Nhìn lại 2024: Bóng tối xung đột bao phủ toàn cầu
Nhìn lại 2024, bạo lực và chiến tranh đã bùng nổ trên quy mô chưa từng thấy từ Á sang Âu, gây ra thương vong khủng khiếp và làm lung lay các nỗ lực kiến tạo hòa bình.
Thế giới năm qua đã chứng kiến sự leo thang đáng kinh ngạc về mức độ các cuộc xung đột. Theo dữ liệu Trung tâm Dữ liệu Sự kiện và Vị trí Xung đột Vũ trang (ACLED) công bố ngày 11-12, ước tính có khoảng 233.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột vào năm 2024.
Theo ACLED, mức độ xung đột trên toàn thế giới đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua. Cụ thể, trong năm 2024, số người thiệt mạng trong các cuộc xung đột tăng 30% so với năm trước, từ 179.099 người lên 233.597.
Đến cuối năm, số vụ bạo lực được ghi nhận là khoảng 200.000, cao hơn khoảng 25% so với năm 2023 và gấp đôi so với 5 năm trước. Trong đó bạo lực gia tăng mạnh ở Lebanon (tăng 958%) sau khi căng thẳng giữa nhóm vũ trang Hezbollah và Israel bùng phát. Nga cũng chứng kiến số vụ bạo lực tăng 349% trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine tiếp diễn.
Cùng nhìn lại 2024 qua một số điểm nóng xung đột trên thế giới trong năm qua.
Xung đột Nga-Ukraine
Theo dữ liệu từ ACLED, xung đột Nga-Ukraine là cuộc chiến chết chóc nhất năm 2024, với 67.000 người được báo cáo thiệt mạng.
Điểm nhấn chính của xung đột Nga-Ukraine trong qua có lẽ là việc lực lượng Nga giành được lợi thế ở vùng Donbas (miền Đông Ukraine) với tốc độ ngày càng nhanh và việc Ukraine mở mặt trận tấn công mới vào tỉnh Kursk (Nga).
Sau khi giành được TP Avdiivka (tỉnh Donetsk) vào tháng 2, quân đội Nga đã đạt được nhiều thành quả hơn. Tận dụng sự luân chuyển kém của các đơn vị Ukraine, quân đội Nga đã mở một cuộc tấn công về phía TP Toretsk và các thị trấn ở Donetsk.
Sau đó, Moscow tiếp tục giành được nhiều đất đai ở phía đông khu vực này trong suốt mùa hè, dần dần tiến đến các TP Pokrovsk, Kurakhove và Vuhledar. Phía bắc Kharkiv, TP lớn thứ hai của Ukraine, Nga đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào tháng 5, khiến quân đội Ukraine khó càng thêm khó.
“Bắt đầu từ tháng 6 và tháng 7, người ta nhận thấy một xu hướng rằng Nga có thể kiểm soát ngày càng tăng mỗi tháng. Ukraine mất nhiều đất nhất vào tháng 11, tháng 12 có vẻ khả quan hơn với Kiev” - ông Emil Kastehelmi, nhà phân tích quân sự của nhóm phân tích Black Bird Group (Phần Lan), chia sẻ với tờ Newsweek.
“Quân Nga đã mở rộng phạm vi tiến công và vượt qua sông Zherebets ở khu vực biên giới giữa tỉnh Luhansk và Kharkiv, tiến tới sông Oskil và mở ra một hướng tấn công mới ở phía bắc TP Kharkiv. Tuy nhiên, tiến bộ của Nga tại Luhansk và Kharkiv không thay đổi nhiều động lực của cuộc chiến” - theo ông Kastehelmi.
“Năm nay nhìn chung chứng kiến nhiều chuyển động hơn năm 2023, nhưng phần lớn diễn ra từ tháng 8 đến tháng 12, trong khi nửa đầu năm gần như không có thay đổi đáng kể” - vị chuyên gia nói thêm.
Theo tờ Kyiv Independent, Ukraine kết thúc năm 2024 trong tình trạng vấn đề thiếu hụt nhân lực chưa được giải quyết, thất bại rõ ràng trong một số trận chiến quan trọng và ít có triển vọng thay đổi tình hình trên chiến trường.
Mặc dù bị áp đảo về quân số và hỏa lực trên toàn mặt trận, Ukraine vẫn mạnh dạn phát động cuộc tấn công xuyên biên giới vào tỉnh Kursk vào tháng 8 để làm đòn bẩy cho các cuộc đàm phán tiềm năng. Dù ban đầu Ukraine đạt được bước tiến khá thần tốc tại Kursk, nhưng tính đến tháng 12, Kiev đã mất hơn một nửa khu vực mà nước này giành được ban đầu.
