Nho Quan: Thành quả trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc Mường

Nho Quan là huyện miền núi duy nhất của tỉnh Ninh Bình, nơi đây tập trung 97% dân số là dân tộc Mường. Kể từ khi triển khai Dự án 6 đến nay, UBND huyện Nho Quan đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo tồn những nét văn hóa độc đáo của đồng bào.

 Phụ nữ Mường chơi ném còn trong Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Nho Quan (Ninh Bình).

Phụ nữ Mường chơi ném còn trong Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Nho Quan (Ninh Bình).

Huyện Nho Quan có 7 xã được công nhận là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với gần 29.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mường chiếm 97,18%. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc Mường luôn được huyện quan tâm, chú trọng.

Thực hiện triển khai Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch", thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2023, UBND huyện Nho Quan đã ban hành Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 21/2/2023, Văn bản số 1748/UBND-DT ngày 9/9/2023.

Phụ nữ dân tộc Mường tại huyện Nho Quan (Ninh Bình).

Phụ nữ dân tộc Mường tại huyện Nho Quan (Ninh Bình).

Với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với tinh thần trách nhiệm cao của các cơ quan, địa phương được phân công chủ trì thực hiện dự án, sự đồng thuận hưởng ứng của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, đến nay, 11/11 nội dung của Dự án đã được triển khai hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Huyện đã tổ chức bảo tồn thành công Lễ hội Khai hạ và Lễ hội Cơm mới dân tộc Mường. Hỗ trợ xây dựng 7 tủ sách cộng đồng cho 7 xã vùng DTTS&MN. Tổ chức 7 lớp tập huấn, bồi dưỡng, truyền dạy văn hóa phi vật thể Mường và 1 lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ du lịch gắn với khai thác các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mường.

Nghi lễ Mo Mường tại huyện Nho Quan.

Nghi lễ Mo Mường tại huyện Nho Quan.

Xuất bản cuốn sách ảnh song ngữ giới thiệu về "Bản sắc văn hóa truyền thống người Mường huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình". Tổ chức Chương trình Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi và bảo tồn văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường có nguy cơ mai một, gồm "Nghi lễ Mo Mường và Đám cưới Mường". Xây dựng 2 mô hình văn hóa truyền thống dân tộc Mường tại 2 xã Kỳ Phú và Cúc Phương. Tổ chức giải thể thao truyền thống (Bóng chuyền nam, bóng chuyền hơi nữ) và giải các trò chơi dân gian dân tộc Mường).

Hỗ trợ cải tạo thiết chế văn hóa, thể thao cho 24 thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bổ sung trang thiết bị cho 79 Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn, bản tại 7 xã vùng DT&MN và 4 thôn vùng đồng bào DTTS&MN. Hỗ trợ củng cố, duy trì hoạt động cho 7 Câu lạc bộ văn nghệ, thể thao dân tộc Mường tại 07 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Hỗ trợ hoạt động cho 40 câu lạc bộ, đội văn nghệ truyền thống" ở các thôn, bản vùng dân tộc và miền núi trên địa bàn huyện.

Nhà sàn truyền thống của người Mường tại huyện Nho Quan được phục dựng lại trong khuôn khổ Dự án 6.

Nhà sàn truyền thống của người Mường tại huyện Nho Quan được phục dựng lại trong khuôn khổ Dự án 6.

Nhìn chung, các địa phương trong huyện luôn có trách nhiệm với việc tích cực truyền dạy cho các thế hệ sau có niềm yêu thích học hỏi, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường. Đặc biệt, những năm trở lại đây, huyện còn thường xuyên tổ chức Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc để nhân dân tăng cường giao lưu, phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian, kết hợp giữa văn hóa truyền thống với văn hóa đương đại.

Đây cũng là dịp để huyện quảng bá, giới thiệu những giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mường tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Cộng với những danh lam thắng cảnh trên địa bàn (Vườn Quốc gia Cúc Phương, Động Vân Trình, Khu du lịch sinh thái Động Thiên Hà, Khu du lịch sinh thái Hồ Đồng Chương,...), những di tích văn hóa - lịch sử, để thu hút du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm và khuyến khích các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, thể thao phát triển.

Trình diễn, hát múa Mường tại xã Cúc Phương (huyện Nho Quan).

"Các nội dung của Dự án 6 được triển khai thực hiện trong năm 2023, 2024 đã và đang phát huy hiệu quả tích cực. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc Mường, ý thức tự giác của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân. Qua đó, cũng góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện", ông Đinh Văn Trang, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động của Dự án 6, huyện Nho Quan sẽ tập trung thực hiện bảo tồn các lễ hội văn hóa- thể thao của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ truyền dạy văn hóa phi vật thể và kỹ năng, nghiệp vụ du lịch gắn với khai thác các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mường.

Xây dựng các chương trình nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn, phát triển văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường có nguy cơ mai một. Hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu tại các xã thuộc vùng đồng bào DTTS&MN của huyện. Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS để bảo tồn, gìn giữ những di sản văn hóa truyền thống cho thế hệ sau.

Trường Hùng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nho-quan-dat-duoc-nhieu-ket-qua-tich-cuc-trong-cong-tac-bao-ton-van-hoa-dan-toc-muong-20241128120720012.htm
Zalo