Nhịp điệu ấm no

Đến với các thôn người Thái ở xã vùng biên giới tỉnh Đắk Lắk, những bản hòa tấu chứa đựng tâm hồn, tình cảm và cốt cách của người dân nơi này như níu chân lữ khách. Mảnh đất này luôn đong đầy những kỷ niệm đẹp về tình quân dân biên giới.

Thanh âm vang mãi

Đến với xã Ia Lốp (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk), tôi được đắm mình trong sắc màu văn hóa của các đồng bào dân tộc nơi đây. Du khách được bà con chào đón bằng những điệu khua luống. Tiếng chày nâng lên hạ xuống nhịp nhàng, tạo nên những thanh âm rộn ràng.

“Đây là một thể loại âm nhạc độc đáo của người Thái, thường được sử dụng trong mỗi dịp lễ Tết hay ngày vui”, người phụ nữ Thái ghé vào tai tôi nói.

Phụ nữ dân tộc Thái tham gia khua luống

Phụ nữ dân tộc Thái tham gia khua luống

Nhìn từ xa, một khúc gỗ như chiếc thuyền độc mộc được 8 người phụ nữ Thái trong trang phục truyền thống cầm chày khua nhịp nhàng. Hoạt động ấy thu hút sự tò mò của nhiều du khách. Chúng tôi đến gần. Trong đó một người làm cái, một người gõ nhịp và các cặp còn lại dùng những chiếc gậy gõ vào thành cây gỗ đã rỗng ruột, tạo thành một loại âm thanh rộn ràng, trầm ấm.

Cầm chiếc chày để vào lòng máng ngay ngắn, chị Hà Thị Tằm (xã Ia Lốp) chia sẻ, âm thanh của khua luống được tạo ra theo nhịp chuyển động của người cầm chày khua vào luống. Mỗi một chuyển động tạo nên những âm sắc khác nhau. Là những cô gái Thái, biết cầm chày giã gạo thì đều biết khua luống. Khua luống được truyền từ đời này sang đời khác. Tham gia khua luống có những nguyên tắc nhất định, mặc dù vậy, trong các hoạt động văn hóa cộng đồng, người ta vẫn có thể đứng chung và khua luống một cách ngẫu hứng.

Tránh nắng dưới gốc cây, bà Lương Thị Ninh (66 tuổi) hay chuyện, khua luống tiếng Thái gọi là quánh loóng, đã có từ thời xa xưa, gắn liền với hoạt động giã gạo của người phụ nữ Thái. Mỗi ngày, khi những nếp nhà vẫn còn chìm trong màn đêm đen kịt, người phụ nữ Thái đã thức dậy, bắt đầu một ngày làm việc của mình bên luống hình máng dài, nơi dùng để tách hạt lúa ra khỏi bông lúa. Khi những bếp lửa đã đỏ trong từng ngôi nhà, cũng là lúc tiếng chày giã gạo bắt đầu gõ nhịp, như thúc giục mọi người thức dậy chào một ngày mới.

Theo thời gian, từ hoạt động giã gạo đơn thuần, khua luống trở thành hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian. Luống không còn là công cụ lao động mà đã trở thành một nhạc cụ của người Thái. Mỗi khi nhịp chày khua luống vang lên như gắn kết mọi người, mang ý nghĩa về một cuộc sống no đủ.

Bà con dân tộc Thái và bộ đội biên phòng nhảy sạp

Bà con dân tộc Thái và bộ đội biên phòng nhảy sạp

Trước kia, dưới gầm nhà sàn của mỗi ngôi nhà người Thái đều có một luống dùng để giã gạo. Ngày nay, máy móc thay thế cho việc giã nhưng nhiều gia đình người Thái vùng biên giới này vẫn còn giữ và sử dụng lối giã truyền thống. Họ nói rằng, muốn gìn giữ, bảo tồn, phát huy nét đẹp khua luống để thanh âm của bản làng vang mãi giữa đại ngàn Tây Nguyên, nơi quê hương thứ hai họ sinh sống.

