đời nay, mưa xuân dai dẳng như cơn hờn dỗi của thiếu nữ, nhưng dứt mưa là nắng lên. Nắng trong suốt như muôn ngàn búp ngọc thắp sáng những ngọn đồi xám, những thung lũng buồn tẻ, trải dài trên các con dốc quanh co và thong thả buông mình trên cánh đồng lúa non. Nắng làm mới mọi thứ. Tất cả cảnh vật và con người của mùa đông ảm đạm, rét mướt đều hoàn toàn đổi khác, tươi tắn rạng ngời. Chị cũng đã là một người khác với hôm qua. Chị đợi chuyến xe đầu tiên qua làng để đi thăm một người già đặc biệt. Ông lão Đức nguyên làm cán bộ kháng chiến, bạn cùa ông nội chị, sống mãi trên Phú Thọ.
Chuyến xe ghép chỉ có khoảng chục người. Mọi người xì xào nói đủ thứ chuyện một hồi thì im lặng. Chị ngắm nhìn những cảnh vật vùn vụt trôi qua cửa kính. Nhìn đồng hồ, đã 8 tiếng trôi qua từ lúc chị điện cho Bắc. Rất có thể bệnh nhân ấy đã ổn rồi. Vừa hay Bắc nhắn tin: "Chị Thảo ơi, bệnh nhân X đã qua cơn nguy kịch chị nhé, cảm ơn chị". Bắc làm bác sĩ trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đồng thời làm tổ trưởng tổ công tác xã hội của khoa cấp cứu. Thảo làm chủ nhiệm "Câu lạc bộ mặt trời" gồm những thành viên hiến máu tình nguyện. Đêm qua, Thảo đã say ngủ thì điện thoại nhận tin nhắn của Bắc. Nhìn màn hình 0 giờ 20 phút. "Bệnh nhân nam tên Y cần gấp nhóm máu 0 (Rh +), ai có thể hiến máu thì hãy đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cứu giúp nạn nhân”.
Chị bật dậy, thực hiện gọi video nhóm trong câu lạc bộ. Bản thân chị vừa hiến máu lần thứ 50 vào tuần trước nên không thể giúp được lần này. Chị bàn bạc với nhóm và kêu gọi các thành viên. Đã có người nhận hiến, một bạn làm công tác Đoàn trong thành phố. Thảo gọi cho bác sĩ Bắc dặn đón tình nguyện viên, thấp thỏm chờ báo lại. "Ổn nhé" - nhìn thấy tin trong nhóm câu lạc bộ chị mới ngủ tiếp.
Rõ ràng vào lúc này, chị vẫn nhớ mình đã mơ bay qua cánh đồng hoa cải vàng rực của làng. Rất kỳ lạ, hình như mỗi lần giúp được ai một việc gì đó chị đều mơ thấy mình bay. Lúc qua ao hồ sông suối, lúc qua rừng cây, cánh đồng. 50 cái giấy chứng nhận hiến máu cứu người xếp trong tủ. Chị vẫn hay đùa đó là tài sản quý giá, là "sổ đỏ" cho con cháu. Hàng xóm nhà chị có lần bàn tán "bà Thảo bị hấp" khi mỗi ngày đi làm về chị lại mang theo một ôm hoa dại đã hái ven đường.
Đủ loại hoa cỏ ôm đồm được cắm chật cả phòng khách. Ngày nghỉ, người ta còn thấy chị mặc cái váy đỏ chói nằm trên bãi cỏ trong công viên sưởi nắng với mấy cụ già rồi chụp ảnh "tự sướng". Tuổi 40 mà như vậy thì quả cũng khác lạ trong mắt mọi người. Người lạ thấy chị đồng bóng, người quen chỉ mỉm cười. Nhưng không ai biết, đó là những lúc chị đi hỏi chuyện, thăm dò dư luận, nghe ngóng những ngấm ngầm bất ổn trong đời sống ở phường chị công tác.
Đàn ông làm bí thư đảng ủy đã vất vả, huống chi đàn bà vốn đã bận mọn bao việc gia đình. Thế mà chị Thảo làm tốt, đi từ mờ đất, tối muộn mới về. Có hôm chị còn chở về nhà đầy một xe quần áo cũ vừa xin được để mang đi từ thiện. Ông chồng chị lại lặng lẽ đi thu xếp gọn gàng giúp chị. Nhưng thật lạ, chưa ai thấy chị buồn bã bao giờ, nụ cười luôn thường trực trên khuôn mặt. Chị sẵn sàng theo xe ô tô đi tặng chăn ấm, sách vở cho trẻ em mãi tận vùng cao Hà Giang cùng nhóm thiện nguyện.
