Đào tạo nhân lực về dân số rất cần nhưng vì sao người học không 'mặn mà'?

Theo quan điểm của một số chuyên gia, việc duy trì các ngành đào tạo về dân số cần được chú trọng và quan tâm hơn nữa.

Theo Quyết định số 326/QĐ-TTG ngày 19/5/1997 của Chính phủ, ngày Dân số Việt Nam là ngày 26/12 hàng năm. Chủ đề của Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm 2024 là “Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc".

Công tác dân số đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh dân số Việt Nam đang có nhiều thay đổi. Để thực hiện được những mục tiêu đặt ra về dân số, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ là một trong những yêu cầu cấp thiết.

Thời cơ và thách thức với công tác phát triển dân số ở Việt Nam

Đề cập đến tình hình dân số Việt Nam hiện nay, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử - Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, chương trình mục tiêu quốc gia về dân số của Việt Nam bắt đầu từ năm 1961 và gặt hái những kết quả ấn tượng, tác động lớn đến sự phát triển của đất nước.

Quy mô dân số của Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế, khống chế bùng nổ dân số; chất lượng dân số ngày càng tăng. Tuy nhiên, vẫn có những thách thức mà Việt Nam cần đối mặt là xu hướng già hóa dân số; mất cân bằng giới tính; phân bố dân cư chênh lệch giữa các vùng miền, địa phương…

 Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử - Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: NVCC.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử - Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: NVCC.

Cùng quan điểm, Thạc sĩ Nguyễn Quang Việt Ngân - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dân số và phát triển; Giảng viên Bộ Môn Địa lý Dân số - Xã hội, Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ: “Chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 1961- 2005 đã góp phần ổn định quy mô dân số cả nước, góp phần quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Đặc biệt là trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, hiện nay, đặc điểm dân số nước ta đã có những xu hướng mới khác biệt so với thời điểm hoạch định chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Việc chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển là định hướng quan trọng cho việc lồng ghép các hoạt động về dân số vào trong kế hoạch phát triển của cả nước và các địa phương.

Quan điểm này cũng giúp công tác dân số phù hợp với tình hình dân số thực tế, trong đó sẽ giải quyết rất nhiều các vấn đề về việc tận dụng cơ cấu dân số vàng, duy trì mức sinh thay thế, thích ứng với quá trình già hóa dân số, điều chỉnh phân bố dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số và góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội".

Bàn luận đến những chiến lược nâng cao chất lượng dân số, Thạc sĩ Nguyễn Quang Việt Ngân bày tỏ, ngành dân số hiện nay đang tập trung cho những chiến lược quan trọng: công tác tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, tầm soát, sàng lọc trước sinh và sơ sinh nhằm phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi, trẻ sơ sinh, để trẻ em được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh; thúc đẩy bình đẳng giới; nâng cao nhận thức cho người cao tuổi tích cực tham gia khám sức khỏe định kỳ.

Để có thể thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng dân số thông qua các hoạt động của ngành dân số, sự phối hợp đồng bộ của tất cả các ngành là một yếu tố then chốt bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân để đạt được sự đồng thuận của toàn xã hội hướng đến việc lựa chọn, thực hiện các hành vi phù hợp của nam nữ thanh niên, của người cao tuổi và của mọi gia đình trong nội dung nâng cao chất lượng dân số.

Tuy nhiên, nếu nhìn theo khái niệm về chất lượng dân số, việc nâng cao chất lượng dân số chỉ tiến hành trong kế hoạch và chiến lược của ngành dân số là chưa đủ vì chất lượng dân số là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số.

Như vậy, việc nâng cao chất lượng dân số còn liên quan đến việc nâng cao chuyên môn kỹ thuật cho lực lượng lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, môi trường sống và phát triển tối ưu của dân số, khả năng thích nghi của dân số với những sự thay đổi nhanh chóng của xã hội và thời đại.

Chất lượng dân số đòi hỏi liên quan tất cả các lĩnh vực: kỹ thuật và công nghệ; luật pháp và chính sách; kinh tế và xã hội; giáo dục, truyền thông và việc mở rộng hợp tác quốc tế về lĩnh vực này.

