Ngày xưa đan áo…

Những ngày này, ngoài biển khơi liên tiếp có các cơn bão đổ bộ vào đất liền, mang theo mưa lạnh. Sáng nay, mở tủ, chọn đồ để chuẩn bị cho mùa mưa, bất chợt phát hiện trong góc có chiếc áo len mỏng mua từ mấy năm trước. Đó là chiếc áo màu ghi cổ tròn, dệt bằng máy. Giũ cho thẳng, rồi treo áo lên móc, chuyện chẳng có gì đặc biệt, vậy mà tôi cứ đứng trước tủ hồi lâu, trong tâm trí hiện lên bao hình ảnh về những ngày mình còn trẻ, mua len đan áo.

Một cửa hàng bán đồ len lâu năm tại Chung cư B - chợ Đầm Nha Trang.

Một cửa hàng bán đồ len lâu năm tại Chung cư B - chợ Đầm Nha Trang.

Còn nhớ, những năm đầu thập niên 1990 trở về trước, chuyện đan móc đã trở thành phong trào ở giới nữ. Cuộc sống của thời bao cấp, cái ăn khó khăn, cái mặc cũng vô cùng thiếu thốn, vải may quần áo bán phân phối từng mét. Đồ ấm càng khó tìm. Hồi đó, làm gì có áo khoác, áo vest đủ kiểu, đủ loại chất liệu như bây giờ! Thời tiết Nha Trang thường ấm nhưng những ngày gió lạnh tràn về, ai có được chiếc áo len cũng thấy quý. Ở trường học, vào giờ tan lớp hay ra chơi, các cô cậu học trò mặc áo trắng bên trong, khoác thêm chiếc áo len màu bên ngoài, trông thật đáng yêu. Con cái tìm được chiếc áo len dày, gửi về biếu cha mẹ ở quê là việc làm không phải dễ.

Chính vì thế, dành dụm tiền mua len để đan áo, đan mũ được đặt ra với không ít người mẹ, người vợ. Cũng từ đó, xuất hiện nghề nhận đan thuê. Tôi may mắn được má dạy cho cách đan len từ những ngày còn học cấp 3, nên khi có chồng, có con, việc đan móc không khó khăn mấy. Dù vậy, để hoàn thành một chiếc áo kể ra cũng lắm công phu. Hồi ấy ở Nha Trang chỉ có mấy quầy bán len tại chợ Đầm mà đa phần là len nội. Len ngoại cũng có, do những người đi các nước Đông Âu mang về, nhưng ít và đắt. Len nội rẻ hơn nhưng sợi không đều, mặc xong vài bữa thì bị xù, lại dễ bạc màu… Que đan bằng inox ngày xưa cũng rất hiếm. Nhiều nhà phải vót tre để đan. Tôi có chị bạn, nay đã 60 tuổi rồi mà vẫn còn nhớ kỷ niệm về chuyện này. Chị kể, hồi học cấp 3, gia đình nghèo không có tiền mua que đan xịn cùng lúc cho mấy chị em trong nhà, nên ba mẹ phải lấy đũa để vót. Đến lớp, trong giờ nữ công, thấy bạn bè dùng đồ tốt, chị ngại quá nên khi đan cứ phải giấu giấu, giếm giếm.

Tìm được vật liệu rồi, công việc đầu tiên của người đan là căn cứ vào size người mặc mà gầy mũi (bắt mũi), bao nhiêu cho thân trước, thân sau, bao nhiêu cho cổ tay. Bước tiếp theo là đan gấu với mũi lên, mũi xuống bình thường hoặc vặn; rồi đến thân áo, nách áo sao cho vừa, và tùy theo sở thích của người mặc mà trang trí các họa tiết như vặn thừng, bỏ lỗ… Về cổ áo, có các loại như cổ lọ, cổ tròn, cổ trái tim, cổ bẻ, trong đó cổ trái tim khó đan nhất. Trong quá trình đan, không phải lúc nào cũng dùng hai que, mà có khi phải dùng đến ba, bốn que.

