Giáo dục truyền thống qua di sản văn hóa

Những năm qua, việc tổ chức các tiết học chuyên đề tại bảo tàng luôn được các trường học tại Nam Định chú trọng.

Học sinh tham gia 'Giờ học lịch sử' tại Bảo tàng tỉnh Nam Định.

Học sinh tham gia 'Giờ học lịch sử' tại Bảo tàng tỉnh Nam Định.

Những nội dung hoạt động này giúp phát huy được giá trị của di sản trong giáo dục học đường.

Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống

Bảo tàng tỉnh Nam Định hiện có khoảng 25.000 hiện vật, trong đó hơn 2.000 hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa được chọn lọc, trưng bày. Năm 2021, Bảo tàng Nam Định đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng I trong hệ thống bảo tàng Việt Nam.

“Bảo tàng là nơi hội tụ các giá trị di sản văn hóa, nơi khơi dậy truyền thống yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ. Bảo tàng được xem là một trường học lý tưởng ngoài nhà trường. Mỗi hiện vật, tư liệu, hình ảnh sẽ kể câu chuyện lịch sử, văn hóa theo một cách riêng, sinh động, tạo niềm hứng thú và để lại ấn tượng sâu sắc trong nhận thức của học sinh”, ông Hoàng Văn Cương - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định nhấn mạnh.

Thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”, từ năm 2016, nhiều trường học đã đăng ký các chương trình hoạt động ngoại khóa cho học sinh tại Bảo tàng Nam Định như: Tổ chức các trò chơi dân gian; hướng dẫn các em tham quan, học tập các nội dung trưng bày về lịch sử tỉnh Nam Định với các chủ đề: “Nam Định - Mảnh đất ghi đậm dấu ấn người Việt cổ”, “Văn hóa thời Lý trên đất Nam Định”, “Hành cung Thiên Trường qua hệ thống di sản văn hóa thời Trần”, “Sưu tập hiện vật thời Lê, Nguyễn”…

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định cho biết, đối tượng khách tham quan chính của bảo tàng tỉnh phần lớn là học sinh. Ðây là nhóm đối tượng trọng tâm của bảo tàng, vì vậy bảo tàng chú trọng xây dựng các chương trình giáo dục phù hợp.

Theo thống kê của Bảo tàng Nam Định, trung bình mỗi năm có 12.000 lượt khách tham quan từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, trong đó có khoảng 9.000 lượt học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.

 Học sinh Trường MN 8/3 (TP Nam Định) tham gia chương trình giáo dụcchủ đề 'Em yêu chú bộ đội'.

Học sinh Trường MN 8/3 (TP Nam Định) tham gia chương trình giáo dụcchủ đề 'Em yêu chú bộ đội'.

Phát huy giá trị giáo dục truyền thống

Việc đưa các nội dung liên quan đến di sản văn hóa vào học đường, giáo dục học sinh trân trọng các di sản văn hóa của dân tộc cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thời gian qua, một số trường học tại Nam Định đã phát huy hiệu quả hoạt động trải nghiệm, đưa học sinh đến tham quan, học tập tại bảo tàng, phát huy giá trị tài nguyên trực quan để truyền dạy kiến thức và các kỹ năng cho học sinh, khơi dậy niềm hứng thú với lịch sử, văn hóa và khai mở những tiềm năng của học sinh.

Cô Hoàng Thị Minh Nguyệt - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Bích San (TP Nam Định) chia sẻ: “Ngoài giờ dạy trên lớp, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm cho học sinh, trong đó chú trọng việc đưa học sinh đến tham quan các bảo tàng, di tích lịch sử để bồi đắp kiến thức thực tế cho các em.

Hoạt động trải nghiệm, học tập tại bảo tàng đã bước đầu hình thành cho học sinh các năng lực tìm hiểu, khai thác giá trị lịch sử như biết cách sưu tầm, thu thập, xử lý thông tin, sử liệu để học tập, khám phá lịch sử. Đồng thời, giáo dục các em biết trân trọng và lan tỏa các giá trị của lịch sử, văn hóa dân tộc của mảnh đất thành Nam”.

