Nhớ những mùa Tết trông bánh chưng...

Có người nói, vui nhất là những ngày cận tết. Ngay cả trong cái sự tất tả ngược xuôi, bận rộn cũng đã hàm chứa niềm vui. Và phong vị tết cổ truyền trong tôi, còn là những 'mùa Tết' trông bánh chưng cùng bố.

Bố mẹ tôi là nông dân và cái sự “chuẩn bị” cho tết của gia đình tôi có lẽ đã bắt đầu từ vụ cấy lúa mùa. Sau khi cấy xong các thửa ruộng chính, còn thửa ruộng chân mạ chỉ vài thước (theo cách gọi của nhà nông) sẽ được dùng để cấy lúa nếp. Tháng 9, tháng 10, lúa nếp sau khi thu hoạch, phơi khô sạch sẽ, mẹ cất vào bì, buộc cẩn thận, cùng với vài mươi ống đậu xanh, vậy là đã yên tâm phần nào, rằng tết đã có nguyên liệu gói bánh chưng.

Sau ngày 23 tháng Chạp, mọi sự chuẩn bị cho việc gói bánh chưng bắt đầu bằng việc bố mang lúa nếp đi xát. Lại nói, quê tôi vốn là đất dừa, nhà nào cũng có vài cây dừa xung quanh vườn, từ những thứ cây nhà lá vườn sẵn có, người quê tôi cũng thật sáng tạo. Những chiếc lá dừa tươi, người ta cắt rồi “bẻ” khuôn gói bánh chưng, bên trong là lá chuối.

Lá dừa, lá chuối sau khi bố chặt trên cây xuống thì nhiệm vụ của chị em tôi là rửa, lau sạch sẽ. Mẹ đãi gạo, đãi đậu. Việc giã lá riềng lấy nước xanh “sắc” vào gạo nặng nhọc hơn nên sẽ “phần” bố.

Gói bánh chưng tưởng chừng đơn giản nhưng lại là một quy trình với nhiều sự tỉ mỉ và tinh tế. Từ việc phải “bẻ góc” khuôn lá dừa thế cho đẹp, đến việc xếp lá chuối ra sao cho đúng. Gói bánh cũng cần kỹ thuật. Không được nén gạo quá chật, khi luộc bánh sẽ bị nứt, nhưng cũng không thể quá “lỏng” tay, bánh sẽ xấu. Bố thường bảo, cứ để ý nhiều, thực hành quen tay sẽ biết làm... Bố nói là vậy thôi, chứ tôi vẫn tin, người gói bánh cũng như nghệ nhân vậy. Những chiếc bánh chưng bố gói, đẹp đến từng chiếc lạt buộc. Còn tôi, sau bao nhiêu năm làm “phụ tá” cho ông, đến giờ vẫn chưa thể tự gói một chiếc bánh chưng hoàn chỉnh...

Sau bữa cơm tối, chị em tôi lại háo hức quây quần bên bếp lửa trong gian bếp nhỏ trông bánh chưng cùng bố. Chiếc chiếu cói đã cũ được trải trên nền bếp, mấy bố con cùng nằm ở đấy. Chốc chốc bố lại đứng lên, lấy ấm nước nóng “tiếp” cho nồi bánh chưng, để nồi bánh luôn đủ nước, đủ lửa, sôi đều các góc. Vài củ khoai vụ Đông mới thu hoạch được đưa vào cửa bếp, nướng trên than hồng.

Trong cái rét đêm tháng Chạp, hơi ấm từ bếp lửa tỏa ra, tiếng trấu, tiếng củi nổ lách tách, mùi khoai nướng dậy thơm lại khiến người ta hoài niệm, nghĩ về nhiều thứ. Và bố tôi kể chuyện. Ông kể về những ngày tuổi thơ khó khăn, nhọc nhằn, những cái Tết thiếu thốn. Rồi những năm tháng ông vào bộ đội, chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam Tổ quốc, ăn tết xa nhà, đồng đội đã cùng nhau đùm bọc, sẻ chia... Những chuyện kể như thước phim quay chậm, in hằn trong ký ức của bố tôi - một cựu chiến binh. Trong những chuyện kể của bố, đến giờ tôi hẵng còn nhớ, đó là khi ông bị thương, được đơn vị chuyển về điều trị ở một bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh. Những ngày Tết, bố tôi và các thương bệnh binh được chăm sóc chế độ đặc biệt. Tuy nhiên, xúc cảm của một thương binh ăn tết xa nhà, xa đồng đội khiến bố tôi đến giờ còn nhớ...

Dù trước đó đã hứa với bố sẽ trông bếp cùng ông đến khi bánh chín. Nhưng năm cũng vậy, khi chị em tôi tỉnh dậy đã thấy mình đang cuộn tròn trong chiếc chăn bông con công. Xỏ đôi dép chạy vội xuống bếp thì lửa cũng đã tắt, những chiếc bánh đã được bố mẹ vớt ra, rửa sạch, đang ép ván... Và ba chiếc bánh chìa (bánh chưng nhỏ) nhỏ xinh là quà bố dành cho chị em tôi.

Chị em tôi đã lớn lên qua những mùa Tết như thế!.

Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nho-nhung-mua-tet-trong-banh-chung-35232.htm
Zalo