Xét về yếu tố lâu dài, khái niệm “chất lượng dân số” cần được cụ thể hóa bằng các tiêu chí có thể đo lường, đánh giá để từ đó chúng ta mới có thể xây dựng các chiến được cụ thể và phù hợp trong tất cả các lĩnh vực và có những sự điều chỉnh kịp thời trong quá trình thực hiện.

Nguồn nhân lực cho công tác dân số đang có xu hướng giảm

Chia sẻ về tình hình nguồn lực phục vụ cho ngành dân số, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử dẫn chứng: "Theo thống kê của Ngân hàng thế giới, từ năm 2009 đến năm 2022, dân số Việt Nam tăng 1,12 lần; từ 88,0 triệu người lên 98,5 triệu người. Thu nhập bình quân đầu người tăng 3,4 lần; từ 1.225,8 đô la/người lên 4.179 đô la/người. Ngoài ra, số lượng các mục tiêu về dân số cũng nhiều hơn.

Mặc dù vậy, nguồn lực dành cho ngành dân số lại có xu hướng giảm. Cụ thể, về nhân lực, công chức, viên chức trong ngành dân số giảm 1500 người trong năm 2022. Về tài chính năm 2009, công tác dân số được đầu tư là 710 tỷ đồng trong khi năm 2022 giảm tới 56%; chỉ còn 312 tỷ đồng".

Theo quan điểm của Thạc sĩ Nguyễn Quang Việt Ngân, lĩnh vực dân số đòi hỏi nguồn nhân lực cần phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, trong đó khả năng nắm bắt về tình hình thực tế về dân số và các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng như dự báo được xu hướng trong tương lai đóng vai trò quan trọng.

Trong đó, kỹ năng đọc và phân tích dữ liệu là một trong những kỹ năng quan trọng bên cạnh khả năng phân tích và đánh giá chính sách và dự báo dân số.

Hiện nay nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý công tác dân số cần có tư duy hệ thống và liên ngành, đồng thời phải có tầm nhìn chiến lược để có thể đề xuất cho việc hoạch định các kế hoạch hành động của ngành dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như đề xuất các giải pháp thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của dân số trong tình hình thực tế.

 Thạc sĩ Nguyễn Quang Việt Ngân - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dân số và phát triển; Giảng viên Bộ Môn Địa lý Dân số - Xã hội, Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Việt Ngân - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dân số và phát triển; Giảng viên Bộ Môn Địa lý Dân số - Xã hội, Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC.

Dưới góc nhìn của Tiến sĩ Vũ Thị Thùy Dung - Trưởng khoa Xã hội học và Công tác xã hội, Trường Đại học Đà Lạt (đơn vị có đào tạo ngành Dân số và Phát triển): "Dân số liên quan đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội vì trọng tâm của dân số là con người, do đó đòi hỏi một nguồn nhân lực lớn làm việc trong ngành này.

Tuy nhiên, việc phát triển nhân lực ngành Dân số và Phát triển đang vướng phải 2 thách thức ở cả góc độ vĩ mô và vi mô.

Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, có các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn nhưng chưa có chế tài để đảm bảo thực hiện chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ. Ngoài ra khâu phối hợp từ trung ương đến địa phương cũng chưa thực sự chặt chẽ.

Bên cạnh đó, người ta thường nhìn dân số dưới góc độ y tế, gắn với kế hoạch hóa gia đình. Điều này vô hình trung thu hẹp phạm vi của lĩnh vực dân số và ảnh hưởng đến lựa chọn của người học. Bản thân người học đang ‘mù mờ’ về vị trí việc làm, đường hướng phát triển trong tương lai vì sự nhập nhằng giữa y tế và dân số".

Cần đẩy mạnh đào tạo sinh viên ngành liên quan dân số

Đề cập đến vấn đề đào tạo, Tiến sĩ Vũ Thị Thùy Dung cho biết, mặc dù dân số được xem là trọng tâm trong chính sách phát triển nhưng kết quả việc học về dân số lại khó lượng hóa sản phẩm đầu ra, chưa có mã ngành, mã nghề so với các ngành học khác.

Ngoài ra, hiện tại cũng đang chưa có môi trường hoạt động độc lập để ngành dân số phát triển. Bởi vậy, không có nhiều người học lựa chọn ngành này.

