Nhìn lại vụ án ông Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân trước ngày tòa tuyên án

Ngày mai, TAND tỉnh Thái Bình sẽ tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án Cưỡng đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, trong đó có 2 bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân.

Như PLO đã đưa tin, ngày 7-1, TAND tỉnh Thái Bình đã mở phiên tòa xét xử vụ án Cưỡng đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; trong đó có 2 bị cáo là Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân.

Ngày mai (13-1), TAND tỉnh Thái Bình sẽ tuyên án đối với các bị cáo.

Trong vụ án này, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, 62 tuổi, cựu phó trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội bị xét xử về 2 tội: Cưỡng đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Bị cáo Lê Thanh Vân, 61 tuổi, cựu đại biểu Quốc hội khóa XV và Nguyễn Văn Vương, cựu chuyên viên Vụ Pháp luật - Văn phòng Chủ tịch nước, bị đưa ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

2 bị cáo còn lại Phạm Minh Cường (39 tuổi, Cường "Quắt", có 3 tiền án) và đàn em Vũ Đăng Phương (43 tuổi) bị xét xử về tội Cưỡng đoạt tài sản.

Sau 3 ngày xét xử, HĐXX đã nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào ngày mai, 13-1.

 Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: TB

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: TB

5 vụ việc của ông Lưu Bình Nhưỡng

Trong suốt 3 ngày xét xử, ông Lưu Bình Nhưỡng gần như ủy quyền cho luật sư bào chữa nói lên những lời của mình. Có những tình tiết khi được HĐXX hỏi, ông Nhưỡng cũng không khai nhiều, cho biết những lời khai của mình cũng giống như những lời ông khai trong quá trình điều tra.

Trong vụ án này, ông Lưu Bình Nhưỡng bị cáo buộc có vai trò trong 5 vụ việc.

Thừa nhận sai phạm, xin được khoan hồng

Tại phiên tòa, bị cáo Nhưỡng nói: "Tôi đã nhận thức đầy đủ sai lầm khi không đấu tranh mạnh mẽ để trả lại tiền cho doanh nghiệp. Nói gì thì nói, tôi nhận tiền là sai phạm, tôi đã rất ăn năn”.

Bị cáo Nhưỡng thông qua luật sư gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước, Nhân dân và cử tri, mong nhận được sự khoan hồng.

Ở vụ việc thứ nhất xảy ra tại Thái Bình, ông Lưu Bình Nhưỡng bị cáo buộc đã can thiệp để tạo điều kiện cho bị cáo Cường làm ăn thuận lợi.

Bị cáo Cường bán cho vợ chồng bị cáo Nhưỡng 30 ha bãi triều với giá khoảng 1,2 tỉ đồng (chỉ lấy 900 triệu đồng); rồi Cường quản lý, khai thác để vợ chồng bị cáo Nhưỡng thu tiền. Đổi lại, bị cáo Nhưỡng đã điện thoại cho lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình can thiệp để giúp đỡ Cường.

Đồng thời, bị cáo Nhưỡng đưa bị cáo Cường đến Đồn Biên phòng, gặp chính quyền xã để gây thanh thế, tạo điều kiện cho Cường tiếp tục cưỡng đoạt tài sản. Từ tháng 10-2021 đến tháng 7-2022, bị cáo Cường cùng đồng phạm tiếp tục cưỡng đoạt của Chi nhánh Công ty Sao đỏ tổng cộng 1,6 tỉ đồng.

 Ông Lưu Bình Nhưỡng tại phiên tòa. Ảnh: TB

Ông Lưu Bình Nhưỡng tại phiên tòa. Ảnh: TB

Trong các vụ việc sau, ông Nhưỡng bị cáo buộc đã lấy tư cách đại biểu Quốc hội, can thiệp, ký văn bản gửi Chính phủ, một số các cơ quan địa phương để giúp cho người dân, doanh nghiệp nhằm hưởng lợi. Trong đó, số tiền lớn nhất ông Lưu Bình Nhưỡng nhận là 300.000 USD từ Công ty Mạnh Đức trong dự án ở Bắc Ninh.

