Xuất, nhập khẩu 2025 hứa hẹn những tín hiệu tích cực
Đạt nhiều kỷ lục mới, bức tranh xuất, nhập khẩu Việt Nam năm 2024 nổi bật với những gam màu tươi sáng. Kết quả này hứa hẹn những tín hiệu tích cực cho xuất, nhập khẩu năm 2025.
Xuất, nhập khẩu xác lập nhiều kỷ lục mới
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2024, hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam đạt được nhiều thành tích đáng chú ý, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế và nỗ lực duy trì tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động.
Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, xuất, nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới (gần 800 tỷ USD), tăng 15,4% so với năm trước, đặc biệt xuất khẩu đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3%, cao hơn 2 lần chỉ tiêu đề ra.
Cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD), giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Song song với đó, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 114,59 tỷ USD, tăng 19,8%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong khi khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 290,94 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,7%).
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta đều có sự phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng cao, như xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 119,6 tỷ USD, tăng 23,3% (năm 2023 giảm 11,6%). Thị trường EU đạt 52,1 tỷ USD, tăng 19,3% so với năm 2023 (năm 2023 giảm 5,9%).
Các thị trường khác tại châu Âu – châu Mỹ cũng có kim ngạch xuất khẩu tăng ấn tượng đưa thặng dư thương mại của Việt Nam với thị trường châu Âu - châu Mỹ lần đầu tiên vượt mốc 150 tỷ USD, ước đạt 154,2 tỷ USD.
Cùng với đó, thị trường Hàn Quốc ước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 8,7% (năm 2023 giảm 3,4%). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam với khu vực châu Á – châu Phi ước đạt 519,7 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng 66,3% trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam với thế giới, trong đó xuất khẩu ước đạt 197,4 tỷ USD, tăng 8,4%.
Theo Tổng cục Thống kê, sự gia tăng xuất khẩu chủ yếu đến từ các thị trường lớn, như Mỹ, châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Đặc biệt, Mỹ vẫn là đối tác xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam với các mặt hàng như điện tử, dệt may, giày dép, và nông sản.
Châu Á (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) vẫn là khu vực tiêu thụ lớn nhất của hàng hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, Mỹ và EU cũng là hai thị trường rất quan trọng, đặc biệt là trong các lĩnh vực xuất khẩu nông sản, dệt may, giầy dép, và điện tử.
Bên cạnh đó, việc gia tăng xuất khẩu nông sản, thực phẩm chế biến sẵn và sản phẩm tiêu dùng sang các thị trường châu Phi và Nam Mỹ là một điểm sáng trong năm 2024. Đây sẽ là những thị trường tiềm năng mà Việt Nam đang tìm cách mở rộng xuất khẩu.
Trung Quốc giữ vững là thị trường có quan hệ thương mại hai chiều lớn nhất, đạt 204,9 tỷ USD, tăng 19,2% so với năm 2023; trong đó, xuất khẩu đạt 60,6 tỷ USD, giảm 1,1%; nhập khẩu ở vị trí dẫn đầu với kim ngạch đạt 114,3 tỷ USD, tăng 30,4%.
Hoa Kỳ đứng ở vị trí thứ 2 với 134,6 tỷ USD, tăng 21,5%; trong đó, xuất khẩu đạt 119,6 tỷ USD, tăng 23,3%; nhập khẩu đạt 15,0 tỷ USD, tăng 8,8%.
ASEAN ước đạt 83,9 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt giá trị 37 tỷ USD, tăng 13,7%; nhập khẩu đạt 46,9 tỷ USD, tăng 14,7%.
Hàn Quốc ước đạt 81,8 tỷ USD, tăng 7,6%; trong đó, xuất khẩu ước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 8,7%; nhập khẩu ước đạt 56,2 tỷ USD, tăng 7,1%.
Thị trường EU ước đạt 68,8 tỷ USD; trong đó xuất khẩu ước đạt 52,1 tỷ USD, tăng 19,3%; nhập khẩu đạt 16,7 tỷ USD, tăng 11,8%.
Nhật Bản ước đạt 46 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt 24,6 tỷ USD, tăng 5,6% và nhập khẩu đạt 21,4 tỷ USD, giảm 1,2%.
Trong năm 2024, xuất siêu sang Hoa Kỳ đạt 104,6 tỷ USD tăng 25,6% so với năm trước; xuất siêu sang EU 35,4 tỷ USD, tăng 23,2%; xuất siêu sang Nhật Bản 3,2 tỷ USD, tăng 91,9%; nhập siêu từ Trung Quốc 83,7 tỷ USD, tăng 69,5%; nhập siêu từ Hàn Quốc 30,7 tỷ USD, tăng 5,9%; nhập siêu từ ASEAN 9,9 tỷ USD, tăng 18,9%.
37 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD
Trong năm 2024 có 37 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69%).
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn là điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; dệt may; giầy dép và gỗ.
Trong đó, điện tử máy tính và linh kiện tiếp tục là nhóm hàng xuất khẩu dẫn đầu về giá trị, với sự đóng góp lớn của các tập đoàn công nghệ, như Samsung, LG, Apple và các công ty sản xuất linh kiện điện tử tại Việt Nam.
