Nhớ thời quân ngũ: Nhớ mãi kỷ niệm về Bác Hồ kính yêu

Trong ký ức của Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân La Văn Cầu, những lần vào sinh ra tử cùng đồng đội chống quân xâm lược và kỷ niệm về Bác Hồ kính yêu sẽ không thể nào phai mờ trong tâm trí ông.

Anh hùng La Văn Cầu là người dân tộc Tày, quê ở xã Phong Nặm, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Tháng 8-1945, La Văn Cầu tới lớp bình dân học vụ, theo các buổi sinh hoạt đoàn, đội. Đến năm 1948, với lòng căm thù giặc sâu sắc, La Văn Cầu viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào Đại đội 671, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Từ đây, với lòng dũng cảm, sự mưu trí, chiến sĩ La Văn Cầu đã cùng đồng đội lập nhiều chiến công.

Đặc biệt, trong Chiến dịch Biên giới năm 1950, trên cương vị Tiểu đội phó, Trung đội 2, Đại đội 671, La Văn Cầu cùng đồng đội nhận nhiệm vụ dùng bộc phá đánh lô cốt địch tại cứ điểm Đông Khê. Dù bị thương ở mặt, nát cánh tay phải nhưng La Văn Cầu vẫn ôm gói bộc phá tiêu diệt lô cốt địch sau khi nhờ đồng đội chặt đứt cánh tay cho đỡ vướng. Anh hùng La Văn Cầu xúc động kể rằng, dù hoàn thành nhiệm vụ nhưng ông cảm thấy rất đau đớn. Nỗi đau không phải do mất cánh tay mà bởi trong trận đánh này, nhiều đồng đội của ông đã anh dũng hy sinh.

 Đồng chí La Văn Cầu được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1952. Ảnh tư liệu

Đồng chí La Văn Cầu được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1952. Ảnh tư liệu

Tháng 5-1951, với những thành tích xuất sắc trong Chiến dịch Biên giới, La Văn Cầu vinh dự được báo cáo thành tích với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK. Nhận thông báo của cấp trên, chiến sĩ La Văn Cầu phấn khởi, lập tức lên đường. Đi bộ gần hai ngày từ thị xã Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) đến cuối giờ chiều hôm sau, La Văn Cầu cùng đồng chí liên lạc viên mới về đến nơi. Trước khi đi, chỉ huy giao nhiệm vụ cho La Văn Cầu thay mặt cán bộ, chiến sĩ đơn vị chúc sức khỏe Bác Hồ, nhưng khi gặp Người, La Văn Cầu xúc động chưa kịp nói gì thì Bác Hồ đã ân cần thăm hỏi, động viên.

Anh hùng La Văn Cầu nhớ lại: “Lúc đó, tôi nói tiếng Kinh còn chưa rõ, nhưng Bác Hồ luôn lắng nghe và hiểu được hết. Trước khi gặp Bác, tôi luôn suy nghĩ phải nói như thế nào cho đúng, nhưng khi được ăn cơm, trò chuyện với Bác thì bao nhiêu lo lắng tan biến hết. Người gần gũi và ấm áp, bao dung, giống như người cha đối với người con vậy”.

Tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ nhất (từ ngày 1 đến 6-5-1952) tổ chức tại Chiến khu Việt Bắc, sau khi biết hoàn cảnh gia đình La Văn Cầu, Bác Hồ xúc động nói rằng: Mẹ Lục Thị Quý, thân sinh của cháu Cầu, chỉ có một con trai nhưng đã động viên con đi chiến đấu, không ngại gian khổ, hy sinh. Vậy thì cuộc trường kỳ kháng chiến của chúng ta nhất định thắng lợi!

 Bà Lục Thị Quý và con trai La Văn Cầu gặp nhau ở sân bay Gia Lâm, năm 1955. Ảnh tư liệu

Bà Lục Thị Quý và con trai La Văn Cầu gặp nhau ở sân bay Gia Lâm, năm 1955. Ảnh tư liệu

Đầu năm 1955, Nhà nước mời các gia đình tiêu biểu có công với cách mạng về gặp mặt tại Hà Nội, bà Lục Thị Quý cùng La Văn Cầu lại được về gặp Bác Hồ, được ăn cơm với Người.

Tấm gương Đại tá, Anh hùng La Văn Cầu đã được đưa vào sách giáo khoa để giáo dục cho các thế hệ. Năm nay, dù đã ngoài 90 tuổi, nhiều ký ức có thể phai mờ nhưng những kỷ niệm về Bác Hồ kính yêu đối với ông không thể nào quên.

AN LÊ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/vung-buoc-duoi-quan-ky-quyet-thang/nho-thoi-quan-ngu-nho-mai-ky-niem-ve-bac-ho-kinh-yeu-791833
Zalo