Nhọc nhằn hành trình hiện thực hóa ước mơ 'ngôi nhà và những đứa trẻ'

Sau nhiều năm hiếm muộn với nguyên nhân vô sinh từ người chồng, vợ chồng anh Thiên, chị Giang đã thỏa ước mơ đón 'trái ngọt' nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Sau nhiều năm chờ đợi, căn nhà nhỏ của chị Bùi Thị Giang và anh Trần Văn Thiên (Ninh Bình) tràn ngập tiếng nói cười của 3 đứa con.

Nhìn lại hành trình dài tìm kiếm cơ hội được làm cha, làm mẹ, chị Giang xúc động chia sẻ: "Đó là sự kiên trì của hai vợ chồng, tình yêu thương và sự tài giỏi của các y bác sĩ mà những em bé phôi nhỏ như hạt cát đã hóa thành thiên thần đến với gia đình mình".

Hai thiên thần đã đến với vợ chồng anh Thiên, chị Giang nhờ IVF thành công (ảnh: NVCC).

Hai thiên thần đã đến với vợ chồng anh Thiên, chị Giang nhờ IVF thành công (ảnh: NVCC).

Năm 2012, chị Bùi Thị Giang và anh Trần Văn Thiên quyết định về chung 1 nhà sau 3 năm yêu thương với ước mơ về "ngôi nhà nhỏ ngập tiếng nói cười trẻ thơ".

Thế nhưng chờ đợi mãi, tin vui vẫn chưa đến. Vợ chồng anh chị tìm đến các loại thuốc nam, thuốc bắc, "ai chỉ gì, uống đó" nhưng vẫn bất thành.

Thương vợ uống thuốc nhiều đến mức "tăng men gan" phải nhập viện điều trị, hai vợ chồng anh Thiên đến bệnh viện để tìm nguyên nhân.

Kết quả khám lúc đó cho thấy anh Thiên bị vô sinh nam, nguyên nhân có thể do biến chứng của căn bệnh quai bị mà anh Thiên mắc phải khi còn nhỏ.

Bàng hoàng trước kết quả thăm khám, vợ chồng anh Thiên quyết định khăn gói ra bệnh viện tuyến trung ương kiểm tra lại nhưng kết quả trả về vẫn là câu nói "Hai vợ chồng không thể có con tự nhiên được, muốn có con phải thực hiện Hỗ trợ sinh sản IVF".

Giấc mơ "tìm" con đành gác lại khi hai anh chị biết chi phí cho 1 ca IVF lên tới cả trăm triệu đồng, trong khi thu nhập của hai vợ chồng bấp bênh chỉ dăm ba triệu mỗi tháng.

3 năm sau, gom góp và vay mượn thêm người thân, vợ chồng chị Giang quay lại hành trình tìm con.

Lần đầu tiên thực hiện IVF, ngỡ tưởng hạnh phúc đã đến rất gần nhưng sau 2 lần chuyển phôi không có kết quả khiến chị Giang rơi vào trạng thái buồn tủi, lo lắng.

Khát khao có con, vợ chồng anh Thiên tiếp tục tìm kiếm cơ hội khi đến khám BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.

Tại đây, vợ chồng chị Giang tạo được 9 phôi ngày 5. Sau lần chuyển phôi tươi đầu tiên không thành công, chị Giang quyết định về nghỉ ngơi và 4 tháng sau quay lại bệnh viện để chuyển phôi trữ.

Hạnh phúc khi anh chị được nghe bác sĩ thông báo chị đã chuyển phôi thành công sau 2 lần IVF, 3 lần chuyển phôi thất bại trước đó.

Cô công chúa nhỏ đầu tiên cất tiếng khóc chào đời sau nhiều năm chờ đợi của vợ chồng anh Thiên. Khi cô con gái đầu 2 tuổi, anh chị quyết định quay lại bệnh viện để chuyển số phôi trữ còn lạ. May mắn mỉm cười thêm lần nữa, tổ ấm nhỏ lại đón thêm 2 thành viên.

Theo BS Phạm Văn Hưởng, Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, hiện nay tỷ lệ vô sinh của Việt Nam và các nước châu Á Thái Bình Dương đứng trong top đầu của thế giới.

Các bệnh nhân đến bệnh viện thăm khám vô sinh thì nguyên nhân của nữ giới, nam giới xấp xỉ ngang nhau. Tỷ lệ nam 40%, nữ 40%, ngoài ra khoảng 10% là chưa rõ nguyên nhân.

Nhiều trường hợp khó trong điều trị vô sinh hiếm muộn như người chồng không có tinh trùng trong tinh dịch (teo tinh hoàn do quai bị, các bất thường về gen, mất đoạn gen AZF, bất thường về nhiễm sắc thể, ẩn tinh hoàn, hội chứng sinh tinh nửa chừng...) dẫn đến không thể có thai tự nhiên; người vợ bị suy buồng trứng; bất thường tử cung, tắc cả hai vòi trứng; tiền sử lưu sảy thai hay chuyển phôi thất bại nhiều lần... Tuy nhiên với phương án "cá nhân hóa” phác đồ điều trị, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã có cơ hội đón "trái ngọt".

Vũ Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nhoc-nhan-hanh-trinh-hien-thuc-hoa-uoc-mo-ngoi-nha-va-nhung-dua-tre-19224112216170047.htm
Zalo