Giá trị xuất khẩu năm 2024 của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 72,6 tỷ USD, tăng 26,6% so với năm 2023, chiếm 17,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điện thoại và linh kiện đứng vị trí thứ 2 với kim ngạch đạt 53,9 tỷ USD, tăng 2,9%...
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của kim ngạch xuất, nhập khẩu mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện cho thấy Việt Nam đang chuyển dịch dần từ việc sản xuất các sản phẩm thô sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghệ cao. Sự phát triển của ngành sản xuất linh kiện điện tử, robot và phần mềm là minh chứng rõ rệt cho sự chuyển dịch này.
Năm 2024 ghi nhận nhiều thành tựu trong xuất khẩu nông sản với gạo, cà phê, hạt điều, trái cây. Gạo của Việt Nam đã vượt qua các đối thủ cạnh tranh lớn như Thái Lan, Ấn Độ và đạt được những hợp đồng xuất khẩu lớn, đặc biệt là tại các thị trường châu Á và châu Phi.
Trái cây Việt Nam, đặc biệt là các loại như mít, thanh long và xoài đã gia tăng xuất khẩu sang các thị trường khó tính, như Mỹ, EU và Nhật Bản, đánh dấu bước tiến lớn trong việc nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm.
Hàng nông sản vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể trong kim ngạch xuất khẩu, với các thị trường tiêu thụ truyền thống như Trung Quốc, Mỹ, EU và Nhật Bản.
“Đây có thể coi là một cột mốc đáng ghi nhận cho những nỗ lực phát triển thương mại quốc tế của Việt Nam. Những kết quả này đã đưa Việt Nam đứng thứ 17 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới”, đại diện Tổng cục Thống kê đánh giá.
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định CPTPP tiếp tục phát huy hiệu quả trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu và giảm thiểu rào cản thuế quan. Những FTA này không chỉ thúc đẩy xuất khẩu, mà còn tạo cơ hội cho Việt Nam gia tăng nhập khẩu công nghệ và thiết bị sản xuất hiện đại từ các quốc gia đối tác.
Việc cải thiện hạ tầng logistics và ứng dụng công nghệ trong xuất, nhập khẩu tiếp tục là một yếu tố quan trọng giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả giao thương. Các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng áp dụng công nghệ số trong việc quản lý kho, vận chuyển, và làm thủ tục hải quan, từ đó nâng cao hiệu suất và giảm thời gian thông quan, tăng tính hiệu quả của hoạt động xuất, nhập khẩu.
Các sáng kiến như hệ thống thông quan tự động, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) đã giúp các doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận thông tin thị trường, quản lý chuỗi cung ứng và tối ưu hóa quá trình xuất, nhập khẩu.
Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, hỗ trợ tìm kiếm thị trường mới. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước về thuế, tín dụng và đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực xuất, nhập khẩu cũng đã giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của ngành.
Nỗ lực đưa xuất, nhập khẩu bứt tốc
Những kết quả quan trọng, tích cực của xuất, nhập khẩu năm qua là cơ sở để năm 2025 hoạt động này tiếp tục bứt tốc, hứa hẹn đạt những kết quả cao hơn.
Muốn vậy, trước hết doanh nghiệp phải vượt qua những tồn tại, thách thức, đặc biệt là sự suy giảm nhu cầu từ các thị trường lớn, khó khăn trong việc cải thiện hạ tầng logistics và sự phụ thuộc vào một số mặt hàng chủ lực.
Đáng chú ý, sự giảm sút của xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam – đã có ảnh hưởng tiêu cực đến tổng thể kim ngạch xuất khẩu. Trong năm 2024, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 60,6 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2023 (năm 2023 tăng 6,3% so với năm 2022).
Các sản phẩm nông sản và thủy sản của Việt Nam gặp khó khăn do biến động giá cả và yêu cầu khắt khe từ các thị trường xuất khẩu…
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng, xuất khẩu Việt Nam đang đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn khi vẫn tập trung vào một số thị trường lớn. Các thị trường này có khả năng thay đổi chính sách hoặc ảnh hưởng biến động kinh tế, sẽ tác động đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược đa dạng hóa thị trường hiệu quả hơn để duy trì kim ngạch cao.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, để phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2025, cần có một loạt các giải pháp chiến lược và hành động thực tế. Theo đó cần tăng cường đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tận dụng các FTA đã ký kết đồng thời các doanh nghiệp cần cải thiện năng lực để tận dụng tối đa các ưu đãi này.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong xuất, nhập khẩu; nâng cao chất lượng sản phẩm và gia tăng giá trị gia tăng, cải thiện hạ tầng logistics, tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bên cạnh tăng cường hợp tác quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2025 tăng từ 10-12% so với năm 2024, ông Trần Thanh Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ tăng cường nắm bắt thông tin về những vấn đề có khả năng tác động, ảnh hưởng đến vận chuyển, lưu thông, xuất - nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Cùng với đó, Bộ sẽ tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn kịp thời các cam kết theo các FTA đã ký kết; tiếp tục phối hợp với các địa phương thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới chuyển dần sang thương mại chính ngạch; hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản thương mại mới tại các thị trường nhập khẩu…