Xây dựng chiến lược thi cử bền vững
Năm 2025 có một bước chuyển mình quan trọng trong hệ thống giáo dục Việt Nam với kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học được tổ chức theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, các chính sách về thi cử (thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học) vẫn chưa hết cảnh cập rập, chưa có sự chuẩn bị dài hạn để người học có thời gian chuẩn bị.
Trước hết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ diễn ra vào cuối tháng 6, nhưng phải đến ngày 24-12 vừa qua Bộ GD-ĐT mới công bố quy chế thi và cách thức tính điểm xét tốt nghiệp, bỏ cộng điểm các chứng chỉ khi xét tốt nghiệp. Dư luận cho rằng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 triển khai cách đây 3 năm nhưng tại sao đến nay mới đưa ra quy chế. Nếu chuẩn bị chu đáo thì ngay khi chương trình mới áp dụng, Bộ cần định hướng rõ ràng về thi cử, cách tính điểm xét tốt nghiệp để học sinh tính toán và định hướng học tập rõ ràng.
Kế đến là tuyển sinh đại học cũng không thể tách rời với chương trình giáo dục phổ thông và thi tốt nghiệp. Theo Luật Giáo dục Đại học năm 2018, các cơ sở đào tạo được tự chủ: thi, xét tuyển và kết hợp giữa thi và xét tuyển. Tuy nhiên, công tác xét tuyển đại học năm 2025 cũng chưa có quy chế chính thức mà chỉ mới ở dự thảo.
Những giải pháp trong dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 do Bộ GD-ĐT đưa ra (xét tuyển sớm 20% chỉ tiêu, quy đổi điểm các phương thức xét tuyển về một thang điểm chung, tiêu chí điểm sàn khối ngành sức khỏe và sư phạm...) đến nay chưa đạt được sự đồng thuận vì còn thiếu cơ sở thực tiễn, nhất là cách quy đổi điểm giữa các phương thức trong đợt xét tuyển chung. Đó là chưa kể tiêu chí đầu vào của ngành sư phạm và sức khỏe còn ảnh hưởng đến thí sinh đã tốt nghiệp từ năm 2024 trở về trước.
Trong khi đó, tình trạng xuất hiện nhiều tổ hợp lạ trong tuyển sinh và lựa chọn môn xét tuyển lệch lạc thời gian qua làm cho chương trình giáo dục phổ thông 2018 chịu ảnh hưởng tiêu cực. Việc xét tuyển đại học dựa vào điểm học bạ (mỗi trường thực hiện mỗi kiểu) vốn bị hạn chế bởi sự thiếu nhất quán trong đánh giá của giáo viên và công nghệ kiểm soát chưa phát triển đã trở thành một yếu tố gây tranh cãi khi nó không phản ánh chính xác năng lực học sinh.
Thậm chí, có trường dành phần lớn chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển sớm làm giảm ý nghĩa của các hình thức xét tuyển khác diễn ra cùng lúc hoặc diễn ra sau đó. Bên cạnh đó, việc lạm dụng quyền tự chủ thái quá, thiếu trách nhiệm giải trình trong việc lựa chọn tổ hợp xét tuyển (3 môn) không dựa trên cơ sở khoa học khiến học sinh dễ rơi vào trạng thái học lệch, chỉ tập trung vào các môn học dễ đạt điểm cao để được học đại học còn “học được” hay không thì chưa cần xét đến.
Để xây dựng một chiến lược thi cử bền vững, trước hết cần đảm bảo tính liên thông giữa các cấp học, đặc biệt trong việc kết nối chương trình giáo dục liên môn ở bậc THCS với các môn chuyên sâu ở bậc THPT, giúp học sinh chuẩn bị tốt hơn cho định hướng nghề nghiệp.
Thứ hai, minh bạch hóa các phương thức xét tuyển, đặc biệt là chỉ tiêu xét tuyển sớm, đồng thời nâng cao chất lượng học bạ thông qua hệ thống số hóa.
Thứ ba, chuẩn hóa các kỳ thi riêng để xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, kiểm tra cho cả hệ thống để tạo điều kiện chuẩn trong xét học bạ kết hợp với kỳ thi tốt nghiệp. Đặc biệt, cần nghiên cứu đối sánh kết quả với kỳ thi tốt nghiệp THPT và công nhận rộng rãi thông qua khung tham chiếu chung.
Những quyết sách về thi cử mang tính căn cơ và khoa học rất cần được Bộ GD-ĐT quan tâm và quyết liệt thực hiện, đó cũng là bước đi quan trọng trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo nước nhà.