Xung đột Nga-Ukraine năm 2024: Phát huy tối đa chiến thuật 'nắn gân' trên thực địa, nhưng lạ thay... không 'đau' như trước!
Cả Nga và Ukraine đều 'tung chiêu' sử dụng các vũ khí tối tân, hiện đại - những bước đi 'rắn' trên thực địa, nhằm thay đổi cục diện xung đột trong năm 2024. Tuy nhiên, các biện pháp 'nắn gân' đều không mang lại kết quả như kỳ vọng, thậm chí đưa xung đột vào thế bế tắc chưa thấy 'ánh sáng cuối đường hầm'.
Đánh giá về tình hình năm 2024, tại cuộc họp báo cuối năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga đã đạt được nhiều "cột mốc" quan trọng trong cuộc xung đột với Ukraine.
Phát biểu tại phiên họp của Bộ Quốc phòng Nga, ông Putin cho biết lực lượng Nga hiện kiểm soát 189 khu dân cư và quân số lực lượng vũ trang đã được tăng cường lên 1,5 triệu người.
Tuy nhiên, những bước tiến này chưa đủ để Moscow tạo ra lợi thế áp đảo trước Kiev trong năm thứ ba của cuộc xung đột mà ban đầu Moscow kỳ vọng sẽ kết thúc trong thời gian ngắn.
Dù kiểm soát phần lớn lãnh thổ Ukraine, Nga vẫn chưa đạt được các thành tựu nổi bật trong năm 2024. Ở chiều ngược lại, Kiev tuy đã kiểm soát một số khu vực thuộc tỉnh Kursk của Nga từ tháng 8 nhưng cũng không đạt được những tiến triển đáng kể. Thực trạng này làm dấy lên lo ngại từ các nhà phân tích rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine đang rơi vào thế bế tắc.
Một diễn biến mới đáng chú ý là Nga đang tiến sát thành phố Pokrovsk. Nếu kiểm soát được thành phố này, Nga có thể mở đường để kiểm soát toàn bộ khu vực Donetsk, qua đó thay đổi cục diện xung đột.
Dưới đây là những điểm nổi bật về tình hình căng thẳng Nga-Ukraine trên thực địa trong năm 2024.
“Bước ngoặt” Kursk
Theo các nhà phân tích, cuộc tấn công của Ukraine vào khu vực biên giới Kursk của Nga vào tháng 8 được đánh giá là cuộc tấn công nghiêm trọng nhất của một quốc gia nước ngoài vào lãnh thổ Nga kể từ Thế chiến II. Trong đợt tấn công này, Ukraine đã kiểm soát được một số khu vực quan trọng.
Về mặt chiến lược quân sự, đây là một thành công đáng kể của Ukraine trên thực địa. Tuy nhiên, vấn đề Kursk hiện đang đặt ra những thách thức lớn đối với cả Kiev và Moscow.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Nga đã triển khai hàng nghìn binh sĩ Triều Tiên đến khu vực này để đối phó với lực lượng Ukraine. Phía Kiev cũng xác nhận nhiều lần đụng độ với các đơn vị Triều Tiên.
Một nguồn tin quân sự Ukraine tiết lộ với AFP rằng, tính đến tháng 11, Ukraine vẫn kiểm soát khoảng 800 km² tại Kursk, giảm so với con số ước tính trước đó là 1.400 km².
Các chuyên gia nhận định rằng Kursk có thể trở thành “con bài” trong các cuộc đàm phán ngừng bắn tương lai giữa Moscow và Kiev. Đồng thời, không loại trừ khả năng xung đột tại khu vực này sẽ leo thang khi Nga tìm cách giành lại Kursk nhằm tăng lợi thế trên bàn đàm phán.
Trong cuộc họp báo, Tổng thống Vladimir Putin cam kết sẽ đẩy lực lượng Ukraine ra khỏi Kursk, nhưng không đưa ra thời hạn cụ thể.