Chưa thấy người đã thấy tiếng, chị nói suốt ngày. Tối nào khi xong việc chị cũng sang nhà bố mẹ nói chuyện một hồi mới về ngủ. Bố mẹ chị là công nhân nhà máy xi măng về hưu. Dạo trước ông bà nghèo nhất phố. Ông nội ở cùng bố mẹ, đã mất khi Thảo vào đại học. Ông vốn là cán bộ kháng chiến, yêu thương và chiều Thảo nhất. Ông thường chở Thảo trên xe đạp đi vòng vèo khắp những con đường ven thành phố, chỉ cho Thảo biết tên các loài cây, tên những con dốc đổ ra bến sông.
Trước khi mất, ông có đưa cho bố mẹ Thảo một mảnh giấy ghi địa chỉ bạn mình trên Phú Thọ, dặn khi nào Thảo có việc làm ổn định thì nhớ lên thăm ông Đức. Đã 15 năm từ ngày Thảo ra trường. Chị lên thăm cụ Đức được 3 lần. Hai ông cháu hợp nhau, nói đủ thứ chuyện. Năm nay cụ đã 90 rồi chẳng biết mệnh trời còn là bao. Chị cảm giác có thể đây là lần cuối cùng được gặp ông.
Kỳ thực, chị như có hai ông nội vậy, đều ân cần và bao dung. Cuộc sống có quá nhiều thứ phải chống chọi, lo lắng, rồi sinh nở hai đứa con, Thảo không thể lên thăm ông cụ nhiều được. Năm ngoái, lúc thăm ông, biết chị làm công tác Đảng, ông đã dặn, cháu phải thận trọng, đã nói ra thì phải thực hiện. Có những việc phải nói tiếng nói của lương tâm mình, nhất định không nói lời của người khác, không nên ham những thứ không phải của mình.
Kỳ thực có những việc chị đã phải đấu tranh nội tâm dữ dội. Hoặc đã phải chịu đám đông chỉ trích. Mãi rồi quen, chị không cho là mình có uy quyền gì. Gia cảnh nào quá khó khăn, chị tự đến giúp đỡ bằng chút tiền của mình. Các cháu mồ côi cha mẹ được chị giúp sách vở quần áo và chút tiền mỗi khi vào năm học mới. Ở phường bà con gọi chị là "bà Thảo từ thiện". Có người nói chị là con nuôi của bố mẹ chị chứ mẹ chị không đẻ được.
Hồi bé chị đã hỏi bố mẹ nhiều lần, nhưng ai cũng ôm chị khóc và chối không phải thế, chính mẹ đã sinh ra chị. Chính ông nội đã đặt tên cho chị. Cô dì chú bác ai cũng bảo, "con nuôi đâu mà con nuôi, vớ vẩn, lúc mới đẻ ra mày bé tí khóc suốt ngày". Chị thấy hạnh phúc khi được cả gia đình chăm chút, yêu thương. Ông nội luôn khao khát chị học đại học. Trong 4 đứa cháu nội chỉ chị là con gái. Nhà chú có tận 3 em trai. Thảo yên bình lớn lên, cho đến chiều mưa ấy, bà lão bán muối dạo trú mưa ở mái hiên nhà mình nói với Thảo rằng "mày bị bỏ rơi trong nhà thương, bố mẹ mày mang về đấy".
Bà ấy ác quá, bóp vào tim Thảo một cái chết điếng. Thảo nằm khóc một ngày, mẹ ôm dỗ mãi mới nín. Sau đấy Thảo cũng nghĩ, bố mẹ đã nuôi mình từ lọt lòng thì khác gì đã đẻ ra mình. Từ đó Thảo cũng xóa luôn khái niệm con nuôi khỏi đời mình. Khi đã có việc làm, lập gia đình riêng, Thảo luôn dành tình thương và chút vật chất cho trẻ em có hoàn cảnh không may xung quanh mình. Chính Thảo đã được sống như hôm nay là nhờ ân tình của cuộc đời.