Một diễn biến đáng chú ý khác của xung đột này trong năm qua là việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 11 bất ngờ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga. Động thái này được cho là nhằm giúp Kiev giành lợi thế trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump bước vào Nhà Trắng năm sau.
Dải Gaza
Nếu năm 2023 là một năm gây choáng ở Gaza sau khi Hamas phát động cuộc tấn công ngày 7-10 vào Israel và kéo theo đòn trả đũa khốc liệt từ Tel Aviv, thì 2024 là năm bế tắc ở dải đất này. Không một cuộc đàm phán nào mang lại kết quả tích cực, không một thỏa thuận ngừng bắn nào đạt được (dù chỉ là ngừng bắn một tuần như hồi tháng 11-2023),... tất cả chỉ là sự tàn phá và chết chóc.
Theo các quan chức y tế Palestine và dữ liệu từ Văn phòng Điều phối các hoạt động nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA), tính đến tháng 12, số người chết trong cuộc tấn công của Israel vào Gaza đã vượt quá 45.000.
Gần 750 người Palestine ở Bờ Tây và khoảng 1.900 người Israel và người nước ngoài tại Israel đã thiệt mạng trong 14 tháng qua. Về cơ sở hạ tầng, hơn một nửa số tòa nhà trên khắp Dải Gaza đã bị hư hại, trong đó 80% nhà cửa ở TP Gaza bị tàn phá.
Viện trợ tiếp tục vào Dải Gaza nhưng đang ở mức thấp kỷ lục. Vào tháng 5, Mỹ đã xây dựng một cầu tàu nổi trị giá 230 triệu USD để đưa thêm hàng cứu trợ vào Gaza, nhưng các chuyến hàng chịu ảnh hưởng của bão và điều kiện biển, dẫn đến dự án bị đình trệ vào tháng 7. Có thêm hai cửa khẩu là Cổng 96 và Kissufim được mở để hàng viện trợ vào Gaza, nhưng không mang lại thay đổi đáng kể cho luồng viện trợ.
Trong năm qua, đàm phán giữa Israel và Hamas nhiều lần suýt có kết quả nhưng rồi lại thất bại do khác biệt quan điểm giữa hai bên về danh tính của những người Palestine bị giam ở Israel và con tin mà Hamas giam ở Gaza, cũng như về quân đội Israel ở Gaza.
Đàm phán chạm đáy sau khi Israel ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh hồi tháng 7. Đỉnh điểm của bế tắc là vào tháng 11 khi Qatar - bên hòa giải xung đột - thông báo dừng vai trò trung gian hòa giải cho đến khi Hamas và Israel thể hiện thiện chí muốn quay lại bàn đàm phán. Đầu tháng 12, Qatar thông báo nối lại vai trò trung gian.
Tín hiệu đáng mừng là những ngày gần đây các quan chức Israel và Palestine nói rằng khoảng cách giữa Israel và Hamas về khả năng ngừng bắn ở Gaza đã thu hẹp. Theo hãng tin Reuters, một nỗ lực mới từ các nhà trung gian Ai Cập, Qatar và Mỹ nhằm chấm dứt giao tranh và thả các con tin Israel đã đạt được động lực trong tháng này, mở ra tia hy vọng cho cuộc chiến đẫm máu này.
2024 mang lại một một điểm sáng là xung đột xuyên biên giới giữa nhóm vũ trang Hezbollah và Israel đã chấm dứt bằng một thỏa thuận hòa bình vào tháng 11 sau hơn một năm giao tranh căng thẳng.
Căng thẳng Israel - Iran
“Trên bờ vực chiến tranh” là cụm từ mà giới quan sát dùng để mô tả quan hệ giữa Iran và Israel trong năm 2024.
Vào tháng 4, Đại sứ quán Iran ở Damascus (Syria) bất ngờ bị không kích khiến 7 người thiệt mạng, bao gồm nhiều tướng lĩnh cấp cao của Iran. Iran và Syria cáo buộc Israel đứng sau vụ việc. Chưa đầy hai tuần sau đó, Iran phóng khoảng 300 tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào Israel với lý để đáp trả - đánh dấu cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên của Tehran vào lãnh thổ Israel.
