Đi chợ những ngày giáp tết

Bình thường, tôi có thói quen mua thực phẩm ở các siêu thị, hoặc app mua hàng online vì thuận tiện hơn là phải đi chợ truyền thống. Thế nhưng, cứ tới tầm 20 tháng Chạp trở đi, tôi lại vô cùng thích thú khi đi chợ truyền thống. Tôi thích cảm giác được hít hà không khí tết cổ truyền. Thích cảm giác nhìn dòng người vội vàng tất bật hơn ngày thường khi ai cũng có dáng vẻ hối hả mua sắm cho kịp giao thừa đón năm mới.

Nếu quan sát kỹ sẽ thấy, từ ngày 20 tháng Chạp trở đi người dân đi chợ truyền thống vài lần trong ngày là bình thường. Dù có thể trước đó sẽ có những người lên sẵn danh sách về những thứ cần sắm sửa cho gia đình mình ngày tết nhưng vẫn thiếu, vẫn quên, vẫn phải xách xe chạy ra chợ là câu chuyện hết sức bình thường của các gia đình Việt những ngày cận tết.

Thật ra, với các gia đình thế hệ trẻ chúng tôi hiện giờ thì việc 29, 30 tết đi một vòng siêu thị là sẽ gom đủ những thứ cần dùng cho ba ngày tết. Chẳng cần phải bận tâm suy nghĩ nhiều. Song, theo quan sát của cá nhân tôi thì không khí mua hàng ở siêu thị khác chợ truyền thống rất nhiều, mọi thứ được bày biện sạch đẹp và gọn gàng, tiếng nhạc xuân được phát trên các hệ thống âm thanh của siêu thị. Mọi người sẽ chậm rãi ngắm nhìn từng món đồ, lựa đồ và bỏ vào xe hàng của mình rồi đi ra quầy thanh toán. Mọi người sẽ ít ai chào ai hay hỏi thăm nhau. Ngoại trừ những nhóm người đi cùng gia đình cùng nhau thảo luận xem nên lựa món này, nên bỏ món kia, hay tham khảo chương trình khuyết mãi để tiết kiệm chi tiêu dịp tết.

Mọi thứ chỉ đơn giản là vậy, hoặc có thêm những tiếng nói của nhân viên siêu thị tư vấn cho khách mua hàng. Còn ở chợ truyền thống sẽ là một không khí tập hợp đủ mọi âm thanh trên đời, từ tiếng xe máy của người mua sắm, tiếng các chủ cửa hàng mời gọi khách mua hàng và hơn cả là tiếng của những lời hỏi thăm lẫn nhau. Bởi ra chợ thì cho dù người xa lạ cũng hóa người thân quen bằng những câu hỏi như: “Bao giờ về quê ăn tết?”, “Đã mua sắm được gì nhiều cho tết chưa?”, “Nay cúng tất niên à?”… Rồi đi kèm là những câu hỏi thăm sức khỏe, hỏi thăm xem năm qua làm ăn thế nào? Rồi lại tiếp tục động viên nhau cùng cố gắng cho năm tới, cùng nhau gửi lời thăm hỏi những người thân ở quê và hẹn nhau ra tết gặp lại.

Đó, những thứ trên chỉ có chợ truyền thống mới có được, dẫu cho cuối năm ai cũng tất bật lo toan đủ thứ trên đời. Vậy mà, có những thứ mà chúng ta vẫn không thể quên đó chính là tình người qua những câu chuyện xã giao.

Nét văn hóa tốt đẹp trên thường chỉ tồn tại ở những khu chợ ở Việt Nam. Dù có thể cuộc sống hiện đại đang phải trải qua quá nhiều biến động và có thể sẽ có nhiều thứ sẽ trôi vào dĩ vãng. Tuy nhiên, sẽ có một vài giá trị văn hóa vẫn được người dân Việt gìn giữ và lưu truyền cho thế hệ sau. Trong đó có văn hóa đi chợ truyền thống vào những ngày giáp tết.

Để rồi những ngày giáp tết người người, nhà nhà vẫn đưa nhau ra chợ truyền thống, chen lấn xô bồ một chút cũng được, nhưng không quên đi tình người bằng những câu hỏi thăm nhau. Và những ngày cuối tháng Chạp này, tôi không biết mình đi ra chợ bao nhiêu lần trong ngày, dù mình vốn dĩ đi lại rất khó khăn hơn người bình thường, vì đường xá ở các chợ truyền thống vốn dĩ rất gồ ghề khó đi. Nhưng tôi vẫn thích lết ra và ngồi hằng giờ ở chợ truyền thống để quan sát và cảm nhận không khí tết đang cận kề.

…Mà cũng có thể đôi khi để cảm nhận cái không khí tình người, giúp mình thêm củng cố niềm tin vào nhiều điều tử tế giữa vòng xoáy xã hội có quá nhiền biến động, khi tương lai của một con người, một gia đình nào đó có thể sẽ bị tước đi chỉ bởi vì những cảm xúc tiêu cực của một ai đó. Cuối năm, tất bật mọi thứ, nhưng xin đừng quên giữ cho mình chút lòng trắc ẩn giữa con người và con người với nhau. Chỉ vậy thôi sẽ thấy mình đủ đầy!

Trần Trà My

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/168515/di-cho-nhung-ngay-giap-tet
Zalo