 Tiến sĩ Vũ Thị Thùy Dung - Trưởng khoa Xã hội học và Công tác Xã hội, Trường Đại học Đà Lạt. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Vũ Thị Thùy Dung - Trưởng khoa Xã hội học và Công tác Xã hội, Trường Đại học Đà Lạt. Ảnh: NVCC.

Được biết, chương trình đào tạo Dân số và Phát triển của Khoa Xã hội học và Công tác xã hội, Trường Đại học Đà Lạt được kế thừa các kiến thức về khoa học xã hội đặc biệt là về công tác xã hội và khoa học phát triển.

Đội ngũ xây dựng chương trình đã kế thừa nhiều học phần từ Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế quốc dân cũng như chương trình của các trường đại học lớn ở Việt Nam và nước ngoài.

Người học sẽ được đào tạo các học phần như Chất lượng dân số, Chất lượng nguồn nhân lực... lồng ghép với kỹ năng xây dựng kế hoạch chiến lược về dân số. Đồng thời việc đào tạo cũng sẽ hướng đến gắn dân số vào trong bức tranh của sự phát triển.

Ngoài ra, các chương trình thực tập cũng được tích hợp, cho phép người học trải nghiệm thực tế, tham gia xây dựng kế hoạch chiến lược về dân số cho địa phương cụ thể.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử: "Để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực cho công tác dân số, cần mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên đối với đội ngũ đang làm công tác dân số từ trung ương đến địa phương. Kết hợp đa dạng các hình thức đào tạo, tạo điều kiện để các cán bộ dân số được học tập nâng cao trình độ.

Cùng với đó, chúng ta cần đẩy mạnh đào tạo sinh viên ngành dân số, tiến tới đào tạo ở bậc cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác dân số.

Tôi cho rằng, các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học công lập phải có trách nhiệm xã hội, thực hiện đào tạo sinh viên ngành Dân số và Phát triển. Về phía quản lý nhà nước, cũng cần giao chỉ tiêu đào tạo sinh viên ngành này.

Ngoài ra, Nhà nước nên có chính sách cấp học bổng cho những sinh viên theo học ngành Dân số và Phát triển để thu hút, khuyến khích các em. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông nhằm giúp người học hiểu rõ về ngành và cơ hội việc làm".

Thầy Cử nhấn mạnh, công tác dân số không chỉ là kế hoạch hóa gia đình, trọng tâm của chính sách dân số đã chuyển sang dân số và phát triển, chú ý đến chất lượng dân số. Có rất nhiều vấn đề về dân số đang được đặt ra, cần những nghiên cứu đồng bộ, nhìn nhận vấn đề dân số trong mối quan hệ với sự phát triển.

Do đó, các sinh viên tốt nghiệp ngành Dân số và Phát triển cũng sẽ có cơ hội việc làm rộng mở hơn tại các cơ quan hoạch định chính sách từ trung ương đến địa phương.

Cùng bàn luận về vấn đề trên, Thạc sĩ Nguyễn Quang Việt Ngân bày tỏ: "Việc chuẩn hóa chương trình đào tạo ngành Dân số và Phát triển là việc làm quan trọng. Chương trình đào tạo của ngành này sẽ cần tập trung vào các nội dung về phân tích và dự báo dân số, phân tích và đánh giá chính sách, thiết kế dự án cũng như phương pháp nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, người học cần trang bị thêm các chuyên môn về địa lý dân cư, kinh tế phát triển và dân số học sức khỏe, phát triển bền vững cũng như các kỹ năng về truyền thông và thiết kế các chương trình truyền thông về dân số.

Hiện nay, một số trường cũng đã có hướng đào tạo này, tuy nhiên với các chương trình đào tạo về dân số đang gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh người học vì thông tin về đầu ra và cơ hội việc làm của ngành chưa được truyền thông sâu rộng.

Nhìn chung, khi dân số là một trong những yếu tố then chốt của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thì việc duy trì các ngành đào tạo về dân số cần được chú trọng và quan tâm hơn nữa".

Hồng Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dao-tao-nhan-luc-ve-dan-so-rat-can-nhung-vi-sao-nguoi-hoc-khong-man-ma-post248066.gd
Zalo