Nhìn lại bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2024

Năm 2024 đánh dấu những chuyển biến lớn của kinh tế toàn cầu sau thời kỳ gián đoạn do đại dịch COVID-19.

Cảng hàng hóa Long Beach tại Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Cảng hàng hóa Long Beach tại Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Mặc dù tăng trưởng tại nhiều quốc gia chưa trở lại mức trước năm 2020, nhưng các vấn đề kinh tế, đặc biệt là chi phí sinh hoạt, đã trở thành mối quan tâm hàng đầu. Trong bối cảnh này, các chính sách thương mại, quản lý công nghệ và biến động tài chính tiếp tục định hình bức tranh kinh tế toàn cầu.

Tại Mỹ, chiến thắng của ông Donald Trump đã đánh dấu sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ kinh tế. Ông cam kết theo đuổi chiến lược “Nước Mỹ trên hết” với các mức thuế cao chưa từng có, bao gồm thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu khác. Ông Trump cũng cảnh báo áp thuế 100% với các quốc gia BRICS nếu họ phát triển loại tiền tệ mới cạnh tranh với đồng USD. Những chính sách này không chỉ làm gia tăng chi phí sinh hoạt tại Mỹ mà còn đặt chuỗi cung ứng toàn cầu vào trạng thái bất ổn.

Trong khi đó, quản lý công nghệ đã trở thành ưu tiên lớn của nhiều quốc gia. Liên minh châu Âu đã ban hành các quy định mới về trí tuệ nhân tạo và bảo vệ dữ liệu kỹ thuật số, trong khi Brazil buộc tỷ phú Elon Musk phải tuân thủ luật pháp nước này khi liên quan đến các thông tin sai lệch trên nền tảng mạng xã hội X. Tại Australia, luật cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội với mục đích bảo vệ sức khỏe tâm thần đối với trẻ em đã gây ra nhiều tranh cãi. Những nỗ lực này phản ánh sự giằng co giữa quyền tự do ngôn luận và nhu cầu đảm bảo an toàn trên không gian mạng.

Sự phân hóa chính trị tại Mỹ đã ảnh hưởng sâu sắc đến các mạng xã hội, phản ánh rõ rệt sau chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2024. Các nền tảng mạng xã hội như Truth Social, nơi ông Trump thường xuyên sử dụng để chia sẻ quan điểm cá nhân, hay X của tỷ phú Elon Musk, đã ghi nhận lượng người dùng tăng mạnh, đặc biệt là từ các nhóm ủng hộ đảng Cộng hòa và các quan điểm bảo thủ. Ngược lại, Blue Sky, một nền tảng thay thế được nhiều người theo chủ nghĩa tự do và ủng hộ các giá trị tiến bộ lựa chọn, đã thu hút số lượng lớn người dùng rời bỏ các mạng xã hội truyền thống. Trong tuần đầu sau chiến thắng của ông Trump, Blue Sky báo cáo mức tăng hơn 1 triệu người dùng mới, thể hiện sự dịch chuyển rõ rệt trong hành vi sử dụng mạng xã hội. Xu hướng này cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của các nền tảng số trong việc định hình và thúc đẩy dư luận chính trị, đồng thời nhấn mạnh sự phân cực ngày càng gia tăng trong xã hội Mỹ.

Tình trạng chi phí sinh hoạt leo thang đã trở thành vấn đề nóng, gây áp lực lớn lên nhiều chính phủ đương nhiệm trên toàn cầu. Tại Mỹ, lạm phát kéo dài dưới thời Tổng thống Joe Biden với giá thực phẩm, năng lượng và nhà ở tăng cao, đã làm gia tăng tâm lý bất mãn của người dân. Điều này được coi là yếu tố then chốt góp phần vào chiến thắng của ông Donald Trump, khi ông hứa hẹn các chính sách kinh tế mạnh mẽ để giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân.

Trái ngược với xu hướng này, Ireland lại là một điểm sáng, nơi các đảng cầm quyền Fine Gael và Fianna Fail tiếp tục nhận được sự tín nhiệm từ người dân. Nhờ hoạt động điều hành ổn định, như kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các đảng này đã giành đủ số ghế để bắt đầu đàm phán thành lập liên minh mới. Đây là một ngoại lệ hiếm hoi giữa làn sóng phản đối các chính phủ đương nhiệm trên toàn thế giới.

