Nghi lễ tưởng nhớ Đức thánh Tam Giang - Nét đẹp truyền thống của người dân ven sông Cầu

Từ bao đời nay, những làng quê ven sông Cầu có tục tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ, tri ân Đức thánh Tam Giang (Trương Hống- Trương Hát) vào ngày 12 và 13/8 Âm lịch. Năm nay, mưa lũ khiến nhiều di tích ven sông bị ngập nhưng bà con vẫn có cách làm phù hợp để duy trì, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống.

Ngày 14/9 năm nay (tức 12/8 Âm lịch), khi nước sông Cầu còn gây ngập một số di tích thờ Đức thánh Tam Giang nhưng người dân các tổ dân phố (TDP): Chu Xá, Đông Tiến, Quang Biểu, Đạo Ngạn 2, Nam Ngạn, phường Quang Châu (thị xã Việt Yên, Bắc Giang) vẫn thành tâm sửa soạn lễ vật dâng lên Đức thánh. Tùy điều kiện thực tế, mỗi nơi có cách tổ chức khác nhau, làm lễ trong đình hoặc trên đê tả Cầu nếu nơi thờ tự còn ngập sâu trong nước lũ.

 Dâng hương tưởng nhớ Đức thánh Tam Giang tại đình TDP Quang Biểu.

Dâng hương tưởng nhớ Đức thánh Tam Giang tại đình TDP Quang Biểu.

Sáng sớm, ông Nguyễn Trọng Cường, Tổ trưởng TDP Quang Biểu cùng đại diện ban quản lý TDP chèo thuyền ra đình lau dọn lớp phù sa còn đọng lại trên nền, tường, cửa đình. Sau đó, ông và mọi người sửa soạn mâm ngũ quả, thắp nén hương, dâng cúng lễ vật thực hiện nghi lễ mở cửa đình.

 Sáng 14/9, đình Quang Biểu vẫn ngập nước.

Sáng 14/9, đình Quang Biểu vẫn ngập nước.

Theo tích xưa truyền lại, Đức thánh Tam Giang là danh xưng mà người dân Việt Nam tôn vinh chung hai vị tướng Trương Hống và Trương Hát. Hai vị được thờ ở hàng trăm làng thuộc lưu vực ba con sông là sông Cầu, sông Thương (tỉnh Bắc Giang), sông Cà Lồ (chảy qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và TP Hà Nội). Đây là những vị tướng trí dũng song toàn dưới thời vua Triệu Quang Phục (thế kỷ VI). Danh xưng Đức thánh Tam Giang bắt nguồn từ cách gọi chung của ba con sông nói trên.

 Người dân TDP Quang Biểu lau dọn cửa đình trước khi làm lễ.

Người dân TDP Quang Biểu lau dọn cửa đình trước khi làm lễ.

Để tưởng nhớ công lao to lớn ấy, hằng năm, dân làng tổ chức lễ hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc như: Đấu vật, hát quan họ, bơi thuyền, bắt vịt và các trò chơi dân gian khác. Tuy nhiên, năm nay, do nước vẫn ngập sâu, tình trạng lũ lụt diễn ra ở nhiều nơi nên ban tổ chức cử đại diện ra đình thành tâm làm lễ. Khuyến cáo người dân chỉ thực hiện các nghi lễ văn hóa, tâm linh ở các di tích không bị ngập lụt. Đối với đình, nghè Thượng và miếu Dưới vẫn đang ngập, ban tổ chức khuyến cáo bà con chưa nên đến để bảo đảm an toàn.

 Do đình bị ngập nên người dân TDP Nam Ngạn làm lễ cúng Đức thánh Tam Giang trên đê tả Cầu.

Do đình bị ngập nên người dân TDP Nam Ngạn làm lễ cúng Đức thánh Tam Giang trên đê tả Cầu.

Cách đình Quang Biểu không xa, đình Nam Ngạn cũng là nơi thờ Đức thánh Tam Giang. Đúng ngày lễ nhưng cả khu phố vẫn đang ngập sâu trong biển nước. Không thể ra đình như mọi năm, bà con tổ chức các nghi lễ ngay trên bờ đê sông Cầu.

Từ sáng sớm, đông đảo nhân dân đã có mặt tại bờ đê sửa soạn lễ vật. "Mưa lớn kéo dài gần chục ngày khiến nhiều hàng hóa, sản vật khan hiếm. Trong điều kiện khó khăn, bà con vẫn kịp chuẩn bị mâm xôi, đĩa thịt và hoa quả sẵn có từ vườn nhà. Dù tổ chức ngay trên đê song buổi lễ vẫn rất trang trọng, trước là để tưởng nhớ, tri ân công đức của Đức thánh Tam Giang, sau là cầu mong bình an và những điều tốt đẹp sẽ đến với dân làng" - ông Nguyễn Quang Hải, Tổ trưởng TDP Nam Ngạn nói.

 Người dân TDP Đạo Ngạn 2 làm lễ tưởng nhớ Đức thánh Tam Giang trong điều kiện địa bàn còn ảnh hưởng của mưa lũ.

Người dân TDP Đạo Ngạn 2 làm lễ tưởng nhớ Đức thánh Tam Giang trong điều kiện địa bàn còn ảnh hưởng của mưa lũ.

Xuôi theo sông Cầu giữa mùa nước lũ, chúng tôi cảm nhận được dòng sông không chỉ chở nặng phù sa mà còn hội tụ nhiều giá trị văn hóa miền Kinh Bắc trước khi hòa ra biển lớn. Với những hộ dân sinh sống ven sông, sông Cầu luôn là hình ảnh đẹp, rất đỗi thân thương, gần gũi.

 Do ngập lụt nên đến ngày 14/9, người dân TDP Nam Ngạn vẫn di chuyển bằng thuyền.

Do ngập lụt nên đến ngày 14/9, người dân TDP Nam Ngạn vẫn di chuyển bằng thuyền.

Ông Ngô Cao Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường Quang Châu cho hay, người dân ven sông Cầu bao năm đã quen với cuộc sống sông nước nên họ luôn có tâm thế chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết bất thường. Địa phương cũng thường xuyên thông tin đến bà con về tình hình mưa lũ trên thượng nguồn; công tác chỉ đạo, ứng phó với thiên tai của tỉnh và thị xã. Vì vậy, trong trận lũ lịch sử năm nay, nhân dân đều được bảo đảm an toàn, thiệt hại về tài sản không đáng kể.

Đi khắp các khu phố chúng tôi đều thấy bà con luôn lạc quan, sẵn sàng tâm thế vượt lũ. Trước khi lũ về, họ đã chủ động di chuyển tài sản lên vị trí cao hơn; chuẩn bị thuyền, áo phao cứu sinh dự phòng trong gia đình; nhiều người vào khu dân cư phía trong đê cư trú nhờ nhà người thân.

Một số người dân ven sông còn cho biết, sau hơn 50 năm, đến nay họ mới chứng kiến trận lũ lớn đến thế. Việc không thể tổ chức được lễ hội tưởng nhớ Đức thánh Tam Giang khiến nhiều người nuối tiếc song bà con vẫn thực hiện các nghi lễ trang trọng nhằm lưu giữ phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp. Qua đó cũng thấy rằng, hình tượng hai vị anh hùng Trương Hống - Trương Hát luôn được người dân hai bên sông tôn thờ và xem đó là niềm tự hào của quê hương.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng - Mai Toan

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nghi-le-tuong-nho-tri-an-duc-thanh-tam-giang-net-dep-truyen-thong-cua-nguoi-dan-ven-song-cau-222611.bbg
Zalo