Nằm trong lòng thành phố Nam Định, Trường THPT Ngô Quyền có điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm tại các di sản văn hóa. Năm học nào học sinh các khối lớp cũng được tham quan, học tập chuyên đề tại Bảo tàng Nam Định và các di tích lịch sử văn hóa.

Năm học này, học sinh Trường THPT Ngô Quyền tham gia học tập, trải nghiệm chủ đề “Theo dòng lịch sử” tại bảo tàng. Buổi học giúp các em học sinh khối 10 làm quen với các hoạt động trải nghiệm và thực hành môn học.

 Học sinh hào hứng tham gia thi bày mâm ngũ quả ngày Tết cổ truyền. Ảnh: Vân Anh.

Học sinh hào hứng tham gia thi bày mâm ngũ quả ngày Tết cổ truyền. Ảnh: Vân Anh.

Cô Nguyễn Thị Ngoan - giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Ngô Quyền cho biết, tại đây, các em được các cô giáo dạy Lịch sử và cán bộ của bảo tàng hướng dẫn tìm hiểu các sự kiện lịch sử, văn hóa thông qua các tài liệu, hiện vật trưng bày.

Các em cũng được tận mắt chứng kiến những hiện vật, di vật lịch sử của Nam Định từ thời kỳ tiền sử, sơ sử, đến thời kỳ khởi nghĩa giành chính quyền, kháng chiến chống Pháp, Mỹ và thời kỳ đổi mới.

Học sinh được tìm hiểu sâu sắc về triều đại nhà Trần với “Hào khí Đông A” niềm tự hào của quê hương Nam Định. Bên cạnh đó, các em còn được tham quan các gian trưng bày theo chuyên đề như “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Bản sắc và giá trị”; “Bác Hồ với Đảng bộ và nhân dân Nam Định”; “Những kỷ vật đi cùng năm tháng”; “Không gian bếp Việt truyền thống vùng Đồng bằng Bắc Bộ”.

Theo cô Ngoan, việc giảng dạy ngoài không gian lớp học của giáo viên không những góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử, mà còn rèn luyện phương pháp học tập tích cực cho học sinh đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Em Nguyễn Phương Ly, lớp 10A1, Trường THPT Ngô Quyền chia sẻ: “Đây là tiết học lịch sử tuyệt vời nhất của em từ trước đến nay. Qua tham quan bảo tàng tỉnh đã giúp chúng em được tận mắt thấy những hiện vật lịch sử. Hiểu thêm về truyền thống cách mạng của quê hương Nam Định. Em mong sẽ được tham gia nhiều hoạt động học tập, trải nghiệm hơn nữa để được tìm hiểu về các giá trị của lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, của quê hương Nam Định”.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim, quản lý cơ sở mầm non tư thục Việt Mỹ cho biết: “Tổ chức chương trình học tập ngoại khóa tại bảo tàng tỉnh là một trong những hoạt động thường xuyên của nhà trường. Nhà trường mong muốn giáo dục truyền thống cho các con từ khi còn nhỏ. Dù các con chưa nhận thức được nhiều nhưng tôi tin những buổi hoạt động ngoại khóa như thế này sẽ dần hình thành ý thức, trách nhiệm, tình yêu đối với quê hương đất nước trong trái tim những bạn nhỏ”.

Theo ông Nguyễn Văn Thư - nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định, bề dày của mỗi nền văn hóa được thể hiện qua các di sản lịch sử văn hóa. Các hiện vật trong bảo tàng, di tích là những bằng chứng sinh động kể những câu chuyện lịch sử, văn hóa cho các thế hệ trẻ.

Việc đưa di sản văn hóa vào chương trình giáo dục, mục đích cuối cùng để thế hệ trẻ không lãng quên những nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Mỗi học sinh là nguồn lực để phát triển đất nước trong tương lai. Vì vậy, các em phải vận dụng, sáng tạo và kết hợp các yếu tố truyền thống, hiện đại để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam đa dạng, phù hợp với sự phát triển của thời đại.

Vân Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-truyen-thong-qua-di-san-van-hoa-post715208.html
Zalo