Sau đòn trả đũa của Iran, sáng 14-4, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel - Chuẩn đô đốc Daniel Hagari nói rằng Israel đã chặn 99% trong số hơn 300 vũ khí mà Iran phóng vào Israel. Theo ông Hagari, chỉ có “một số lượng nhỏ” tên lửa đạn đạo chạm tới lãnh thổ Israel.
Dù vậy, Israel vẫn tung đòn đáp trả Iran. Sáng 19-4 (giờ Iran), Israel phóng loạt UAV và tên lửa vào Iran để trả đũa.
Tưởng rằng căng thẳng tạm lắng sau các sự kiện vào tháng 4, thì vào ngày 1-10, Iran phát động một cuộc tấn công quy mô lớn vào Israel bằng 180 tên lửa đạn đạo với lý do đáp trả vụ lãnh đạo Hamas Haniyeh bị ám sát tại thủ đô Tehran (Iran) vào tháng 7, cũng như vụ lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah thiệt mạng tại Lebanon hồi tháng 9. Lần này, Mỹ tiếp tục hỗ trợ Israel bắn hạ các vũ khí từ Iran.
Đến ngày 26-10, Israel điều hơn 100 máy bay phản lực và UAV tấn công các căn cứ quân sự của Iran nhằm đáp trả việc “Iran thực hiện các cuộc tấn công liên tục trong nhiều tháng liên tục nhằm vào Israel”. Iran sau đó đã tuyên bố sẽ đáp trả và và thế giới vẫn đang chờ xem Tehran sẽ đáp trả như thế nào.
Theo tờ The Washington Post, sở dĩ căng thẳng Israel và Iran dịu xuống trong hai tháng qua là nhờ “hoạt động ngoại giao hối hả đằng sau hậu trường” từ Mỹ và các nước Vùng Vịnh như Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Tờ báo cho rằng Trung Đông đang ở trong giai đoạn “tạm lắng đầy căng thẳng” và hồi hộp chờ đợi động thái tiếp theo giữa hai cường quốc Trung Đông.
Bán đảo Triều Tiên
Tình hình giữa hai miền Triều Tiên năm qua đáng báo động với nhiều động thái chưa từng có tiền lệ.
Theo tờ Korean Times, từ tháng 5 đến tháng 11, Triều Tiên đã gửi hơn 7.000 bóng bay chở rác sang Hàn Quốc để đáp trả việc các nhà hoạt động Hàn Quốc rải truyền đơn sang Triều Tiên. Đáp lại, Hàn Quốc cũng đã cho lắp đặt loa phóng thanh gần biên giới và nối lại chương trình phát sóng tuyên truyền. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc nối lại chiến dịch loa phóng thanh gần biên giới liên Triều kể từ tháng 1-2016.
Ngày 16-10, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin quốc hội nước này đã sửa đổi hiến pháp theo yêu cầu của lãnh đạo Kim Jong-un với nội dung từ bỏ mục tiêu thống nhất hai miền, xác định Hàn Quốc là “quốc gia thù địch”.
Trước đó, ngày 15-10, Bình Nhưỡng kích nổ một số tuyến đường bộ nối liền bán đảo Triều Tiên, nơi từng được coi là biểu tượng của sự hòa giải giữa 2 miền.
Trong năm, Triều Tiên liên tục phóng thử tên lửa đạn đạo, còn Hàn Quốc vẫn tiếp tục tập trận quy mô lớn với Mỹ và các đồng minh. Giới lãnh đạo hai bên cũng tiếp tục các lời lẽ chỉ trích qua lại.
Đáng chú ý, Mỹ và Hàn Quốc vào tháng 10 cáo buộc Triều Tiên gửi khoảng 10.000 binh sĩ đến Nga để hỗ trợ Moscow trong cuộc chiến với Ukraine.
Dù Moscow và Bình Nhưỡng bác bỏ những cáo buộc, nhưng Seoul đã phản ứng mạnh mẽ trước thông tin binh sĩ Triều Tiên ở Nga. Hàn Quốc tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Ukraine, bao gồm khả năng cung cấp vũ khí sát thương, để chống lại quân đội Nga và Triều Tiên.
Seoul cho rằng nếu Triều Tiên gửi quân đến Nga, Bình Nhưỡng sẽ nhận lại “đền đáp” từ Moscow cho ngành quốc phòng. Ngoài ra, nếu tham chiến trên thực địa, binh sĩ Triều Tiên sẽ gia tăng kinh nghiệm tác chiến, gây đe dọa đến an ninh quốc gia của Hàn Quốc.