Hiệp định VIFTA, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Israel

FTA Việt Nam - Israel (VIFTA) được ký kết năm 2023 và đưa vào thực thi, đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại và công nghệ giữa Việt Nam và Israel.

Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, ông Lương Hoàng Thái giới thiệu về Hiệp định VIFTA.

Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, ông Lương Hoàng Thái giới thiệu về Hiệp định VIFTA.

Bộ Công thương vừa tổ chức hội thảo giới thiệu về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA). FTA này được ký kết năm 2023, đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại và công nghệ giữa Việt Nam và Israel.

Sau 7 năm với 12 phiên đàm phán, ngày 25/7/2023, Việt Nam - Israel đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (VIFTA), đưa VIFTA trở thành hiệp định thương mại tự do thứ 16 củaViệt Nam với các đối tác toàn cầu.

VIFTA không chỉ mở rộng cơ hội thương mại mà còn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hai nước hợp tác trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo. Israel sẽ hỗ trợ Việt Nam cải tiến và triển khai các giải pháp công nghệ tiên tiến.

Ký kết và triển khai thực hiện VIFTA sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh không chỉ sang Israel mà còn có cơ hội tiếp cận các thị trường khác tại Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu.

Ở chiều ngược lại, bên cạnh thị trường trên 100 triệu dân của Việt Nam, hàng hóa và công nghệ của Israel có cơ hội tiếp cận thị trường các nước khu vực ASEAN, châu Á – Thái Bình Dương và các nền kinh tế lớn trong 17 FTA mà Việt Nam đã tham gia.

Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, cơ cấu thương mại của Việt Nam và Israel không cạnh tranh mà bổ sung cho nhau, được xem là tiền đề quan trọng để hai bên có thể mở rộng trao đổi thương mại trong thời gian tới.

Việt Nam và Israel trải qua quá trình đàm phán khó khăn, nhưng với nhiều nỗ lực và quyết tâm, hai bên cuối cùng hiệp định đã được ký kết và đưa vào thực thi.

Kim ngạch thương mại 2 chiều hiện đạt xấp xỉ 3 tỷ USD nhưng sẽ tăng nhanh trong giai đoạn tới, khi VIFTA thực thi được một thời gian, đưa thuế xuất nhập khẩu giảm, tạo thuận lợi cho thương mại 2 chiều.

Ngoài thương mại, VIFTA còn tạo động lực lớn cho hợp tác đầu tư giữa hai nước. Việc đơn giản hóa thủ tục pháp lý và giảm rào cản hành chính giúp các doanh nghiệp Việt Nam và Israel có thêm sự tự tin trong việc mở rộng hoạt động đầu tư.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, cho biết, tuy tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam sang Israel chưa lớn như nhiều nước, nhưng hiệp định đi vào thực thi sẽ giúp cân bằng hơn cán cân thương mại song phương.

Israel là đối tác rất quan trọng của Việt Nam ở Trung Đông, là kênh giúp Việt Nam tiến vào khu vực. Vì thế, việc thực thi VIFTA không chỉ thể hiện ở những con số, mà còn là cơ hội cho những ngành mà Việt Nam hướng tới trong tương lai.

Theo Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Israel, VIFTA thực thi được kỳ vọng là "đòn bẩy" giúp tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước về đầu tư, thương mại dịch vụ, chuyển đổi số, công nghệ...

Hiện nay, doanh nghiệp hai nước đang bày tỏ quan tâm tích cực tới việc VIFTA được đưa vào triển khai thực hiện, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng về mở cửa thị trường và đối với các hoạt động của doanh nghiệp cũng như điều kiện thuận lợi cho hàng hóa mỗi bên xâm nhập thị trường của nhau.

Nhiều doanh nghiệp Israel quan tâm tới việc hợp tác với thị trường và doanh nghiệp Việt Nam, tích cực sang Việt Nam để tìm kiếm các nguồn cung cấp hàng hóa”, ông Lê Thái Hòa, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Israel thông tin. Theo đó, hàng thủy sản, lương thực nông sản, giày dép, dệt may... sẽ là những ngành hàng tiềm năng để doanh nghiệp hai bên có thể tăng cường hợp tác đầu tư.

Theo số liệu thống kê mới nhất, 10 tháng năm 2024, thương mại hai chiều Việt Nam - Israel đạt 2,578 tỷ USD, tăng 12,92%; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Israel đạt 676 triệu USD, tăng 23,4% và nhập khẩu từ thị trường này đạt 1,902 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Dự kiến, nếu tình hình thị trường không có biến động đột xuất, trao đổi thương mại song phương trong cả năm 2024 có thể đạt trên 3,1 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt trên 850 triệu USD, ước tăng 34,71% so với năm 2023, và nhập khẩu từ Israel đạt khoảng 2,25 tỷ USD.

Hải Yến

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hiep-dinh-vifta-thuc-day-hop-tac-kinh-te-thuong-mai-viet-nam---israel-d232294.html
Zalo