Trong vụ án này, ông Lưu Bình Nhưỡng bị VKSND tỉnh Thái Bình đề nghị 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù về tội cưỡng đoạt tài sản và 10 năm đến 12 năm tù đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Tổng hợp mức án mà bị cáo Nhưỡng bị đề nghị là 13 năm đến 15 năm 6 tháng tù.

Tại tòa, 2 bị cáo Phạm Minh Cường và Vũ Đăng Phương cũng thừa nhận tội danh giống như cáo buộc.

Phạm Minh Cường bị đề nghị 7-8 năm tù về tội Cưỡng đoạt tài sản và đàn em Vũ Đăng Phương bị đề nghị 6-7 năm tù cùng về tội danh này.

Trong lời nói sau cùng, cả 2 bị cáo đều cho biết nhận thức được sai phạm, mong HĐXX giảm nhẹ mức án. Riêng bị cáo Phạm Minh Cường còn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Lưu Bình Nhưỡng vì “chú Nhưỡng đã tuổi cao”.

Ông Lê Thanh Vân và luật sư mất 1,5 ngày tranh luận với VKS

Trong vụ án này, ông Lê Thanh Vân bị cáo buộc đã có hành vi can thiệp đến lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, giúp đỡ doanh nghiệp nhằm hưởng lợi. VKSND tỉnh Thái Bình đề nghị phạt bị cáo Vân 7-9 năm tù với tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

 Ông Lê Thanh Vân tại tòa. Ảnh: TB

Ông Lê Thanh Vân tại tòa. Ảnh: TB

Cụ thể, ông Lê Thanh Vân liên quan đến 2 vụ việc cùng ông Lưu Bình Nhưỡng tại Quảng Ninh.

Trong vụ việc của Công ty Hạ Long, do 2 lần kiến nghị không được, ông Nhưỡng đã giới thiệu bị cáo Nguyễn Văn Vương (cựu chuyên viên Vụ Pháp luật - Văn phòng Chủ tịch nước) đến tìm ông Lê Thanh Vân. Đồng ý giúp đỡ, trong tháng 6, 7, 8, 12-2020, ông Vân đã ký 4 văn bản để can thiệp. Trong vụ việc này, ông Vân được hưởng lợi 1 lô đất trị giá hơn 1,8 tỉ đồng ở xã Vân Nội và nhằm hưởng lợi 1.000 m2 đất trị giá 1,95 tỉ đồng ở dự án.

Ở vụ việc còn lại, tháng 7-2023, ông Vân đã can thiệp bằng cách gọi điện cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh can thiệp để Công ty Trường Sinh sớm được cấp phép khai thác dự án đồi Bắc Sơn và đã hưởng lợi 60 triệu đồng.

Trong 3 ngày xét xử, có đến 1,5 ngày là phần tranh luận giữa ông Lê Thanh Vân cùng luật sư với đại diện VKS. Các luật sư cho rằng ông Lê Thanh Vân bị truy tố không có căn cứ, VKSND tỉnh Thái Bình đã kết luận không đúng về nội dung liên quan đến ông Vân, kết luận không phù hợp với chứng cứ trong vụ án.

Các luật sư cho rằng mảnh đất ở Đông Anh (Hà Nội) mà ông Vân bị quy kết nhận từ Nguyễn Văn Vương không phải đất của Vương, Vương không có quyền cho tặng, mảnh đất này cũng không đủ điều kiện chuyển nhượng. Trong khi đó, mảnh đất mà ông Vân bị quy kết nhằm hưởng lợi ở Quảng Ninh cũng không có căn cứ. Dự án này đã bị thu hồi, ông Vân không thể hưởng lợi từ dự án này dù trong hiện tại hay tương lai.

Cáo trạng cáo buộc ông Lê Thanh Vân: “Mặc dù không thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh và không thuộc lĩnh vực phụ trách của ủy viên thường trực Ủy ban Ngân sách Quốc hội nhưng có các hành vi ký các văn bản can thiệp đến lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh…”.

Tự bào chữa cho mình, ông Vân cho biết Đại biểu Quốc hội được quyền gửi văn bản. “Căn cứ vào đâu mà VKS nói không thuộc lĩnh vực phụ trách?..." - ông Vân lập luận.