Dụng cụ đan len. Ảnh Internet.

Dụng cụ đan len. Ảnh Internet.

Chị em làm ở các cơ quan hành chính ngày xưa chủ yếu tranh thủ đan vào buổi tối hoặc Chủ nhật. Khu tập thể tôi ở ngày ấy, thường thường tối đến, cơm nước xong, mấy chị em mang ghế ra sân, vừa đan vừa trò chuyện, rất vui. Kinh nghiệm đan áo qua đó cũng được truyền từ người nọ sang người kia.

Thường thì mất mấy tháng mới hoàn thành xong một chiếc áo. Thật là vui khi sản phẩm hoàn tất mà người mặc, đặc biệt là chồng, con ưng ý. Nhà tôi hồi đó có cậu em chồng đi học nghề ở Tiệp Khắc (Cộng hòa Séc và Slovakia bây giờ) về phép tặng cho ký len, mang lên cơ quan khoe, ai cũng trầm trồ, khen sợi đều và mềm, màu đẹp. Số len ấy tôi đan cho hai người trong nhà. Chiếc áo của đứa con gái, mấy năm sau mặc không vừa nữa, được chuyển cho đứa con trai nhỏ tuổi hơn. Có một kỷ niệm thật khó quên. Ở cơ quan chồng tôi có anh Th., một bữa ghé nhà chơi, thấy tôi đan áo liền nhờ đan cho mẹ anh một chiếc, len do anh mang tới. Chỗ bạn bè, tôi không lấy tiền công, nào ngờ ngày nọ anh mang đến biếu một con vịt xiêm thật to. Nhiều năm sau, cứ nói về chuyện đan áo, nhà tôi ai cũng nhắc tới con vịt.

Do thiếu len nên ở nhiều gia đình, các bà mẹ phải tận dụng những chiếc áo bị thủng, bị rách, tháo ra để đan lại cho con, do đó nhiều chiếc áo, chiếc mũ, con trẻ mặc có đến ba bốn màu. Tuy nhiên, nhờ đan khéo nên nhìn vào chẳng ai biết đó là len tiết kiệm, dùng lại. Đối với người đan thuê, có trường hợp, nhận len của khách về đan, khi ghé qua chợ, xui xẻo, bị kẻ trộm lấy mất, phải đi tìm để mua cho đúng loại hàng mà đền. Có khi đan xong khách không vừa lòng, càu nhàu, phải bớt tiền công. Thậm chí, có lúc phải tháo một phần ra đan lại.

Cuộc sống ngày nay phát triển nhiều mặt, trong đó có lĩnh vực đan móc. Nguyên liệu để đan áo bán trên thị trường phong phú về chủng loại; ngoài chợ truyền thống, còn được bán trên các sàn thương mại điện tử. Chỉ cần ngồi ở nhà gọi điện thoại là có người mang đến. Cuộn len được bao bọc cẩn thận, trên đó ghi rõ các thông số như đường kính và thành phần của sợi len, cân nặng của cuộn len. Kim đan cũng thế, ngoài kim bằng inox còn có kim thủy tinh, kim gỗ, kim nhựa đủ loại, đủ cỡ; ngoài kim nhọn 2 đầu, 1 đầu, còn có kim vòng, kim vặn thừng… Các mặt hàng len dệt bằng máy móc cũng rất đa dạng được bày bán khắp nơi. Ngược lại, nghề đan len thủ công như chúng tôi ngày xưa cũng ít dần.

Đan len là công việc nhỏ nhưng chắc cũng như tôi, trong ký ức của nhiều chị em, hình ảnh hàng ngày cầm cuộn len và đôi kim để đan từng mũi chưa dễ mờ phai. Nhắc lại điều này để thêm trân trọng hơn cuộc sống mà chúng ta đang có hôm nay.

NGỌC ANH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/nhung-vung-ky-uc/202411/ngay-xua-dan-ao-97b2d07/
Zalo