Nhìn lại kinh tế Thủ đô - Bài 1: Cán đích hơn mong đợi
Bằng nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ và sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp, ngành nên kinh tế Thủ đô đã cán đích hơn so với mong đợi và dự báo trước đó.
Bước vào năm 2024, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược gay gắt… và ở trong nước, nền kinh tế cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng, bằng nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ và sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp, ngành nên kinh tế Thủ đô đã cán đích hơn so với mong đợi và dự báo trước đó.
Bài 1: Cán đích ngoài mong đợi
Năm 2024 là năm bản lề, có khối lượng công việc đồ sộ nhất trong suốt nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ thành phố. Hà Nội tập trung cao độ cho hoàn thiện các thể chế, song hành với phát triển kinh tế, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, thu hút đầu tư FDI và thúc đẩy tăng trưởng mạnh du lịch…
*”Chìa khóa vàng” thúc đẩy tăng trưởng
Người dân, doanh nghiệp Thủ đô Hà Nội từng có thời kỳ nhiều lo lắng, trăn trở khi đi làm các thủ tục hành chính vì sự rườm rà, nhiêu khê; văn bản chạy vòng quanh; cán bộ nhũng nhiễu tiêu cực, quan liêu, cửa quyền. Đó là những cảm giác mà ai cũng từng thấy và phản ánh. Chính vì lẽ đó, Hà Nội đã và đang đổi mới một cách mạnh mẽ, đi đầu cả nước khi thí điểm mô hình phân cấp ủy quyền, tiến hành từ Chủ tịch UBND thành phố tới các cấp, sở, ngành và quận, huyện.
Hà Nội cũng là đầu tàu, là trung tâm công nghệ của cả nước thực hiện đột phá trong chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành một thành phố thông minh, hiện đại, kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới. Nhờ chuyển đổi số, mọi công việc, thủ tục đang được giải quyết một cách khoa học, kịp thời và tránh được nhiều tiêu cực.
Hà Nội cũng xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu phải được tăng lên cùng sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị khi vừa phải linh hoạt, hiệu quả trước những biến động bên ngoài; vừa phải chỉ đạo, điều hành khắc phục những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm và phải dành nhiều thời gian, nguồn lực giải quyết những vấn đề đột xuất, phát sinh.
Thành phố tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược, nhất là về hoàn thiện thế chế, xây dựng nền quản trị hiện đại và hoàn thiện các chính sách phát triển Thủ đô, UBND Thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện 3 nội dung công việc quan trọng là xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi); Lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Thành phố đã báo cáo các Quy hoạch với Bộ Chính trị, Quốc hội cho ý kiến; đã hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét để phê duyệt. Tổ chức hội nghị, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Luật Thủ đô và các đồ án quy hoạch của Hà Nội đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét để phê duyệt trong những ngày tới. Có thể nói đây như là “Chìa khóa vàng” là kim chỉ nam soi đường cho Hà Nội không những giải quyết tất cả những rào cản cơ chế chính sách, pháp luật mà còn để phát triển kinh tế mạnh mẽ, bền vững và an toàn trong tương lai. Đây sẽ là cơ sở để cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm.
*Bứt phá tăng trưởng
Nhìn lại một cách bao quát, tổng thể, UBND thành phố đánh giá, nhờ chỉ đạo quyết liệt, cùng sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp, nên Thủ đô đã hoàn thành hiệu quả, toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết của HĐND Thành phố đề ra về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 với tinh thần “đổi mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm” để có bước đột phá rõ nét, tăng tốc sớm về đích các chỉ tiêu.
Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết: Lần đầu tiên Thành phố thu ngân sách vượt 500 nghìn tỷ đồng. Đây cũng là sự nỗ lực rất lớn và cũng là báo hiệu tốt cho thành phố tăng tốc 2025. Thành phố đã hoàn thành 23/24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Đây là kết quả hết sức quan trọng và toàn diện, trong bối cảnh cả nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Theo Cục Thống kê Hà Nội, dự kiến năm 2024 tổng thu ngân sách Nhà nước là 492.309 tỷ đồng, đạt 120,5% dự toán, tăng 19,6% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa 461.922 tỷ đồng, chiếm 93,8%, đạt 122% dự toán, tăng 21,2% so với cùng kỳ. Tỷ trọng thu từ sản xuất kinh doanh trong thu nội địa là 188.742 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 40,9% trong thu nội địa, đạt 107,3% dự toán, tăng 10,6% so với cùng kỳ; thu từ nhà, đất: 48.590 tỷ đồng, đạt 114,0% dự toán, tăng 129,1% so với cùng kỳ; Riêng thu tiền sử dụng đất: 36.100 tỷ đồng, đạt 100% dự toán, tăng 140,5% so với cùng kỳ.
GRDP 9 tháng năm 2024 của Hà Nội tăng 6,12%, dự kiến cả năm đạt khoảng 6,52%. Quy mô GRDP khoảng 58,6 tỷ USD. Thu ngân sách Nhà nước lần đầu tiên vượt 500.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với 2023, chiếm khoảng 28% tổng thu cả nước. GRDP bình quân đầu người ước đạt 163,5 triệu đồng… Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 15,467 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2024 đạt 33,2 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 9,5%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 27,6 tỷ USD, tăng 10,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 5,6 tỷ USD, tăng 6,9%.
Bài 2: 5 phương án tăng trưởng năm 2025