Buổi chiều miền biên viễn, mặc cơn gió khô thổi thốc từng cơn, câu chuyện của bà Ninh vẫn chưa hồi kết. Việc biểu diễn khua luống không có sự khác nhau nhiều giữa người Thái ở các khu vực. Khua luống có nhiều làn điệu và tùy thuộc vào số người, cách thức tham gia và thể hiện tạo nên những âm thanh khác nhau theo cung bậc cảm xúc. Trong tâm niệm của người Thái có điều tối kỵ, không được làm luống trùng với năm làm nhà. Nếu trong năm làm nhà mà luống hỏng thì đi giã nhờ gạo hay xin luống cũ về dùng, chờ năm sau mới làm.

Ấm tình quân dân

Chiều biên giới, nắng rải vàng trên từng con đường, hòa vào ngày hội “Xuân biên phòng - Ấm lòng dân bản”, những cái nắm tay khéo léo của bà con nơi đây đưa du khách, cán bộ chiến sĩ biên phòng hòa nhịp với bước nhảy rộn ràng của điệu nhảy sạp. Những đôi tay đập sạp điêu luyện khiến người nhảy sạp phải khéo léo, đúng nhịp và tiết tấu. “Ngày nay, nhiều loại hình văn hóa đa dạng, nhưng với người Thái, khua luống hay nhảy sạp được bà con lưu giữ như dòng chảy trong tâm hồn mỗi người”, bà Lương Thị Ninh cho biết.

Nhiều hoạt động của bộ đội biên phòng hướng về bà con vùng biên giới

Nhiều hoạt động của bộ đội biên phòng hướng về bà con vùng biên giới

Bê nửa thúng lúa đen, hòa vào dòng người tham gia ngày hội, chị Lang Thị Thắm (xã Ia Lốp) chia sẻ, ở vùng đất khô khát này, đây là loài lúa sống trên đất cằn, uống nước mưa và cho hạt gạo dẻo thơm đặc biệt. 6 tháng mùa khô, nơi đây như sa mạc, nhưng khi cơn mưa đầu mùa trút xuống lại phải cảnh báo lũ lụt, do lưu lượng nước từ thượng nguồn hai con sông đổ về rất lớn.

Ông Hà Văn Hiệp (SN 1965) tâm sự, vùng đất khô rang này, bụi tung mù mịt, ấy thế mà những vườn sắn, mì, lúa... vẫn vươn mình tươi tốt phần nào xua đi cái khô cằn khắc nghiệt nơi biên viễn. Gia đình ông Hiệp có 1ha trồng lúa, 1ha trồng mì. Thu nhập mỗi năm đủ để chi phí cho cuộc sống của gia đình.

Xã Ia Lốp có trên 1.800 hộ, 15 dân tộc anh em cùng sinh sống. Người dân còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng. Thời gian qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều chương trình như: Con nuôi đồn biên phòng, nâng bước em đến trường, hũ gạo tình thương, mái ấm biên cương... chăm lo cuộc sống đồng bào các dân tộc nơi đây.

Hơn 20 năm gắn bó mảnh đất này, ông Hiệp kể rằng, nơi đây luôn đong đầy những kỷ niệm đẹp về tình quân dân biên giới. Bất kể việc gì, thời điểm nào, người lính biên phòng sẵn sàng có mặt. Bộ đội gần gũi, sẻ chia, vừa làm, vừa tuyên truyền, vận động, chuyển giao kỹ thuật cho bà con. Triển khai các mô hình giúp dân, hỗ trợ bò giống cho người nghèo nơi biên giới.

Trong câu chuyện với đại tá Đỗ Quang Thấm, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi thấm hơn về những bước chân dân vận. Đồng bào các dân tộc trên biên giới cảm nhận sâu sắc những tình cảm, sự quan tâm của cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng nên luôn tin yêu, quý trọng. Từ đó, nhân dân trên địa bàn hỗ trợ, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ khi xuống địa bàn công tác.

Đồng hành bên bước chân của những người lính “quân hàm xanh” là hình ảnh các già làng, trưởng thôn, buôn, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc luôn hăng hái đi đầu, sát cánh với bộ đội biên phòng trong quản lý, bảo vệ biên giới, xây dựng mối đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc ở khu vực biên giới.

Nguyễn Thảo

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhip-dieu-am-no-post1708990.tpo
Zalo