Sự trở lại của ông Trump cũng làm gia tăng ảnh hưởng của các tỷ phú trong chính trị Mỹ. Tỷ phú Elon Musk được bổ nhiệm làm lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ mới thành lập, trong khi nhiều doanh nhân quyền lực khác giữ các vị trí quan trọng trong nội các mới của Mỹ. Mối liên kết chặt chẽ giữa lợi ích kinh doanh và chính quyền hứa hẹn tác động mạnh mẽ đến các chính sách kinh tế trong tương lai.

Một trong những điểm nổi bật trong năm 2024 là sự tăng trưởng mạnh mẽ của đồng Bitcoin, đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong lĩnh vực tiền điện tử. Sau chiến thắng của ông Trump, giá Bitcoin đã tăng vọt từ mức 68.000 USD vào ngày bầu cử lên hơn 100.000 USD trong vài tuần sau đó. Sự tăng trưởng này phần lớn được thúc đẩy bởi cam kết của ông Trump trong việc biến Mỹ thành "trung tâm tiền điện tử của thế giới."

Hình ảnh minh họa đồng tiền điện tử Bitcoin. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Hình ảnh minh họa đồng tiền điện tử Bitcoin. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã hứa hẹn tạo ra một kho dự trữ Bitcoin chiến lược quốc gia, đồng thời bổ nhiệm những người ủng hộ tiền điện tử vào các vị trí quan trọng, bao gồm cựu Giám đốc điều hành PayPal, ông David Sacks, và chuyên gia tài chính Paul Atkins. Những động thái này được xem như tín hiệu tích cực đối với các nhà đầu tư và cộng đồng tiền điện tử.

Tuy nhiên, các cam kết đầy tham vọng này vẫn cần thời gian để thực hiện, bởi việc xây dựng cơ sở hạ tầng pháp lý và tài chính phù hợp sẽ không hề đơn giản. Các thách thức bao gồm sự phản đối từ các cơ quan quản lý, lo ngại về tính ổn định của thị trường tiền điện tử và các rủi ro liên quan đến tội phạm tài chính. Dù vậy, động lực từ chính quyền mới đã tạo ra một làn sóng lạc quan lớn trong lĩnh vực tiền điện tử, đánh dấu sự dịch chuyển quan trọng trong cách tiếp cận chính sách đối với loại tài sản số này.

Tại Trung Quốc, chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp kích thích kinh tế nhằm khôi phục đà tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chững lại. Các chính sách bao gồm việc hạ lãi suất cho vay để khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư, đồng thời giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại, qua đó giải phóng khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ tín dụng cho thị trường. Bắc Kinh cũng nới lỏng các quy định nhằm thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn.

Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ mang tính tạm thời và chưa thể giải quyết các vấn đề cơ cấu dài hạn. Tiêu dùng trong nước vẫn ở mức yếu, phản ánh tâm lý dè dặt của người dân trong việc chi tiêu do lo ngại về triển vọng kinh tế. Đồng thời, dân số giảm sút tiếp tục là thách thức lớn đối với tăng trưởng bền vững. Thị trường bất động sản, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn suy thoái kéo dài, làm giảm lòng tin của nhà đầu tư. Bắc Kinh đang đối mặt với áp lực kép: vừa phải đưa ra các biện pháp mạnh hơn để ổn định kinh tế trong ngắn hạn, vừa phải tái cấu trúc nền kinh tế để đối phó với các vấn đề dài hạn. Những thách thức này không chỉ ảnh hưởng đến sự phục hồi nội địa mà còn tác động đến vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu.

Năm 2024 chứng kiến những thay đổi mang tính bước ngoặt về kinh tế, chính trị và công nghệ, tạo ra một bức tranh toàn cầu đầy biến động và phức tạp. Từ sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ tại Mỹ, các nỗ lực quản lý công nghệ trên khắp thế giới, đến việc các cường quốc như Trung Quốc đối mặt với thách thức cơ cấu dài hạn, mỗi sự kiện đều góp phần định hình lại trật tự quốc tế. Những xu hướng này không chỉ xác định lại cách các quốc gia tương tác, hợp tác và cạnh tranh mà còn đặt ra bài toán hóc búa cho các nhà lãnh đạo: làm thế nào để đạt được tăng trưởng kinh tế trong khi duy trì ổn định xã hội và chính trị. Đó không chỉ là câu chuyện của những chính sách nhất thời, mà còn là bài kiểm tra khả năng thích nghi và định hình tương lai của từng quốc gia trong một thế giới đầy biến động.

Hoàng Anh/Báo Tin tức (Theo aljazeera.com/investing.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhin-lai-buc-tranh-kinh-te-toan-cau-nam-2024-20241223163008162.htm
Zalo