- Cháu đi chuyến sớm à mà lên ông sớm thế? Hôm nay tròn 65 năm ngày ông vào Đảng đấy. Hồi ấy, ông và ông nội cháu được kết nạp trong rừng, ở cái lán có 5 người thôi. Chiến tranh mà. Ông vừa mới tuyên thệ dưới cờ Tổ quốc, vậy mà nghĩ lại đã thấy xa xôi quá, bây giờ các cháu sống thời đại mới rồi.
- Vâng, cháu đi chuyến sớm nhất, chiều cháu xin phép ông về chứ không nghỉ lại được ạ. Hồi mới vào Đảng thì ông và ông nội cháu trẻ và đẹp trai lắm đấy ông nhỉ?
- Ừ, đẹp trai lắm, các cô gái mê tít, thế mà rồi về quê vớ được hai bà nông dân canh giữ mình suốt đời, mất tự do.
Ông Đức cười lớn rồi bảo: Cháu lên là quý rồi, ông biết, làm công tác như cháu bận lắm. Bà lão mang đĩa lạc rang mời Thảo.
Ông cụ già yếu hơn nhiều so với năm trước nhưng vẫn rất minh mẫn, nói chuyện dí dỏm. Cụ bà đưa cho Thảo cái vòng trầm và dặn: Đeo vào tay cho kị gió, lúc nào niệm Phật thì con đếm hạt giữ tâm yên. Trong sân, các con cháu tụ hội làm cơm đãi khách. Thảo bỏ nào mật ong, vải thiều sấy, mì Chũ, bánh đa Kế từ cái bịch rõ to ra làm quà.
- Cháu biếu ông bà ít quà quê của Bắc Giang ạ.
- Quý hóa quá, ông cảm ơn cháu Thảo nhé. Lát nữa ông đưa cháu xem bản thảo cuốn hồi ký của ông, sửa sang rồi in giúp ông. Viết làm kỷ niệm. Con cháu sau này đọc còn biết các cụ, các ông nó đã sống thế nào. Ông nội cháu là bạn tri kỉ hiếm có của ông, ông ấy mất nên buồn nhiều. Cháu được như hôm nay, ông ấy tự hào lắm đấy.
- Vâng ạ!
Thảo rưng rưng giúp ông thu dọn, sắp xếp giấy tờ trong thư phòng. Cơ man là sách. Nhiều sách nước ngoài vì các cháu của ông có mấy người đi du học. Trên sợi dây vắt ngang qua đầu trên tường sát bàn viết có treo những tệp giấy đã hoen ố, nào là địa chỉ đồng đội còn sống, nào là tem phiếu ngày xưa, nào là hóa đơn, những ghi chú về tìm mộ liệt sĩ, vé xe của những chuyến đi vào chiến trường xưa.
Bỗng một xấp giấy rơi ra trước mặt Thảo. Giấy chuyển tiền qua bưu điện. Thảo cầm lên và run rẩy. Chỗ người nhận ghi “Trần Thị Thảo, lớp ...., trường...”. Chao ôi, nhà từ thiện trao học bổng mỗi kỳ thông qua giáo viên chủ nhiệm suốt 4 năm Thảo học đại học hóa ra là ông sao? Thảo òa khóc rồi ôm chầm lấy ông cụ. Cụ bà chạy vào, lúng túng nhặt tệp giấy rồi bảo: Có gì đâu, chuyện đã qua lâu rồi, cháu được như bây giờ bọn ta mừng quá rồi.
Hai ông cháu ra vườn, đứng nhìn về phía đồi cọ xa xa. Thảo nhận thấy nắng ở đây cũng giống quê nhà. Nắng trung du khác biệt. Nắng được lọc qua tán cây lấp lánh và tinh khiết. “Không khóc nữa, việc vui mà, hồi ấy ông chỉ đỡ cho ông nội cháu tí chút, ông nội cháu đã cứu ông một mạng ở chiến trường đấy cháu ạ. Bây giờ xã hội phức tạp, nếu cháu luôn giữ được cái tâm trong sáng thì nhiều người sẽ quý trọng cháu. Xã hội có nhiều người như cháu thì cái xấu bớt đi”. Thảo cầm bàn tay nhăn nheo của ông và cảm nhận như có ánh nắng vừa bừng lên trong thẳm sâu trái tim mình. Chị không hề biết rằng, với rất nhiều người, chị là một đốm nắng ấm áp. Ngoài xa, nắng trung du mênh mang...