Mỹ công bố khoản viện trợ gần 6 tỷ USD cho Ukraine
Ngày 30/12, Chính quyền của Tổng thống Biden đã công bố gói viện trợ quân sự và khoản ngân sách bổ sung trị giá 5,9 tỷ USD cho Ukraine – một động thái triển khai gấp rút và chỉ trước 3 tuần so với thời điểm Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức lên nắm quyền.
Trong đó, Tổng thống Biden công bố khoản viện trợ quân sự trị giá 2,5 tỷ USD cho Ukraine. Ông Biden nói rõ: "Theo chỉ đạo của tôi, Mỹ sẽ tiếp tục không ngừng nỗ lực để giúp tăng cường vị thế của Ukraine trong cuộc chiến này suốt thời gian còn lại trong nhiệm kỳ của tôi".
Khoản viện trợ nêu trên được Tổng thống Biden công bố được lấy từ 2 nguồn là 1,25 tỷ USD từ kho dự trữ của Mỹ và 1,22 tỷ USD từ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI).
Theo USAI, thiết bị quân sự viện trợ cho Ukraine được mua từ ngành công nghiệp quốc phòng hoặc các đối tác, thay vì lấy từ kho dự trữ của Mỹ. Điều này có nghĩa là Ukraine sẽ có thể mất nhiều tháng hoặc nhiều năm mới có thể tiếp nhận và đưa vào sử dụng trên chiến trường.
Theo Tổng thổng Biden, khoản viện trợ mới sẽ cung cấp cho Ukraine "một nguồn năng lực ngay lập tức mà nước này có thể tiếp tục sử dụng hiệu quả trên chiến trường cũng như nguồn cung cấp dài hạn cho hệ thống phòng không, pháo binh và các hệ thống vũ khí quan trọng khác".
Theo Lầu Năm Góc, Washington đã cung cấp riêng khoảng 61,4 tỷ USD viện trợ quân sự cho Kiev kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Tổng tống Biden cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đang trong quá trình cung cấp hàng trăm nghìn quả đạn pháo, hàng nghìn quả tên lửa và hàng trăm xe bọc thép để tăng cường sức mạnh cho Ukraine khi nước này bước vào mùa đông.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng cho biết nước này cung cấp 3,4 tỷ USD viện trợ ngân sách bổ sung nhằm cung cấp cho Ukraine các nguồn lực quan trọng trong bối cảnh Nga gia tăng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng của Ukraine.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen cho biết khoản hỗ trợ ngân sách trực tiếp, được cung cấp thông qua sự phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ và Bộ Ngoại giao, đánh dấu khoản giải ngân cuối cùng theo Đạo luật bổ sung An ninh Ukraine năm 2024.
Một quan chức Mỹ cho biết khoản tài trợ này nâng tổng số viện trợ ngân sách của nước này cho Ukraine lên hơn 30 tỷ USD kể từ khi cuộc chiến nổ ra từ tháng 2/2022. Hầu hết các khoản tiền đó được dùng để duy trì hoạt động của chính phủ Ukraine bằng cách trả lương cho giáo viên và các nhân viên nhà nước khác.
Bà Yellen cho biết việc tiếp tục viện trợ kinh tế cho Ukraine là rất quan trọng để cho phép nước này duy trì các dịch vụ của chính phủ và tiếp tục bảo vệ chủ quyền của mình. Bà nói rằng: "Thành công của Ukraine nằm trong lợi ích quốc gia cốt lõi của Mỹ. Chúng ta không được lùi bước trong nỗ lực này". Bà cũng nêu rằng nước Mỹ cam kết sẽ tiếp tục gây sức ép với Moskva thông qua các lệnh trừng phạt và giúp Ukraine đạt được hòa bình công bằng.
Gần 3 năm sau khi cuộc chiến nổ ra, Washington đã cam kết viện trợ hàng tỷ USD cho Ukraine. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định dưới thời Chính quyền Trump 2.0, những khoản viện trợ trên có được tiếp tục duy trì với tốc độ hiện nay hay không khi ông Trump sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2025.
Trước đó, ông Trump cho biết muốn chấm dứt chiến tranh một cách nhanh chóng. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, ông Trump đã đặt câu hỏi về mức độ tham gia của Mỹ vào cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine, cũng như cho rằng các đồng minh châu Âu cần bỏ ra chi phí nặng tài chính lớn hơn.
Một số đồng minh trong đảng Cộng hòa của ông Trump - những người sẽ kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện bắt đầu từ tháng tới – dường như cũng đã không còn “mặn mà” với việc gửi thêm viện trợ cho chính quyền Kiev.