Cùng với đó, cáo trạng cáo buộc ông Lê Thanh Vân đã can thiệp để giúp đỡ doanh nghiệp nhằm hưởng lợi. Ông Vân cho rằng hành vi “can thiệp” là hành vi không có trong Bộ luật Hình sự, vì vậy không thể buộc tội ông.

Về việc nhận tiền của Công ty Trường Sinh, ông Vân nói rằng VKS trong bản luận tội đã nói thu giữ 50 triệu đồng ở nhà ông nhưng điều này không đúng, thực tế phải là ở cơ quan ông. “Tôi bị xúc phạm vô cùng. Đưa có 10 triệu đồng thôi mà khai khống lên là 50 triệu đồng” - bị cáo Vân nói trước tòa.

Bị cáo Lê Thanh Vân cũng nói đã đề nghị được trả lại số tiền này, tuy nhiên đây không phải là khắc phục hậu quả như quan điểm của VKS.

Về cáo buộc gọi điện can thiệp với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, ông Vân tiếp tục khẳng định việc này là hoàn toàn phù hợp. Đại biểu Quốc hội có quyền xác minh thông tin mà đại biểu quan tâm (ở đây là gọi điện). “Tôi làm đúng chứ có sai đâu” - ông Lê Thanh Vân nói.

Trước phần tranh luận của ông Lê Thanh Vân và luật sư, VKS cũng đã đối đáp lại nhiều lần, có phần trả lời rõ lại đến 2 lần nhưng phía luật sư và ông Vân đều cho rằng chưa rõ ràng, chưa đủ để chứng minh.

VKS cho rằng ý nghĩa của từ can thiệp trong cáo trạng là thể hiện mô tả hành vi của ông Vân. Về tội của ông Vân, ông Vân đã thể hiện rõ việc làm phiếu chuyển đơn do có các lợi ích vật chất nhận được (mảnh đất ở Quảng Ninh và Đông Anh).

Để minh chứng cụ thể, VKS cho trình chiếu những dòng tin nhắn được trích xuất từ điện thoại của bị cáo Nguyễn Văn Vương, cựu chuyên viên Vụ Pháp luật - Văn phòng Chủ tịch nước, với ông Lê Thanh Vân.

Trước đó, luật sư cho rằng trong cáo trạng nói ông Vân đã nhận lô đất của Đông Anh là không đúng, lô đất này bất hợp pháp và không thể quy đổi ra tiền để xác định tội của ông Vân. Đối đáp, VKS cho rằng bị cáo Vân đã gửi căn cước công dân của con trai mình và có hình ảnh trích lục. Điều này thể hiện bị cáo Vân tin rằng đã được nhận lô đất trên.

Ở một số tình tiết khác như ông Vân nói tình cờ gặp doanh nghiệp ở phòng ông Nhưỡng, tuy nhiên VKS cho biết từ những bằng chứng thu thập được cho thấy ông Nhưỡng đều đã liên hệ trước với ông Vân nên không thể nói là tình cờ…

Nói lời sau cùng trước khi tuyên án, ông Lê Thanh Vân cho biết rất cảm động vì thẩm phán, hội thẩm nhân dân đã lắng nghe phần tranh tụng này và mong “cái nào có lý, có tính thuyết phục thì cân nhắc hợp tình hợp lý”.

Đối với bị cáo Nguyễn Văn Vương, cựu chuyên viên Vụ Pháp luật - Văn phòng Chủ tịch nước, luật sư của bị cáo cho rằng thân chủ bị truy tố không đúng tội, không đúng người, không đúng quy định pháp luật.

Bởi Vương dùng tư cách cá nhân để đi làm những việc liên quan trong vụ án, bản chất chỉ là người môi giới cho chủ doanh nghiệp. Vương có tác động nhưng ở một phạm vi độc lập khác.

Bị cáo Vương cũng đồng ý với lời bào chữa của luật sư và mong HĐXX xem xét. Trong vụ án này, Vương bị VKS đề nghị mức án 13-14 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

NGỌC SƠN

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhin-lai-vu-an-ong-luu-binh-nhuong-le-thanh-van-truoc-ngay-toa-tuyen-an-post829730.html
Zalo