Chứng khoán Mỹ lao dốc sau báo cáo việc làm, giá dầu tăng vì lệnh trừng phạt Nga

'Tin tốt cho nền kinh tế, nhưng không tốt cho thị trường chứng khoán, ít nhất ở thời điểm này', một chiến lược gia nói về báo cáo việc làm tháng 12 của Mỹ...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (10/1), khi báo cáo việc làm nóng hơn dự báo “vùi dập” kỳ vọng của nhà đầu tư về việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục cắt giảm lãi suất trong năm nay. Giá dầu thô tăng hơn 3,5% vì Mỹ gia tăng trừng phạt ngành công nghiệp dầu lửa của Nga.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 696,75 điểm, tương đương giảm 1,63%, còn 41.938,45 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,54%, còn 5.827,04 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 1,63%, còn 19.161,63 điểm. Phiên giảm này khiến cả ba chỉ số chính rơi vào trạng thái giảm tính từ đầu năm.

Theo báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ, khu vực phi nông nghiệp của nước này có 256.000 công việc mới trong tháng 12, cao hơn nhiều so với con số 155.000 công việc mới mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Tỷ lệ thất nghiệp giảm về mức 4,1%, thay vì duy trì ở mức 4,2% như dự báo.

Sau khi báo cáo được công bố, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2023, đạt hơn 4,76%.

“Tin tốt cho nền kinh tế, nhưng không tốt cho thị trường chứng khoán, ít nhất ở thời điểm này. Tuy nhiên, sự tăng trưởng bất ngờ mạnh hơn dự báo của thị trường việc làm không khiến chúng tôi thay đổi quan điểm rằng thị trường việc làm có thể tiếp tục suy yếu trong những quý sắp tới”, chiến lược gia Scott Wren của ngân hàng Wells Fargo nhận định.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 97% Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp vào cuối tháng này, đồng thời cũng cho rằng Fed sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 3. Khả năng Fed hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 3 đã giảm về mức khoảng 25%, từ mức 41% vào ngày hôm trước.

Áp lực đối với giá cổ phiếu tăng thêm sau khi báo cáo chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Đại học Michigan cho thấy tín hiệu đáng lo ngại về lạm phát. Chỉ số niềm tin tháng 1 giảm còn 73,2 điểm, không đạt dự báo 74 điểm của Dow Jones, và một phần của sự suy yếu niềm tin này là kỳ vọng về lạm phát tăng lên. Kỳ vọng về mức lạm phát sau 1 năm tới của người tiêu dùng tăng lên 3,3% từ 2,8% trước đó. Kỳ vọng lạm phát 5 năm cũng tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2008.

Cổ phiếu tăng trưởng thường là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi xu hướng tăng của lợi suất. Điều này được thể hiện rõ trong phiên ngày thứ Sáu, với Nvidia giảm 3%, AMD và Broadcom giảm tương ứng 4,8% và 2,2%. Plantir mất hơn 1%.

Cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng là nhóm có độ nhạy cảm cao với lãi suất. Chỉ số Russell 2000 của các cổ phiếu nhỏ chốt phiên với mức giảm hơn 2%.

“Lãi suất đang biến động nhiều, nhanh, và thị trường chứng khoán vì thế cũng bán tháo”, chiến lược gia trưởng Adam Turnquist của công ty LPL Financial phát biểu, cho rằng xu hương tăng gần đây của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ báo hiệu khả năm giảm hoặc thậm chí là điều chỉnh của S&P 500.

“Tuy nhiên, điều quan trọng bị bỏ lỡ trong ngày hôm nay là lý do vì sao lãi suất tăng. Lãi suất tăng vì nền kinh tế tốt hơn dự báo. Xét cho cùng, điều đó có nghĩa là lợi nhuận tốt hơn, rủi ro suy thoái thấp hơn, và điều đó đồng nghĩa là lợi tức cho nhà đầu tư trong dài hạn, trái ngược với sự bán tháo ngày hôm nay trên thị trường”, ông Turnquist nói.

Cả ba chỉ số cùng giảm hai tuần liên tiếp, với S&P 500 giảm 1,9% trong tuần này, Nasdaq giảm 2,3% và Dow Jones giảm 1,9%.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 2,84 USD/thùng, tương đương tăng 3,69%, đạt 79,76 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 2,65 USD/thùng, tương đương tăng 3,58%, đạt 76,57 USD/thùng.

Dầu tăng giá mạnh sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt mạnh tay mới nhằm vào ngành công nghiệp dầu lửa của Nga. Đợt pháp trừng phạt mới này nhằm vào các công ty dầu lửa Nga gồm Gazprom Neft và Surgutneftegas và các chi nhánh của công ty này, hơn 180 tàu chở dầu, cùng hơn một chục quan chức và nhà điều hành trong ngành dầu lửa Nga. Các nhà điều hành bị trừng phạt gồm CEO Aleksandr Valeryevich Dyukov của Gazprom Neft.

Các tàu chở dầu bị trừng phạt chủ yếu là những con tàu được cho là thuộc “đội tàu bí ẩn” giúp Nga tránh các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nga - theo Bộ Tài chính Mỹ.

Theo ông Bob Yawger - người đứng đầu bộ phận hợp đồng năng lượng tương lai của công ty Mizuho Securities - thị trường dầu cho rằng các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ và Trung Quốc vốn nhập khẩu dầu Nga cho tới gần đây sẽ phải tìm kiếm nguồn cung khác để thay thế cho nguồn cung bị gián đoạn, nhiều khả năng sẽ tăng nhập dầu từ Trung Đông.

Trước khi rời Nhà Trắng, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang gia tăng sức ép với Nga và tăng cường viện trợ cho Ukraine.

“Chính quyền Biden đã dùng đến những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga. Điều này khiến thị trường bất ngờ vì trước đó họ xem rủi ro trừng phạt là thấp. Bởi vậy, chúng tôi cho rằng phần bù rủi ro đối của giá dầu Brent sẽ duy trì ở mức cao hiện nay và tùy thuộc vào chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ đưa ra chính sách như thế nào”, Chủ tịch Bob McNally của công ty Rapidan Energy Group phát biểu.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-lao-doc-sau-bao-cao-viec-lam-gia-dau-tang-vi-lenh-trung-phat-nga.htm
Zalo