Ông Ivan Stupak, chuyên gia quân sự và cựu sĩ quan Cơ quan An ninh Ukraine (SBU), dự đoán rằng trong những tháng tới, Nga sẽ nỗ lực giành lại khu vực này một cách nhanh chóng.Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng diễn biến quan trọng có thể xảy ra sau lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vào tháng Một tới. Ông Trump, với mong muốn chấm dứt xung đột Nga-Ukraine, có thể mở đường cho các cuộc đàm phán giữa Moscow, Kiev và Washington.
Những “lá bài” lợi hại
Trong năm 2024, Nga và Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công trên không, sử dụng vũ khí tiên tiến, hiện đại, làm dấy lên lo ngại rằng xung đột có thể leo thang hơn nữa.
Vào tháng 11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất để tiến hành các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga, một động thái mà Moscow từ lâu đã cảnh báo sẽ gây ra phản ứng “tàn khốc”.
Không dừng lại ở đó, ngày 21/11, Nga lần đầu tiên phóng Oreshnik (một tên lửa đạn đạo thử nghiệm có khả năng mang đầu đạn hạt nhân) vào Ukraine với lập luận đây là phản ứng của Moscow trước việc Kiev sử dụng ATACMS. Vụ phóng diễn ra vài ngày sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh hạ ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân.
Các chuyên gia tin rằng tên lửa mới này có tốc độ bay gấp 10 lần tốc độ âm thanh và có thể tấn công các mục tiêu cách xa tới 5.500 km. Tuy nhiên, theo chuyên gia Stupak, việc sử dụng Oreshnik giống như "một màn trình diễn PR" hơn là một sự leo thang thực sự của cuộc xung đột.
“Về mặt quân sự, việc sử dụng một số lượng nhỏ tên lửa vào các mục tiêu cụ thể sẽ không làm thay đổi đáng kể tình hình ở tiền tuyến”, chuyên gia quân sự Israel David Sharp nhận định với Moscow Times. Theo chuyên gia này, mặc dù việc sử dụng ATACMS gây ra một số tổn thất nhất định cho Moscow, nhưng nó chủ yếu mang thông điệp chính trị gửi tới Nga.
Nga và chiến thuật "đánh chắc"
Theo phân tích của AFP dựa trên dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) của Mỹ, khu vực phía Đông Ukraine tiếp tục là tâm điểm của các cuộc giao tranh ác liệt. Trong nhiều tháng qua, Moscow đã gia tăng sức ép và tiến công vào các vị trí của Ukraine.
Tháng 10/2024, quân đội Nga đã tiến thêm 478 km² vào lãnh thổ Ukraine, đánh dấu bước tiến lớn nhất kể từ tháng 3/2022 - giai đoạn đầu của cuộc xung đột. Tính đến giữa tháng 12, các lực lượng Nga chỉ còn cách thị trấn Pokrovsk, thuộc vùng Donetsk, vài km.
Theo chuyên gia Ivan Stupak, chiến thuật của Nga tập trung vào việc bao vây các khu định cư từ nhiều hướng, thay vì phát động các tấn công trực diện, vốn tốn kém cả thời gian lẫn nguồn lực. Tuy nhiên, cách tiếp cận này cũng khiến Moscow đối mặt với không ít thách thức.
Số liệu từ ISW cho thấy trong suốt năm 2023, Nga chỉ kiểm soát thêm 584 km² lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2024 đến nay, Moscow đã mở rộng quyền kiểm soát thêm hơn 2.660 km². Tổng cộng, kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022 đến ngày 27/10/2024, Nga đã kiểm soát khoảng 67.192 km² lãnh thổ Ukraine.
Những diễn biến trên cho thấy cuộc xung đột Nga-Ukraine trong năm 2024 vẫn chứa đựng nhiều yếu tố khó lường. Tương lai của cuộc xung đột đang phụ thuộc vào các bước đột phá trên thực địa, với hy vọng có thể tiến tới chấm dứt xung đột trong năm 2025.